Tri ơn và vinh danh
- Chi tiết
- Lượt xem: 677
Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế
La Commission Technique Internationale
The International Technical Board
281-2022-CTI/VN-01-07-2022
Vs Trần Nguyên Đạo
Tri ơn và vinh danh
Download
Kính thưa quí vị Võ sư, các Huấn luyện viên, các Lãnh đạo và Môn sinh các cấp,
Năm nay, 2022, đối với Vovinam-Việt Võ Đạo là một năm rất đặc biệt, bởi sẽ tổ chức hai sự kiện cùng một thời điểm, đó là : Đại hội Vovinam-Việt Đạo Thế giới lần thứ 9 và Giải vô địch Thế giới lần thứ 6 tại Paris từ các ngày 20 đến 23 tháng 07-2022.
Ngoài ra, nếu tính từ năm võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời (1960), thì tròn 62 năm. Một năm được gọi là đại tang của Môn phái, mà ngày nay đã trở thành ngày « Lễ gỗ tổ ».
Nhưng năm 1960 cũng đánh dấu khởi điểm sự thay đổi và biến dạng của Vovinam-Việt Võ Đạo, đang từ một vài « trường võ » khiêm nhường, trở thành một đại phái cùng với sự ra đời của Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên của Môn phái và một hệ thống tổ chức kiện toàn như một liên đoàn quốc gia vào năm 1964. Và cũng từ đó, những nền tảng của Môn phái đã được khai sáng như : Danh xưng, chương trình huấn luyện, chương trình thi, chương trình võ đạo, hệ thống đẳng cấp, phù hiệu…. đã trở thành những mũi nhọn xuyên lịch sử làm bàn đạp phát triển cho các phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo khắp thế giới.
Trong số các võ sư niên trưởng, thành viên Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên của Môn phái năm 1964, những bậc thầy đã đóng góp xây dựng những nền tảng « xuyên thời gian » nói trên, đến nay, đã có rất nhiều vị đã ra đi, nhưng may mắn thay, vẫn còn một vài vị tại thế ! Trong số đó, có hai vị vẫn tiếp tục đóng góp một cách tích cực và đều đặn từ hơn 62 năm qua. Đó là võ sư niên trưởng Nguyễn Văn Cường và Ngô Hữu Liễn.
Chính vì thế, sự tham dự của hai thầy năm nay, 2022, lại càng trở thành đặc biệt hơn bao giờ hết. Ngoài ra hai thầy còn đưa ý chí sẽ không nhận bất cứ một chức vụ nào, kể cả những chức vụ biểu tượng như nhiều năm qua, mà chỉ giữ tư cách thành viên mà thôi.
Đây không phải là lần đầu hai thầy khơi đặt ý tưởng này, mà đã được biểu lộ trong những đại hội trước (2008, 2012, 2016), nhưng tôi đã thành công trên việc thuyết phục và yêu cầu hai thầy ngồi lại trong những vị trí biểu tượng của hệ thống Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Bởi đây là một hình thức đóng góp trực tiếp, hỗ trợ tinh thần cho các Môn sinh trên thế giới cũng như cho các võ sư lãnh đạo của hệ thống.
Trong bất cứ một tổ chức nào, người ta cũng cần những biểu tượng tinh thần truyền thống.
Về phương diện « nguồn gốc », hai thầy là biểu tượng của sự kết nối giữa võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc và chúng ta. Về phương diện « cơ chế », hai thầy là sự nối dài của Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên của Môn phái năm 1964, so với Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới ngày nay. Về phương diện « chính danh », hai thầy là minh chứng cụ thể, là cội nguồn đích thực của Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, cho phép chúng ta hãnh diện và tiếp tục phát triển lý tưởng võ thuật và võ đạo khắp nơi trên thế giới.
Nhưng đại hội năm nay, khả năng thuyết phục của tôi không còn trụ được nữa ! Bởi tuổi đời của hai thầy đã quá cao, sức khoẻ có hạn và hệ thống của chúng ta phải biết mạnh dạn tự bước và tự tạo những « tinh thần truyền thống mới » cùng với sự cố vấn và bao che của hai thầy. Chính vì thế Đại hội 2022, vốn đã đặc biệt thì lại càng đặc biệt hơn nữa trước sự việc sẽ « chuyển giao » hai chức vụ tinh thần của hệ thống tổ chức quốc tế của chúng ta, đó là : Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới và Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.
Kính thưa quí vị, thiên nhiên và con người, cả hai đều phải tuân theo một định luật : Sinh, Lão, Bệnh, Tử, nên không có gì là tuyệt đối. Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc đã khai sáng và đóng góp cho sự ra đời của Môn phái trong vòng 22 năm (1938-1960), hai võ sư Chưởng môn, Trần Huy Phong và Lê Sáng, cũng đóng góp 43 và 56 năm. Riêng hai thầy Nguyễn Văn Cường và Ngô Hữu Liễn đã đóng góp liên tục trong 62 năm và vẫn chưa chấm dứt… Một đóng góp có trên nửa thế kỷ, tức cả một đời người và qua hàng chục thế hệ.
Chúng ta là những thế hệ sau này, không được hân hạnh thụ huấn với võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc và cũng không phải là những người đã đóng góp khai sáng những « mũi nhọn xuyên lịch sử » như hai thầy. Nhưng chúng ta đã được các thầy trao lại, theo dõi, nhắc nhở, cố vấn, hướng dẫn… để Môn phái vẫn được tiếp tục khai phá khắp nơi trên thế giới.
Những đóng góp quyết định và cốt lõi này đã không cho các thầy thêm danh vọng, không thêm quyền lực và cũng không thêm lợi tức, mà ngược lại còn bị rất nhiều thị phi và tốn kém. Như vậy những đóng góp của hai thầy để làm gì ? Và cho ai ? Có phải chăng vì lý tưởng của nền văn hoá võ thuật Việt Nam nói chung và cho Vovinam-Việt Võ Đạo nói riêng ? Có phải chăng cho tất cả các thế hệ Môn sinh từ hàng chục năm qua và trong tương lai. Đây là một điều cao quí, một gương sáng mà chúng ta phải vinh danh.
- Xin vinh danh võ sư niên trưởng Nguyễn Văn Cường
- Xin vinh danh võ sư niên trưởng Ngô Hữu Liễn
Xin gửi đến hai thầy những lời tri ơn cao quí nhất.
Các thầy là những gương sáng để mọi người noi theo, là đức hạnh, là tinh thần, là con người « Thực người » theo đúng triết lý của Môn phái. Các thầy là những người tâm huyết, đã thấm nhuần tinh thần « Việt võ sĩ », đã thể hiện một cách cao đẹp nguyên lý sống của Việt Võ Đạo, đó là « Sống, để người khác sống và Sống cho người khác ». Các thầy là những tấm gương về nếp sống giản dị, trong sạch, thương người, luôn quyên mình để phục vụ cho lợi ích chung.
Các thầy là những ngọn đuốc tiền phong, có tinh thần khai phá và dấn thân, có lòng dũng cảm, có ý chí dám đảm đương trọng trách và không quản ngại khó khăn. Về phương diện xã hội, các thầy những người uyên bác, có kiến thức cao, có năng lực và có uy tín.
Nhờ thế Vovinam-Việt Võ Đạo mới có những kết quả cao đẹp như ngày hôm nay.
Paris ngày 01/07/2022.
Vs Trần Nguyên Đạo
Võ sư niên trưởng Ngô Hữu Liễn
Võ sư Ngô Hữu Liễn - 2004 |
- Bạch đai Thượng đẳng.
- Môn đệ trực tiếp của Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc.
- Thành viên Ban Chấp hành Trung ương Vovinam-VVĐ, 1964.
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới (1996-2000).
- Thành viên Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2000-2012).
- Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2012-2016, 2016-2022).
- Thành viên sáng lập Vovinam-VVĐ Texas, Hoa Kỳ.
Võ sư Ngô Hữu Liễn sinh năm 1937 tại Mỹ Độ, Bắc Giang, Miền bắc Việt Nam. Ông bước vào Môn phái năm 18 tuổi (1955), thụ huấn cùng Võ sư Nguyễn Lộc tại Võ đường Thủ Khoa Huân Sài Gòn (đường Aviateur Garros), vốn là võ đường đầu tiên của võ sư Sáng tổ được thành lập tại Miền nam Việt Nam.
Ông, hiện là một trong những võ sư Niên trưởng cao cấp nhất của Môn phái, thành viên Sáng lập Ban chấp hành Trung ương đầu tiên của Môn phái năm 1964 (còn được gọi là Hội đồng Võ sư đầu tiên của Vovinam-Việt Võ Đạo), sau ngày võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời.
Đầu năm 1964, ông cùng với các võ sư đương thời : Lê Sáng, Trần Huy Phong, Mạnh Hoàng, Nguyễn Văn Thư, Phan Quỳnh, Trần Bản Quế, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thông... lên phương án và thiết lập một chương trình pháp lý hóa cho Môn phái và cho ra đời Ban Chấp hành đầu tiên của Môn phái. Võ sư Lê Sáng được bầu làm Chưởng môn, võ sư Trần Huy Phong trở thành nhân vật thứ hai của Môn phái và võ sư Ngô Hữu Liễn phụ trách Ủy viên Pháp lý.
Giải vô địch thế giới lần thứ 5 – Brussels 2018 |
Trong các năm 1964-1975, võ sư Ngô Hữu Liễn liên tiếp nhiệm lãnh các chức vụ như : Ủy viên Tổng phối kiểm, Tổng thư ký Tổng cục Huấn Luyện, Ủy viên Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo… Tham dự công tác huấn luyện tại các Võ đường ở Sàigòn - Chợ Lớn, đặc biệt phụ trách huấn luyện lớp Sĩ quan Cảnh sát Quốc gia với sự phụ tá của võ sư Nguyễn Văn Vang, lớp Cảnh sát Quận 8 với sự phụ tá của võ sư Vũ Kim Trọng và tích cực nhất là các khóa Đặc huấn đào tạo Võ sư, Huấn luyện viên của Môn phái thường được tổ chức hàng năm.
Ngoài các sinh hoạt của Môn phái, ông còn tham gia tích cực các công tác từ thiện qua việc thành lập các Trung tâm Giáo dục Cộng đồng, có mục đích dạy miễn phí hoặc giảm phí luyện thi Trung học Phổ thông, luyện thi Tú Tài và các lớp võ tự vệ dành cho học sinh nghèo Sàigòn và Chợ Lớn cùng với các bạn đồng chí hướng như các giáo sư : Mạnh Hoàng, Trần Huy Phong, Hoàng Quân, Đinh Đức Mậu, Nguyễn Văn Cường, Phan Quỳnh, Nguyễn Xuân Thiều, Mai Trung Hoa....
Luật sư - 1962 |
Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật Trường Đại học Luật khoa Sàigòn và gia nhập Luật sư Đoàn Sàigòn năm 1962. Vài năm sau, vì chiến tranh, ông phải động viên nhập ngũ, tốt nghiệp khóa 17, Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức và khóa 10, Sĩ quan Hành chánh Tài chánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau đó ông trở thành Sĩ quan Giảng viên Tài chánh và Khế ước Hành chánh cho trường này.
Cuối năm 1968, ông biệt phái về Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, giữ nhiệm vụ Thanh tra rồi Trưởng đoàn Thanh tra của Tổng Nha Thanh niên chính phủ Việt Nam Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975.
Năm 1975, vì vận nước, ông và gia đình di tản sang Hoa Kỳ trong một hoàn cảnh khó khăn và định cư tại bang Texas cho đến ngày nay.
|
Ngay sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, ông liền nhập cuộc và tiếp tục công cuộc phát huy tinh hoa võ học Vovinam-Việt Võ Đạo cùng với các võ sư : Nguyễn Thế Hùng, Võ Trung, Võ Thành Long, Nguyễn Văn Đỏ, Nguyễn Chính, Bùi Khắc Hùng, Lê Huy Chương, Nguyễn Văn Lương… thành lập Vovinam-VVĐ Texas trong thập niên 1980. Khởi đầu ông giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ban Chấp hành, sau đó Chủ tịch Hội đồng Võ sư Lãnh đạo Vovinam Việt Võ Đạo Texas trong nhiều năm và sau đó nhường lại cho các võ sư trẻ thay ông tiếp tục công trình phát triển Môn phái tại Texas nói riêng và trên thế giới nói chung.
Năm 1995, đáp theo lời kêu gọi của võ sư Trần Huy Phong, ông cùng các võ sư trong Hội Đồng Lâm Thời Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái ngày 16-09-1995. Hội đồng này là tiền thân của Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới được thành lập qua Đại hội Võ sư Thế giới 1996 tại Paris-Pháp. Cũng trong đại hội này, ông được tín nhiệm và đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới đầu tiên (nhiệm kỳ 1996-2000), sau đó liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ ông là thành viên Hội đồng Võ sư Thế giới, Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới. Và năm 2012 ông được bầu làm Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới, nhiệm kỳ 2012-2016 và nhiệm kỳ 2016-2022.
Đại hội Vovinam-VVĐ Thế giới kỳ 8 – California - 2016 |
Võ sư niên trưởng Nguyễn Văn Cường
Hình 1964 Vs Nguyễn Văn Cường (dưới) Trần Bản Quế (trên)
|
- Bạch đai Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới.
- Môn đệ trực tiếp của Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc.
- Thành viên Ban Chấp hành Trung ương Vovinam-VVĐ, 1964.
- Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-VVĐ Thế giới hai nhiệm kỳ (1996-2004).
- Thành viên Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2004-2008, 2012-2016).
- Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2008-2012).
- Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2016-2022).
Võ sư Nguyễn Văn Cường vốn là một trong những võ sư cao cấp nhất của Môn phái, thành viên sáng lập Ban Chấp hành Trung ương và Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên của Môn phái năm 1964. Bạch đai thượng đẳng, Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Thế giới (HĐVS/TG), hai nhiệm kỳ (1996-2004), Chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới nhiệm kỳ 2008-2012 và năm 2016, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới cho đến ngày nay.
Giải vô địch thế giới lần thứ 3 - Đức – 2010 Vs Nguyễn Văn Cường (giữa) |
Ông Nguyễn Văn Cường sinh năm 1938 tại Việt Nam, xuất thân từ một gia đình khiêm nhường tại Hà Nội, Miền bắc Việt Nam, có truyền thống Bác sĩ tây học từ nhiều đời.
Năm 1954, gia đình ông di cư vào Miền nam, ông vào học trường Trung học La San Taberd, Hồ Ngọc Cẩn (tú tài I) và Chu Văn An (Tú tài 2). Sau đó ông tốt nghiệp cử nhân Luật (Đại học Luật khoa) và cử nhân Văn chương (Đại học Văn khoa) Sàigòn.
Năm 1966, ông tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh (khoá 11). Sau đó vì chiến tranh, ông phải động viên nhập ngũ, tốt nghiệp Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khóa 23. Năm 1967/1968, ông được bổ nhiệm làm Phó quận trưởng quận Di Linh và năm 1972 ông trở thành Phó Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng cho đến tháng 4-1975.
Sau hai năm bị tù đầy bởi có sự thay đổi chế độ tại VN, năm 1976 ông vượt trại tù và vượt biên qua Thái Lan và sau đó đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ (bang Oklahoma) vào năm 1977 cho đến ngày nay.
Đại hội Vovinam-VVĐ Thế giới kỳ 8 – California - 2016
|
Võ sư Nguyễn Văn Cường bước vào Môn phái năm 1956 qua bạn của ông, võ sư Trần Huy Phong và đến học với võ sư Nguyễn Lộc tại võ đường Thủ Khoa Huân, đường Aviateur Garros, và từ đó ông trở thành một nhân tố cột trụ của Vovinam-Việt Võ Đạo.
Năm 1964 ông đã cùng với các võ sư lãnh đạo đương thời đứng ra thành lập Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo và pháp lý hoá Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo dưới dạng một Liên đoàn quốc gia. Riêng ông đảm nhiệm chức vụ Thủ quĩ của Ban Chấp hành Trung ương với đẳng cấp Chuẩn hồng đai (tương đương đệ tứ đẳng quốc tế).
Năm 1990, nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới lần đầu tiên tại California, Hoa Kỳ, ông trở thành thành viên sáng lập Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế với chức vụ Ủy viên Cố vấn Ban Chấp hành trung ương. Nhưng rất tiếc cơ quan này chỉ hoạt động được khoảng 1 năm thì giải tán vì nhiều lý do.
Giải vô địch thế giới lần thứ 3 - Đức - 2010 |
Năm 1995, đáp theo lời kêu gọi của võ sư Trần Huy Phong, ông cùng các võ sư trong Hội Đồng Lâm Thời Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái ngày 16-09-1995. Hội đồng này là tiền thân của Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới được thành lập qua Đại hội Võ sư Thế giới lần thứ 2, được tổ chức tại Paris-Pháp năm1996.
Cũng trong đại hội này, ông được tín nhiệm và được bầu vào chức vụ Tổng thư ký đầu tiên của Hội đồng Võ sư Vovinam-VVĐ Thế giới liên tiếp trong hai nhiệm kỳ (1996-2004), sau đó ông tiếp tục nhiệm lãnh nhiều chức vụ then chốt và quan trọng, nhất là năm 2016, nhân đại hội thế giới lần thứ 8 tại California-Hoa Kỳ, ông đã được tín nhiệm vào trách vụ cao quí nhất của Môn phái : Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, một chức vụ được thay thế cho chức vụ Chưởng môn.
Đại hội Vovinam-VVĐ Thế giới kỳ 8 – California, Hoa Kỳ – 2016 Vs Nguyễn Văn Cường và Ngô Hữu Liễn
|
Tiến trình từ chức vụ Chưởng Môn
đến chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới
(1) Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912-1960) |
(2) Võ sư Chưởng môn đời II (1964-1986, 1990-2010) Vs Lê Sáng (1920-2010) |
(3) Võ sư Chưởng môn đời III (1986-1990) Vs Trần Huy Phong (1938-1997) |
(4) Võ sư Chủ tịch Hội đồng Vs Thế giới (2002-2004) Vs Lê Sáng (1920-2010) |
(5) Võ sư Chủ tịch Hội đồng Vs Thế giới (2004-2016) Vs Nguyễn Dần (1928-2016) |
(6) Võ sư Chủ tịch Hội đồng Vs Thế giới (2016) Vs Nguyễn Văn Cường |
(1) Thời võ sư Nguyễn Lộc sáng lập Môn phái từ năm 1938 cho đến ngày ông qua đời 1960, chức vụ Chưởng Môn chưa có, và ông chỉ xưng là võ sư Sáng lập Môn phái Vovinam.
(2) Sau 4 năm sau ngày võ sư Nguyễn Lộc qua đời, năm 1964, Hội đồng Võ sư đầu tiên của Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, thành lập chức vụ Chưởng Môn và bầu võ sư Lê Sáng vào chức vụ này.
( 3) Năm 1986, võ sư Lê Sáng nhường chức vụ Chưởng môn cho võ sư Trần Huy Phong. Nhưng đến năm 1990, võ sư Trần Huy Phong lại nhường lại cho võ sư Lê Sáng.
(4) Năm 1996, nhân đại hội thế giới lần thứ 2, được tổ chức tại Paris để thành lập Hội đồng Võ sư Thế giới (HĐVS/TG) và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Đại hội đã biểu quyết hủy bỏ chức vụ Chưởng môn và được thay thế bởi chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG. Nhưng chức vụ này được bỏ trống bởi vẫn công nhận chức vị Chưởng môn của võ sư Lê sáng cho đến ngày ông qua đời. Năm 2002, nhân dịp võ sư Lê Sáng qua thăm viếng Hoa kỳ, HĐVS/TG đã thành lập một buổi họp đặc biệt để võ sư Lê Sáng tiếp nhận chính thức chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG (xem hình đính kèm ở dưới).
(5) Năm 2004, võ sư Lê Sáng từ nhiệm vì lý do hoàn cảnh đất nước. HĐVS/TG đã bầu võ sư Nguyễn Dần (bào đệ của Vs Nguyễn Lộc) tạm thời thay thế Chủ tịch lâm thời HĐVS/TG, bởi võ sư Lê sáng vẫn còn tại thế. Năm 2010, sau khi võ sư Lê Sáng qua đời, võ sư Nguyễn Dần đã chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐVS/TG và cũng từ năm 2010, chức vụ này đã chính thức thay thế chức vụ Chưởng môn Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.
(6) Năm 2016, sau khi võ sư Nguyễn Dần qua đời, nhân đại hội thế giới lần thứ 8, được tổ chức tại California, Hoa Kỳ, Đại hội đã biểu quyết bầu võ sư Nguyễn Văn Cường vào chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG và ông đã đảm nhiệm trọng trách này cho đến ngày nay.
California, Hoa Kỳ - 2002, Buổi họp đặc biệt của HĐVS/TGVõ sư Chưởng môn Lê Sáng chính thức nhiệm chức Chủ tịch HĐVS/TGTrái/phải : Võ sư Nguyễn Văn Cường, Lê Sáng, Ngô Hữu Liễn, Lê Trọng Hiệp, Nguyễn Dần. |
© La Fédération Mondiale de Vovinam-VietVoDao | http://vovinamworldfederation.com