Khuyến cáo giải vô địch thế giới 2018

  • In bài này

Giải Vô Địch Thế Giới thứ 5 - Bruxelles - 2018

La Commission Technique Internationale
The International Technical Board

209-2018-CTI/VN-24-03-2018

Vs Trần Nguyên Đạo
Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Quốc tế


Khuyến cáo giải vô địch thế giới 2018

logo worldcup2018

Kính thưa quí vị Võ sư, các Huấn luyện viên và các Lãnh đạo. 

Giải vô địch Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 5 tại Bruxelles, đang bước đến giai đoạn hoàn tất. Ngày 26 tháng 7-2018 tới đây, các Môn sinh trên thế giới sẽ được dịp so tài và thi đua trong tinh thần « Ngày hội » và « Đại Gia Đình » Vovinam-Việt Võ Đạo. 

Riêng các quy luật tranh giải, thường là những quy luật có tính cách cô đọng và sử dụng những từ ngữ chuyên môn, nên các Thí sinh thường hay thắc mắc và không thấu hiểu hoàn toàn. Chính vì thế để « ngày hội » được hoàn hảo, đồng thời giúp các Môn sinh tránh được những khuyết điểm ngoại vi, có thể làm lụm bại hy vọng thành công của mình. Tôi xin gửi đến quí vị một vài khuyến cáo và yêu cầu quí vị thông báo rộng rãi đến các Môn sinh tùy theo phương tiện của mỗi người. 

Tuy nhiên, sau văn thư khuyến cáo này, nếu quí vị vẫn còn nghi vấn, thì xin đặt câu hỏi trực tiếp, tôi sẽ cố gắng giải đáp. 

I - Trang phục chính thức. 

Theo kinh nghiệm trong quá khứ, 80% các Lãnh đạo hoặc các Huấn luyện viên, thường quên nhắc nhở các Môn sinh về phương diện này. Tôi xin báo động đến quí vị như sau :

 

Tuyệt đối cấm không được thêu, vẽ hoặc in trên võ phục (hoặc trên đai), các hình ảnh, phù hiệu hoặc khẩu hiệu ngoại trừ phù hiệu chính thức Vovinam-Việt Võ Đạo (trên ngực trái), Tên trên ngực phải và các gạch đẳng cấp trên một bên đai.

 

Tuy nhiên các phái đoàn có quyền thêu tên đoàn của mình theo quốc gia, tiểu bang hoặc thành phố, nhưng phải thêu bằng mầu đỏ trên vai phải hoặc sau lưng võ phục, theo thí dụ : "Sénégal" , "France", "Paris", "Genève"… Ngoài ra tên võ đường, hiệp hội hoặc Liên đoàn thì vẫn không được phép, thí dụ : « Võ đường Hoa Lư », « Liên đoàn Hoa Kỳ »… 

  • Tất cả các Thí sinh không tôn trọng quy luật trên, sẽ bị trừ 3 điểm, mổi lần bước vào thảm tranh giải. Như vậy thì khó có thể hy vọng bước qua được vòng loại. 
  • Cẩn thận ! Tất cả các Thí sinh thiếu phù hiệu chính thức, đai không đúng tiêu chuẩn, võ phục không đúng mầu, cũng bị điểm trừ 3 điểm như đã trình bầy ở trên. 

II - Đẳng cấp chính thức 

Để có sự phân biệt rõ ràng giữa các Thí sinh và các Giám khảo và Trọng tài, các tham dự viên phải tôn trọng quyết định sau đây : 

  • Tất cả các Thí sinh có trình độ từ 1 Đẳng đến 4 Đẳng phải đeo Huyền Đai cùng với các gạch trắng. 
  • Tất cả các Trọng tàiGiám khảo, phải đeo Hoàng Đai, nếu ở trình độ trung đẳng và Hồng Đai nếu là võ sư (tứ Đẳng trở lên). 

III - Ngoại lệ dành cho các tân Hoàng/Huyền đai I Đẳng 

Đặc biệt các tân Hoàng/Huyền đai I đẳng, mới thi lên đẳng cấp vào tháng 05, 06 và 07 -2018, được quyền đeo Lam đai III cấp và tham dự các giải dành cho các trình độ Lam đai. 

