Võ sư Lê Văn Phúc

vovinam-bachdai-thuongdang


master LeVanPhuc- Bạch đai thượng đẳng
- Môn đệ trực tiếp của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc
- Thành viên lãnh đạo Hội Đồng Võ Sư Thế Giới (nhiệm kỳ 1996-2000 và 2000-2004).
- Thành viên Thượng Hội Đồng Võ Sư Thế Giới.

Võ sư Lê Văn Phúc, vốn không những là một trong 14 võ sư niên trưởng của môn phái mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn và ký giả của nhiều tờ báo và đài phát thanh tại các quốc gia như :  Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi và Anh Quốc (đài BBC).

Trong môn phái ông có một vị trí rất đặc biệt trong tâm hồn các môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo. Ông được mọi người quí mến không phải vì ông là bậc thầy hoặc là nhà văn có tiếng, mà do cung cách hành sử kiêm nhường và tính hoà đồng của ông đối với các môn sinh.  

Võ sư Lê Văn Phúc sinh năm 1934 tại Hải Dương, miền bắc Việt Nam, ông bước vào môn phái năm 17 tuổi (1951), khi gia đình gửi ông lên Hà Nội học tại trường Trung Học Nguyễn Trãi. Nhờ thế ông được dịp đến thụ huấn với võ sư Nguyễn Lộc tại Phố Hàng Trống năm 1951.

Ông tường thuật một vài chi tiết về việc thụ huấn của ông với võ sư Nguyễn Lộc như sau : " ... Một năm sau qua nhiều lần dò hỏi và ghi tên, tôi mới được thực sự nhập học Vovinam. Lúc đó vào năm 1951... cả cuộc đời học võ, tôi mới chỉ được võ sư Nguyễn Lộc trực tiếp sửa đòn cho độ mươi lần, nhưng mỗi lần là một kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm. Đòn sửa thật nhanh, thật mạnh, thật bén và cũng thật đau. Chỉ còn biết chịu trận. Các lần khác thì võ sư Nguyễn Lộc giảng dậy, chỉ bảo để anh em chúng tôi tự luyện. Đôi khi có võ sư Bình trợ huấn (võ sư Phan Dương Bình). thì võ sư Lộc ngồi quan sát. Gặp anh Bình thì cuộc đời anh em chúng tôi cũng không mấy sáng sủa. Đòn nào đánh sai thì anh Bình sửa cho liền, mà sửa rất thực tình. Đôi giầy tây to và cứng rắn như thế mà đạp như lao vào ngực nhỏ bé của tôi thì làm sao chịu thấu. Sau buổi tập, xoa ngực thấy còn dính cát vết giầy in một khoảng đỏ hồng lưu niệm đã khiến tôi thấm thía vô cùng. Không hiểu sao mà anh em chúng tôi  không nản, lại còn hăng hái thêm ..." (*)

Ông vào quân ngũ năm 1954 và dậy Vovinam-Việt Võ Đạo cho Ngự Lâm Quân Đà Lạt cho đến năm 1955. Sau đó ông tiếp tục con đường binh nghiệp, nhưng vẫn giảng dậy Vovinam-Việt Võ Đạo cho các binh chủng nơi ông phục vụ và đồng thời truyền bá cho các môn sinh dân sự cho đến năm 1975.

Năm 1970, vốn có bằng cao học Chính trị Ngoại Giao, ông được mời về làm Đổng Lý văn phòng Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà (Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm). Chính nhờ thế, trong giai đoạn này ông lại được dịp sinh hoạt chặt chẽ với các võ sư lãnh đạo môn phái đương thời tại Sài Gòn. Ông đã đóng góp cho môn phái về mọi phương diện, nhưng nổi bật nhất là đức tính khiêm nhường mà ông cho rằng đã được thụ huấn nơi võ sư Nguyễn Lộc. Ông tường thuật những lời của võ sư sáng tổ như sau:

 "... Các chú phải thay đổi lề lối làm việc cho thích ứng với mọi hoàn cảnh, tân tiến mọi tổ-chức để môn phái sau này khoa học hơn, mới mẻ hơn. Nếu các chú thấy được điều anh làm chưa hoàn mỹ, thì có bổn phận sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Phương pháp anh áp dụng còn thiếu sót thì các chú phải thay đổi cho hoàn bị hơn. Có như vậy thì sự đóng góp mới ích lợi và Vovinam mới có cơ trở thành một nền võ đạo dân tộc. (*)”

Năm 1975 (41 tuổi), ông di tản sang Hoa Kỳ trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhưng thay vì bi quan hoặc nản chí, ông đã chuyển thành những động lực sáng tạo qua các áng thơ và dòng văn. Ngòi bút của ông không xa lạ trong làng ký giả hải ngoại, nhưng nổi bật nhất là những tác phẩm mà ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam như :  Tôi Làm Tôi Mất Nước, Bóng Thời Gian, Khung Trời Kỷ Niệm

Song song với các sinh hoạt văn học, ông luôn chú ý đến các sinh hoạt của môn phái và thường đóng góp tích cực mỗi khi nhu cầu đòi hỏi đến trí lực của ông. Năm 1995, đáp theo lời kêu gọi của võ sư Trần Huy Phong, ông cùng các võ sư trong Hội Đồng Lâm Thời Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái ngày 16-09-1995. Hội đồng này là tiền thân của Hội Đồng Võ Sư Thế Giới và Tổng Liên Đoàn Vovinam-VVĐ Thế Giới được thành lập qua đại hội võ sư thế giới 1996 tại Paris-Pháp. Sau đó ông đắc cử liên tiếp trong hai nhiệm kỳ (1996-2000 và 2000-2004) thành viên Hội Đồng Võ Sư Thế Giới. Năm 2004, ông quyết định rút lui không ra ứng cử để nhường lại cho các thế hệ trẻ.

Hiện nay, ông là một trong những võ sư Niên Trưởng, thành viên Thượng Hội Đồng Võ Sư Thế Giới đã được Đại Hội Võ Sư Thế Giới năm 1996 biểu quyết là Các thành viên Truyền Thống. (Nguyên là truyền nhân trực tiếp của võ sư Nguyễn Lộc hoặc là thành viên Ban Chấp Hành đầu tiên của môn phái năm 1964).


(*) : Trích "Hồi ký những ngày theo học võ sư sáng tổ", đặc san Vovinam-VVĐ : KD. số 2397 BTT/PHNT ngày 28-05-1971)

Hội Đồng Võ Sư Thế Giới
© Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới