Réf : 97-22 - CT/HĐVS/TG - VN-15-09-2022 

Thư đầu niên khoá 2022-2023

 

 

 

Võ sư Trần Nguyên Đạo

Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới (HĐVS/TG) 

Võ sư Nguyễn Tiến Hội

Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư (THĐVS) 

 

Quí Võ sư, các Lãnh đạo và Môn sinh các cấp, 

Nhân đầu niên khoá 2022-2023, chúng tôi xin gửi đến quí Võ sư, các Lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia và Môn sinh các cấp, lời chúc sức khoẻ và luôn thành công trên con đường phục vụ nền văn hoá võ thuật Vovinam-Việt Võ Đạo. 

Thứ đến, với trọng trách mà Đại hội Võ sư Thế giới đã tín nhiệm và được các Võ sư Niên trưởng tiền nhiệm, Nguyễn Văn Cường và Ngô Hữu Liễn chuyển giao, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ và sẽ không phụ lòng tin tưởng mà quí thầy đã giao phó. 

Nhân đây chúng tôi xin trình bày sơ qua nhiệm vụ của chúng tôi như sau :


Vai trò của Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư (THĐVS) 

  • Là người có trách nhiệm về lĩnh vực đạo đức và triết lý Vovinam-Việt Võ Đạo. Có nhiệm vụ phát triển mối quan hệ, thông tin và tương trợ đối với các Võ sư kỳ cựu và các Võ sư Bạch đai Thượng đẳng trong Môn phái. 

Vai trò của Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới (HĐVS/TG) 

  • Theo nội qui của HĐVS/TG, chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG, tuy cao quí và quan trọng, nhưng không có chức năng điều hành các hoạt động của Môn phái. Trọng trách này do Tổng thư ký HĐVS/TG và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới đảm nhiệm. 
  • Chủ tịch HĐVS/TG vốn chỉ là một biểu tượng, có trọng trách lãnh đạo tinh thần và thể hiện các giá trị phổ cập. Có bổn phận duy trì truyền thống và tôn chỉ, bảo toàn sự đoàn kết và sự hài hoà trong Môn phái. Một chức vụ thay thế Chưởng môn trước đây trong Vovinam-Việt Võ Đạo, nhưng không vĩnh viễn mà theo nhiệm kỳ và do HĐVS/TG tiến cử. 

Một khúc quanh lịch sử ! 

Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới lần thứ 9 vừa qua, được tổ chức tại Paris vào ngày 20 tháng 7 năm 2022. Nghị trình của Đại hội có 3 sự kiện quan trọng đó là : bầu cử Ban lãnh đạo HĐVS/TG, tiến cử chức vụ Chủ tịch Thượng HĐVS và Chủ tịch HĐVS/TG. Một hoạt động bình thường như tất cả đại hội từ ngày thành lập năm 1996. 

Nhưng điều đặc biệt của đại hội năm 2022 là đã có một buổi lễ chuyển giao chức vụ giữa cựu và tân chủ tịch HĐVS/TG. Một sự kiện lịch sử chưa từng thấy ! Bởi trước đây và trong lịch sử Môn phái, chúng ta chưa bao giờ thấy. Nghi lễ đặc biệt này không những là một khúc quanh lịch sử mà còn là một chứng minh cụ thể cho sự lớn mạnh của Môn phái về lĩnh vực tổ chức, tinh thần dân chủ, tính độc lập, sự tuân thủ điều lệ và nhất là biểu dương tính phổ cập của Môn phái, một tổ chức dân sự quốc tế, của mọi Võ sư và của mọi Môn sinh trên thế giới mặc dù xuất phát từ nền văn hoá võ thuật Việt Nam và do người Việt Nam sáng tạo. 

Tạo sao khúc quanh lịch sử ? Và tại sao chưa bao giờ có ?

Do bởi các Võ sư Chưởng môn hoặc các Võ sư Chủ tịch HĐVS/TG trước đây đã đột ngột qua đời hoặc trong hoàn cảnh không cho phép nên đã không tổ chức những cuộc chuyển giao chức vụ như năm 2022.  

Tiến trình từ chức vụ Chưởng môn đến chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới 

I.Thời điểm Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1938-1960).

Vào thời Võ sư Nguyễn Lộc, tức từ ngày thành lập Môn phái năm 1938 cho đến ngày ông qua đời năm 1960, chức vụ Chưởng môn chưa có trong Môn phái. Riêng Võ sư Nguyễn Lộc, ông chỉ xưng là Võ sư Sáng lập Vovinam.

 

II.Thời điểm Võ sư Lê Sáng (1964-1986).

