Võ sư Phan Dương Bình

vovinam-bachdai-thuongdang

 

master PhanDuongBinh- Bạch đai thượng đẳng
- Môn đệ trực tiếp của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc
- Phó chủ tịch Thượng Hội Đồng Võ Sư Thế Giới (nhiệm kỳ 2008-2012 và 2012-2016)

Võ sư Phan Dương Bình (10/10/1929 tại Hà Nội) vốn là một cao đồ của võ sư Nguyễn Lộc. Ông nhập môn năm 1949 (năm 20 tuổi), khoá Vovinam mở cho quần chúng tại phố Hàng Than. Ông bước vào môn phái cùng thời với võ sư Trần Đức Hợp (cùng ngày, cùng khóa) tại Phố Hàng Than Hà Nội.

Đặc biệt, ngay từ ngày nhập môn, võ sư Nguyễn Lộc đã nhận thấy võ sư Phan Dương Bình là người có năng khiếu, nên ông kéo về tập riêng tại tư gia của ông tại Phố Hàng Than. Ít lâu sau thì đổi về võ đường phố Tôn Đản, ông vừa tập vừa làm trợ giáo cho võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc.

Năm 1948, khi võ sư Nguyễn Lộc dời vùng Bùi Chu-Phát Diệm về Hà Nội, võ sư Phan Dương Bình là người đã sát cánh và phụ tá cho ông trong 5 năm khó khăn nhất tại Hà Nội (1949-1954). Cũng trong giai đoạn này võ sư Lê Sáng đã nghỉ nghỉ tập và lập tiệm giầy Phi Điệp với ông Đặng Bẩy (phố Levacan).

Võ sư Phan Dương Bình là người có ý chí và muốn khôi phục lại Vovinam sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh. Chính vì thế, ông là người đã đứng lớp giảng huấn và khai giảng các võ đường Phố Hàng Trống, Phố Tôn Đản (vs Lê Văn Phúc tập ở đây). Ngoài ra ông là người đứng ra thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn cùng võ sư Nguyễn Lộc, gây nhộn nhịp một thời qua các lớp võ quần chúng tại trường Hàng Than.

Năm 1954, ông theo võ sư Nguyễn Lộc vào Nam và trợ giáo cho võ sư Sáng tổ tại võ đường Aviateur Gagos - Thủ Khoa Huân. (trong giai đoạn này Vs Lê Sáng mở tiệm thuê sách tại Chợ Lớn - Đường Sư Vạn Hạnh). Nhưng sau đó vì vấn đề gia đình ông quay trở lại Miền Bắc năm 1955. Tại Miền Bắc, tuy một mình và gián đoạn liên lạc với môn phái hơn 31 năm (1954-1985), nhưng ông vẫn tiếp tục trao dồi võ công và nghiên cứu nhiều môn võ Trung Hoa. Hiện nay ông là một trong những võ sư chuyên gia về môn Khí Công.

Năm 1985 ông bắt được liên lạc với võ sư Trần Huy Phong và năm 1986 với tư cách là Chưởng môn đời thứ ba, võ sư Trần Huy Phong điều chỉnh ông vào trình độ hồng đai nhị cấp (huyền đai lục đẳng), đến năm 1990, võ sư chưởng môn Lê Sáng điều chỉnh ông lên trình độ hồng đai tam cấp. Năm 1996, Hội đồng Võ sư Thế giới biểu quyết tái thiết lập hệ thống Bạch Đai và ông được tân thăng Bạch Đai Thượng Đẳng. Bởi ông vốn là thành viên Truyền Thống : (Nguyên là truyền nhân trực tiếp của võ sư Nguyễn Lộc hoặc là thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương đầu tiên của môn phái năm 1964).

Năm 1995, đáp theo lời kêu gọi của võ sư Trần Huy Phong, ông cùng các võ sư trong Hội Đồng Lâm Thời Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái ngày 16-09-1995. Hội đồng này là tiền thân của Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới được thành lập qua đại hội võ sư thế giới 1996 tại Paris-Pháp.