IV - Các giải kỹ thuật 

IV.1.       Cấm sử dụng các Đòn chân trung đẳng vì vấn đề an ninh

 Tuyết đối cấm không được sử dụng các đòn chân trung đẳng, từ số 11 trở lên đối với các thành phần Thí sinh sau đây : 

  • Tất cả các Thí sinh thiếu nhi dưới 15 tuổi dù ở bất cứ trình độ nào.
  • Tất cả các Thí sinh phái nữ dù ở bất cứ trình độ nào.
  • Tất cả các Thí sinh trình độ Lam đai. 

Tôi sẽ yêu cầu và lưu ý tất cả các Giám khảo, đặc biệt kiểm soát cứng rắn và trừ điểm đối với các Thí sinh vi phạm những điều cấm này. Mỗi đòn chân trình bầy sẽ bị trừ 3 điểm và có thể sẽ bị loại khỏi bộ môn thi đấu nếu cần thiết.

 

 

IV.2.       Tôn trọng quan điểm đạo đức, xã hội và tinh thần Thể dục Thể thao 

  • Yêu cầu không nên biểu diễn các tiết mục có tính cách « Hành quyết đối thủ », thường được sử dụng trong các bài Song Luyện Kiếm, Song Luyện Dao hoặc Song Luyện Tự Do. Bởi người Tây phương đánh giá là dã man, (thiếu văn minh) chứ không còn là nghệ thuật hoặc võ thuật. 
  • Không nên thực hiện các màn biểu diễn có tính cách làm trò cười cho khán giả qua các màn biểu diễn mới được du nhập trong những năm gần đây từ Việt Nam. Những kiểu cách này hoàn toàn không phù hợp đối với quần chúng Tây phương cũng như đối với các Võ sư trong Hội đồng võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. 
  • Các Võ sư, đồng thời là các Giám khảo, đi hàng ngàn cây số để tham dự Giải vô địch thế giới, khảo sát trình độ và khả năng kỹ thuật của các Thí sinh chứ không phải để xem một hài kịch. 
  • Tôi xin nhắc nhở rằng : Giải vô địch thế giới Vovinam-Việt Võ Đạo là bộ mặt văn hoá võ thuật của Môn phái nói riêng và của Việt Nam nói chung, chứ không phải là cuộc hội diễn hài kịch quốc tế. 

Tôi yêu cầu quí Võ sư, các Lãnh đạo tại các Liên đoàn quốc gia, nhắc nhở kỹ lưỡng các Môn sinh của mình để tránh những bài bản có xu hướng hài hước. Bởi không những, không giúp các Thí sinh được điểm cao mà trái lại sẽ bị trừ điểm một cách vô bổ.

 

IV.3.       Cấm và cho phép pha trộn các trình độ trong một bộ môn thi.

 

Mỗi trình độ đều có các bộ môn thi riêng như : 

  • Giải Thiếu nhi, trình độ Lam đai, nam hay nữ.
  • Giải người lớn, trình độ Lam đai, nam hay nữ.
  • Giải người lớn trình độ Huyền/Hoàng đai, nam hay nữ.

 

Cấm không được pha trộn các trình độ trong một bộ môn như :

 

  • Cấm không được tuyển các Thí sinh Huyền/Hoàng đai trong các bộ môn dành cho trình độ Lam đai hoặc Thiếu nhi, dù chỉ là vai phụ (hoặc nói nôm na là « làm bò ») cho các vai chính. 
  • Cấm không được tuyển các Thí sinh Lam đai tham dự các bôn môn dành cho Huyền/Hoàng đai. 
  • Cấm không được tuyển các Thí sinh người lớn (trên 15 tuổi) tham dự trong các giải dành cho Thiếu nhi. 

Đặc biệt năm nay, cho phép được quyền pha trộn các trình độ trong các giải như sau : 

  • Giải số 19 : Tam đấu Thách thức quốc tế : Được quyền pha trộn Huyền đai/Lam đai và Nam/Nữ.
  • Giải số 20 : Toàn đội Triathlon : Được quyền pha trộn Huyền đai/Lam đai và bắt buộc phải có ít nhất một phái nữ.
  • Giải từ số 21 đến 23 : Đấu Vật tự do phái nam : Được quyền pha trộn Huyền đai/Lam đai
  • Giải từ số 34 đến 37 : Song đấu tự do phái nữ : Được quyền pha trộn giữa Huyền đai và Lam đai III Cấp. 

IV.4.   Giải Lưỡng Nghi Kiếm Pháp toàn đội và Song Luyện Dao

 

  • Trọng lượng của Kiếm

Để tránh các trường hợp kiếm bằng nhôm và có hiện tượng « múa may quay cuồng ». Kiếm phải có trọng lượng tối thiểu là 600g (0,600kg). Trong trường hợp không hợp lệ, các Thí sinh phải sử dụng các kiếm do Ban tổ chức cung cấp. 

  • Vật liệu của Dao găm: vì lý do an toàn, dao phải bằng gỗ, không được sử dụng các vật liệu bằng kim loại hoặc bằng nhựa. 

IV.5.       Các bài bản chính thức, bài bản khai triển và tự do 

  • Các Bài bản chính thức : Gồm các bài bản đã được giảng dậy trong chương trình huấn luyện quốc tế chính thức. Có mục đích bó buộc các Thí sinh phải thi những bài bản giống nhau. Như thế các Giám khảo mới có thể khảo sát và so sánh theo cùng một chỉ tiêu để tuyển lựa Thí sinh ưu tú nhất. Các giải « Bài bản chính thức » này bao gồm các bài QuyềnSong Luyện 
  • Các Bài bản khai triển : Gồm các bài bản tương tự như các bài bản chính thức, nhưng cho phép được uyển chuyển thay đổi một số đòn thế tùy theo khả năng và sở thích của các Thí sinh. Các loại bài bản này gồm : 
  • Song luyện dao
  • Đòn chân trung đẳng 

Thí dụ thứ nhất : Song Luyện Dao : Điểm trọng yếu của song luyện này là các thế phản đòn dao và các thế Té, Ngã, Lăn lộn của người chịu đòn. Ngoài ra các thế « thứ yếu » được « ghép thêm » như : Đòn Chân, Gối, Đấm, Đá… được đánh thêm giữa hai thế phản đòn (thí dụ sau đòn dao số 6, được đánh thêm đòn chân số 6 hoặc số 7 hoặc số 12), thì được gọi là các thế « uyển chuyển », các Thí sinh có quyền « thay đổi » tùy theo sở thích. Các giám khảo sẽ không cứng ngắc trên vấn đề này và sẽ cho thêm điểm (chứ không trừ) tùy theo cảm ứng riêng của mỗi Giám khảo.

 

Thí dụ thứ hai : Đòn chân trung đẳng : Điểm trọng yếu của giải này là 6 thế Đòn chân (4 trong 21 đòn trong chương trình và 2 đòn tự do lựa chọn). Các giám khảo sẽ tập trung và chấm theo các kỹ thuật tinh luyện của các đòn chân. Ngoài ra các đòn thế được ghép thêm (kịch bản), trước hoặc sau khi đánh đòn chân, thì các Thí sinh được tự do khai triển. Các Giám khảo sẽ chỉ cho thêm 1 hoặc 2 điểm theo tiêu chuẩn « nghệ thuật trình bầy », chứ không phải là chỉ tiêu chính.

 

  • Các giải Tự do : Loại bài bản này chỉ có hai giải duy nhất, đó là giải Tự vệ nữ Lam đai và Huyền đai. Các Thí sinh được quyền tự do khai triển tùy theo sở thích, nhưng phải tôn trọng các qui luật và điều lệ chung của giải vô địch thế giới và thời gian trình bầy tối đa là 2 phút. 

IV.6.       Các vi phạm nhỏ nhưng sẽ là cản trở lớn cho các Thí sinh

 

Xin khuyến cáo và lưu ý các Thí sinh, nên cẩn thận trên vấn đề giới hạn của thảm thi đấu và các quy luật an toàn. Sau đây là những vi phạm cần lưu ý : 

  • Thí dụ, Song Luyện Dao : Té, ngã, lăn lộn hoặc dẵm lên Dao. Hất Dao tung vào khán giả hoặc Giám khảo, chấn thương đồng môn v.v. 
  • Thí dụ chung cho các Song Luyện : Lăn lộn hoặc té ngã ra ngoài thảm thi đấu, thiếu kiểm soát các thế đấm hoặc đá hoặc những hành vi hung hãn hoặc thù hằn… 
  • Thí dụ về Quyền : Cuối bài quyền không về đúng chỗ như lúc khởi đầu (trừ Lão Mai Quyền), không tôn trọng các thế tấn, thiếu chính xác, các đòn căn bản hời hợt… 
  • Linh tinh : Quên không nghiêm lễ Giám khảo, chậm trễ trình diện trước thảm thi đấu, có những cử chỉ thiếu tự chủ : gãi đầu, run rẩy, mất bình tĩnh… 

V - Các giải Song đấu tự do 

Theo kinh nghiệm qua các giải Vô địch thế giới lần trước, nhiều Thí sinh đã bị cảnh cáo và bị điểm trừ, sau đó bị xử thua vì vi phạm một số lỗi nhỏ như sau : 

  • Nắm, lôi kéo võ phục hoặc áo giáp đối thủ
  • Tiếp tục tấn công khi đối thủ đã té xuống đất hoặc đã bước ra ngoài thảm thi đấu hoặc không tuân hành hiệu lệnh của Trọng tài.
  • Không đấu thật sự khi đối phương là bạn hữu trong cùng một võ đường .
  • La hét hoặc có những cử chỉ bất nhã khi đối phương phạm lỗi. Xin lưu ý ! Chỉ có Trọng tài mới có quyền lên tiếng cảnh cáo hoặc điểm trừ.
  • To tiếng hoặc cãi vã khi không được phép. Lưu ý ! chỉ có Huấn luyện viên của Thí sinh mới có quyền khiếu nại hoặc yêu cầu Ban giám khảo giải thích quyết định của mình.

VI - Tư cách hành sử 

VI.1.       Vất găng, la hét, chửi bới, không nghiêm lễ hoặc từ chối bắt tay đối thủ sau khi trọng tài tuyên bố kết quả.

 

Cách hành sử trên là những thái độ không thể chấp nhận. Các Thí sinh sẽ bị trừng phạt nặng nề và có thể nới rộng ra cả phái đoàn và có thể bị loại ra khỏi Giải vô địch thế giới.

 

Tôi khẩn khoản yêu cầu các Võ sư, các Huấn luyện viên và các Lãnh đạo Liên đoàn quốc gia lưu ý và cảnh giác các Thí sinh của mình hầu bảo vệ tinh thần võ đạo cao quí của Môn phái vốn đã được giới võ thuật công nhận và tôn trọng.

 

Đối với các Thí sinh, dù có cảm nghĩ bị sử bất công cũng không thể làm mất tinh thần võ sĩ đạo qua các hình vi bất nhã. Bởi chúng ta còn có các giải pháp khiếu nại hoà nhã trong tinh thần tự trọng.

 

Ngoài ta tôi xin nhắc nhở các võ sư trẻ, đừng để các Môn sinh của mình khiêu khích hoặc thúc đẩy, để rồi có những hành vi không tương xứng với vị thế võ sư và trở thành nạn nhân của chính Môn sinh của mình đối với Môn phái. Võ sư Vovinam-VVĐ đúng nghĩa phải là người có bản lãnh tự chủ và biết đặt danh dự lên trên tất cả mọi hành động.

 

VI.2.       Nghi lễ tôn giáo

 

Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo là một Môn phái phổ cập, có cứu cánh là đào tạo con người trên ba lãnh vực : Tinh thần, Võ thuật, Võ đạo và đứng ngoài mọi chính kiến, tôn giáo, mầu da và chủng tộc.

 

Để bảo vệ và tôn trọng « khung trời chung » của tất cả Việt Võ Đạo Sinh, chúng ta nên khuyên bảo các Thí sinh không nên có những cử chỉ có tính cách tôn giáo như : « làm dấu thánh giá » hoặc « quì lậy » cám ơn cõi thiêng thiêng, trước hoặc sau khi thi đấu.

 

Tuy rằng đối với thế kỷ 21 hiện nay, các cử chỉ tôn giáo nêu trên không còn là một dị ứng đối với mọi người, bởi mọi người ai cũng hiểu rằng, đó chẳng qua là một phương tiện « tâm lý » để tự nâng cao tinh thần tự tin, chứ không phải là một phương tiện « xin đấng thiêng liêng » đánh thắng đối thủ.

 

Tôi tin rằng, dù ở bất cứ tôn giáo nào, mọi người ai cũng có thể đồng ý với tôi rằng : Thượng đế chẳng bao giờ xen vào những cuộc tranh giải của các dân gian như chúng ta. Chỉ có công phu luyện tập và tinh thần thượng võ của chính các Thí sinh thì mới có thể đưa đến kết quả tốt và đoạt được huy chương Vô địch Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.


 

Paris ngày 24 tháng 03 - 2018.

Võ sư Trần Nguyên Đạo

 

Bản sao kính gửi :

 

      • Chủ tịch Thượng hội đồng võ sư Thế giới
      • Chủ tịch và các Võ sư Hội đồng võ sư Thế giới
      • Chủ tịch Tổng liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới
      • Chủ tịch các Liên đoàn quốc gia, thành viên Tổng liên đoàn Thế giới



© Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới | http://vovinamworldfederation.com