Năm 1964, tức sau 4 năm ngày Võ sư Nguyễn Lộc qua đời, Hội đồng Võ sư đầu tiên của Môn phái đã biểu quyết thành lập chức vụ Chưởng Môn và tiến cử Võ sư Lê Sáng vào chức vụ này. Võ sư Lê Sáng nhiệm lãnh Chưởng môn từ năm 1964 đến năm 1986, thì nhường lại cho Võ sư Trần Huy Phong. Việc chuyển giao này đã không được tổ chức vì vào thời điểm đó Võ sư Lê Sáng còn đang trong trại tù cải tạo, nên ông chỉ viết một bản « chỉ dụ » chuyển giao chức vị.

 

III.Thời điểm Võ sư Trần Huy Phong (1986-1990).

Võ sư Trần Huy Phong nhiệm lãnh Chưởng Môn từ năm 1986 trong một hoàn cảnh rất ư là khó khăn vì Môn phái chưa được nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động. Và đến năm 1989, Võ sư Trần Huy Phong lại lâm vào cảnh lao tù, nên ông đã quyết định nhường lại chức vị Chưởng môn cho Võ sư Lê Sáng bằng một bản « thỉnh nguyện thư » năm 1990. Chính vì thế nghi lễ chuyển giao đã không được tổ chức.

 

IV.Thời điểm Võ sư Lê Sáng (1990-2010) - Quyết định hủy bỏ chức vụ Chưởng môn và Vs Lê Sáng nhận lãnh Chủ tịch HĐVS/TG đầu tiên.

Năm 1996, nhân đại hội thế giới lần thứ 2, được tổ chức tại Paris có mục đích thành lập Hội đồng Võ sư Thế giới (HĐVS/TG) và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Đại hội đã biểu quyết hủy bỏ chức vụ Chưởng môn và được thay thế bởi Chủ tịch HĐVS/TG. Nhưng chức vụ này đã được bỏ trống bởi vẫn công nhận chức vị Chưởng môn của Võ sư Lê sáng cho đến ngày ông qua đời (Chương 3, Điều 15.1, Nội qui hoạt động của HĐVS/TG).

 

Trước đó 4 năm, 1992, chức vụ Chưởng môn cũng đã hủy bỏ bởi Võ sư Lê Sáng, nhân buổi lễ « sám hối » được tổ chức vào ngày 20/01/1992 tại Tổ đường, Việt Nam. Ông đã quyết định không trao chức vụ Chưởng môn cho các thế hệ sau.

 

Năm 2002, nhân dịp Võ sư Lê Sáng sang thăm viếng Hoa kỳ, HĐVS/TG đã tổ chức một buổi họp đặc biệt để Võ sư Lê Sáng tiếp nhận chính thức chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG. Nhưng nghi lễ chuyển giao cũng không tổ chức, bởi với cương vị Chưởng môn, Võ sư Lê Sáng nghiễm nhiên là Chủ tịch HĐVS/TG. Ngoài ra cũng không có Chủ tịch tiền nhiệm bởi chức vụ này đã được bỏ trống như đã trình bày ở trên, nên Võ sư Lê Sáng chỉ ký vào một « bản thông cáo » chính thức thông tin việc đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG, ngày 04/02/2002 tại California, Hoa Kỳ

 

V.Thời điểm Võ sư Nguyễn Dần (2004-2016).

Năm 2004, Võ sư Lê Sáng từ nhiệm vì hoàn cảnh khách quan của Vovinam-Việt Võ Đạo trong nước [[1]]. HĐVS/TG đã quyết định tiến cử Võ sư Nguyễn Dần (bào đệ của Vs Nguyễn Lộc), tạm thời thay thế Chủ tịch lâm thời HĐVS/TG, bởi Võ sư Lê sáng vẫn còn tại thế. Năm 2010, sau khi Võ sư Lê Sáng qua đời, Võ sư Nguyễn Dần đã chính thức đảm nhiệm Chủ tịch HĐVS/TG và cũng từ năm 2010, chức vụ này đã chính thức thay thế chức vụ Chưởng môn Vovinam-Việt Võ Đạo, đúng theo ước nguyện của Võ sư Lê Sáng năm 1992 và biểu quyết của Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới năm 1996.

 

VI.Thời điểm Võ sư Nguyễn Văn Cường (2016-2022).

Năm 2016, sau khi Võ sư Nguyễn Dần đột ngột qua đời, đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 8 (California, Hoa Kỳ), HĐVS/TG đã biểu quyết tiến cử Võ sư Nguyễn Văn Cường vào chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG và nghi lễ chuyển giao cũng không được tổ chức vì Võ sư Nguyễn Dần không còn tại thế.

 

  1. VII.Thời điểm Võ sư Trần Nguyên Đạo (2022 - *).

Nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 9, được tổ chức tại Paris ngày 20/07/2022, Võ sư Chủ tịch HĐVS/TG, Nguyễn Văn Cường đã yêu cầu đại hội thế giới cho ông được từ nhiệm, vì tuổi cao và sức khoẻ có hạn. Chính vì thế HĐVS/TG đã biểu quyết tiến cử Võ sư Trần Nguyên Đạo thay thế và cũng chính nhờ sự sáng suốt của Võ sư Nguyễn Văn Cường, chúng ta mới được tham dự một buổi lễ « chuyển giao » lần đầu tiên trong lịch sử Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo. 

Thưa quí Võ sư, các Lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia và Môn sinh các cấp, 

Đại hội thế giới lần thứ 9 năm 2022, tự nó, là một đại hội đặc biệt, bởi sau hơn hai năm rưỡi bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Các hoạt động của Môn phái trên thế giới đều bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Thêm vào đó, thời tiết thay đổi thất thường, thiên tai, chiến tranh, vật giá leo thang… khiến mọi người bước vào tình thế căng thẳng và lo âu. Nhưng bất ngờ thay, đại hội võ sư và giải vô địch thế giới lần thứ 6, đã được khai mạc tưng bừng và rầm rộ như chưa bao giờ thấy cùng với sự hiện diện của 92 Võ sư và 600 Môn sinh đến từ 5 lục địa : Á châu, Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Úc châu, mặc dù có nhiều quốc gia đã không tham dự bởi những lý do khách quan như : Ba Lan, Bạch Nga, Canada, Côte d’Ivoie, Liên Xô, Mauritanie, Niger, Togo, Ukraina… 

Chính vì thế, Đại hội thế giới lần thứ 9 đã đặc biệt, thì lại càng đặc biệt hơn nữa qua sự xin miễn nhiệm của Võ sư Nguyễn Văn Cường (Chủ tịch HĐVS/TG) và Võ sư Ngô Hữu Liễn (Chủ tịch Thượng HĐVS), cùng với sự tín nhiệm của đại hội đã tiến cử Võ sư Nguyễn Tiến Hội vào chức vụ Chủ tịch Thượng HĐVS và Võ sư Trần Nguyên Đạo Chủ tịch HĐVS/TG. Sự thay đổi nhân sự qua các chức vụ biểu tượng trên là một khúc quanh lịch sử, nói lên sự kiện toàn tổ chức của Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế cùng với những giá trị như : dân chủ, độc lập, pháp quyền và phổ cập của Môn phái.

Nhân danh Vovinam-Việt Võ Đạo, chúng tôi xin ghi nhận và tri ơn sự đóng góp đã có trên 62 năm (1960-2022) của hai Võ sư Niên trưởng Nguyễn Văn CườngNgô Hữu Liễn. Hai vị đã cho phép chúng ta sống trong khúc quanh lịch sử 2022, một tiến trình tuyệt đẹp, nói lên sự hài hoà và tinh thần đoàn kết của Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. 

Cuối cùng, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó. Nhưng mọi người đều biết rằng, không có một vị lãnh đạo nào có thể hoàn thành nhiệm vụ, nếu không được sự hỗ trợ của tập thể. Chính vì thế chúng tôi tin rằng quí vị sẽ tích cực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ mà HĐVS/TG đã giao phó, bởi Môn phái là của chung, của tất cả các Võ sư và các Môn sinh, chứ không của một nhóm hoặc một cá nhân nào, dù ở bất cứ chức vị nào trong Môn phái. 

Paris (Pháp)/ Hanovre (Đức), ngày 15/09/2022

 

Võ sư Nguyễn Tiến Hội

 

Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo

 

 

 

 

Võ sư Trần Nguyên Đạo

Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới




[1] : Trong giai đoạn này (1993-2007), Vovinam-Việt Võ Đạo tại Việt Nam bị áp đặt thành một Ban và đặt dưới quyền điều hành của Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam cùng với sự đồng loã của một số võ sư đương thời. Theo Quyết định số 176, của Tổng cục TDTT ngày 29/04/1994. Ông Trương Quang Trung, Phó vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng làm Trưởng ban và Vs Nguyễn Văn Chiếu làm Phó ban. Và phải đợi khoảng 15 năm sau, tức năm 2007, Vovinam-Việt Võ Đạo mới được thành lập Liên đoàn nhờ sự vận động của ông Lê Quốc Ân và giúp đỡ của Gs Hoàng Vĩnh Giang và Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái.


© La Fédération Mondiale de Vovinam-VietVoDao |