Hiện nay ông là một trong những võ sư Niên Trưởng, Phó Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Ngoài ra ông và võ sư Nguyễn Văn Thông (Sài Gòn) là hai truyền nhân duy nhất của võ sư Nguyễn Lộc vẫn còn sinh hoạt tại Việt Nam.

Trong hơn năm năm qua (từ năm 2009), sức khoẻ của thầy không được xung túc như trước, nên có ước vọng truyền lại những kiến thức khí công mà thầy đã nghiên cứu và tích lũy hơn 40 năm qua. Nhưng rất tiếc chưa có ai có khả năng tiếp thu và tiếp tục công trình nghiến cứu và thay thầy truyền bá bộ môn này.

Trong những thập niên 1986, thầy có trao đổi và nghiên cứu cùng thầy Trần Huy Phong và đóng góp các bài bản như : Thất Thập Nhị Bát Thức, các bài Khí Công Quyền và các bài song luyện của bản phái dành cho những người lớn tuổi.

Những bài bản này đã được thầy Trần Huy Phong và Lê Sáng truyền lại cho một số các võ sư và các huấn luyện viên. Trong đó có bốn võ sư được thụ huấn nhiều nhất là Vs Ngô Kim Tuyền, Nguyễn Chánh Tứ, Trương Quang An và Vũ Kim Trọng. Nên ngày nay các bài bản này mới được phong phú như ngày hôm nay.

Nhưng theo thầy thì vẫn chưa đầy đủ và chưa đến mức độ như mong muốn, vì những bài bản đó chưa được quảng bá rộng rãi cũng như chưa đưa vào chương trình huấn luyện chính thức của môn phái. Nhất là chương trình dành cho những giới lớn tuổi. Tuy rằng thầy Trần Huy Phong đã lập ra giáo trình « Tâm Thể Dục », có mục đích đưa vào giảng huấn trong đại học Hùng Vương. Nhưng rất tiếc thầy Phong lâm bệnh nan y nên chương trình dở dang. Ngoài ra những kiến thức của bản phái về phương diện khí công vẫn còn có tính cách « phần 1 », nghĩa là chưa đi vào nội dung sâu sắc bởi khoa khí công, theo thầy, có 5 trình độ chứ không chỉ có một trình độ như hiện nay.

Võ sư Phan Dương Bình – Hà Nội 2013Chính vì thế thầy ngỏ ý và có nguyện vọng truyền lại những kiến thức này cho võ sư Trần Nguyên Đạo. Bởi võ sư Đạo hiện nay là Tổng Thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, là người có đủ khả năng và đủ tư cách để tiếp tục công trình võ học này. Ngoài ra Vs Đạo là người đã được Vs Trần Huy Phong trao di chúc, chuyển các tài liệu và các kiến thức võ học trước khi qua đời.

Võ sư Trần Nguyên Đạo, rất trân trọng thịnh ý này và hứa rằng sẽ tìm cách mọi cách đáp lại ân ý và sẽ thoả nguyện ước vọng của thầy Phan Duơng Bình.

Bởi Vs Đạo đã được Vs Trần Huy Phong truyền thụ và trao lại rất nhiều tư liệu, hình ảnh và các vidéo về bộ môn này. Ngoài ra còn được Vs Vũ Kim Trọng và Trương Quan An trao lại những tài liệu viết tay cũng như hình vẽ khi hai vị này thụ huấn cùng thầy Trần Huy Phong. Chính vì thế vấn đề tiếp tục thu nhận những kiến thức về Khoa Khí Công là một sự kiện tự nhiên mà võ sư Đạo nghĩ rằng có nhiệm vụ nối tiếp công trình của quí thầy Phan Dương Bình, Lê Sáng và Trần Huy Phong.

Nhưng vì thời gian và công việc kinh tế chưa cho phép thực hiện trong tức thời, nên phải đợi 4 năm sau, năm 2013. Sau nhiều lần hối thúc của thầy Phan Dương Bình ; Võ sư Trần Nguyên Đạo đã quyết định về Hà Nội vào tháng 05-2013 để thụ huấn cùng thầy theo như ý nguyện.


 Hội Đồng Võ Sư Thế Giới
© Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới