Dự án Quy Ước Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế

Hội Đồng Võ Sư Thế Giới hân hạnh đề nghị đến quí thầy Dự án Quy Ước Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế, nhân Đại Hội Võ Sư Thế Giới Kỳ 7 sắp tới.

Dự án này có mục đích quy chế hoá và quốc tế hoá Chương trình Huấn luyện Quốc tế, đã được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 5 biểu quyết thông qua ngày 31-07-2004 tại Houston, Texas-USA. Dự án Quy ước quốc tế này, là sự nối tiếp các quyết định đã được thông qua trong các đại hội :

  • Đại hội 1998 : Hệ thống đẳng cấp, các bài bản mới và cũ
  • Đại hội 2000 : Quy Ước Đẳng Cấp Quốc Tế
  • Đại hội 2002 : Trao trách nhiệm soạn thảo chương trình huấn luyện quốc tế cho võ sư Lê Công Danh và Trần Nguyên Đạo.
  • Đại hội 2004 :  Biểu quyết thông qua Chương trình Huấn luyện Quốc tế

Như quí vị đã biết, trên phương diện quốc tế, các Liên đoàn Quốc gia đều có tư thế độc lập, tự chủ và phải tuân theo luật pháp của quốc gia mình. Chính vì thế các biểu quyết trên phương diện quốc tế chỉ có tính cách hướng dẫn chứ không bắt buộc. Chính vì thế Quy Ước Quốc tế là những văn bản để các Liên đoàn quốc gia biểu quyết, ký kết và tuân hành. Nhờ thế các sinh hoạt trên phương diện quốc tế mới được đồng nhất và tôn trọng khắp nơi trên thế giới.

Rất mong nhận được sự đóng góp của quí thầy, để Quy ước Quốc tế được hoàn chỉnh và biểu quyết trong đồng thuận

Paris ngày 30-03-2012. Thay mặt HĐVS/TG
Võ sư Tổng Thư ký, Trần Nguyên Đạo.

Bản Quy Ước Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế Vovinam-Việt Võ Đạo gồm 7 Chương và 16 Điều.

CHƯƠNG I

CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ


ĐIỀU 1. Chương trình huấn luyện quốc gia và quốc tế

1.1. Chương trình Huấn luyện Quốc tế, là chương trình chính thức của Vovinam-Việt Võ Đạo trên bình diện quốc tế, đã được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 5, biểu quyết thông qua ngày 31-07-2004 tại Texas-USA. Chương trình này có giá trị trên toàn thế giới, các quốc gia thành viên Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới phải nghiêm chỉnh áp dụng và phổ biến giảng dậy.

1.2. Tất cả các Liên đoàn quốc gia đều có quyền soạn thảo một chương trình huấn luyện riêng cho quốc gia của mình để phù hợp với những nhu cầu cá biệt hoặc như những đòi hỏi về pháp luật hoặc những quy luật của Bộ Thể dục Thể thao trong quốc gia của mình. Nhưng phải tôn trọng các điều luật dưới đây :

    1. Phải đệ trình lên Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế để được công nhận chính thức.
    2. Chương trình Huấn luyện Quốc gia không được quyền khác biệt quá 20% so với Chương trình Huấn luyện Quốc tế.
    3. Các bài bản như Quyền hoặc Song Luyện, đã được ấn định trong Chương trình Huấn luyện Quốc tế, các quốc gia không được quyền thay đổi hoặc hủy bỏ mà chỉ được thêm nếu có nhu cầu.

1.3. Các quốc gia nào không có hoặc chưa đệ trình Chương trình Huấn luyện Quốc gia, thì Chương trình Huấn luyện Quốc tế đương nhiên được chính thức áp dụng. Trong trường hợp có sự tranh chấp vì bất cứ lý do gì, thì Hội đồng Võ sư Thế giới là cơ quan có trách nhiệm phân sử.

1.4. Các tập thể, hội đoàn, trung tâm huấn luyện, võ đường… tại các quốc gia chưa tổ chức thành Liên đoàn, thì Chương trình Huấn luyện Quốc tế là chương trình chính thức của các tập thể này.

1.5. Hệ thống đẳng cấp và chương trình huấn luyện : Hệ thống đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế và Chương trình Huấn luyện Quốc tế là hai lãnh vực tương quan chặt chẽ không thể tách rời vì Chương trình Huấn luyện Quốc tế được soạn thảo theo cấp bậc, ngày tháng và danh xưng của Hệ thống Đẳng cấp Quốc tế. Chính vì thế Chương trình Huấn luyện Quốc gia cũng phải tôn trọng Hệ thống đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế đã được chính thức hoá trong Quy Ước Đẳng Cấp Quốc Tế.

ĐIỀU 2. Công nhận đẳng cấp và chương trình huấn luyện   

Hội Đồng Võ Sư Thế Giới và Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới chỉ công nhận các đẳng cấp quốc tế nếu các quốc gia tôn trọng :

2.1. Chương trình Huấn huyện Quốc tế.

2.2. Quy Ước Đẳng Cấp Quốc tế hiện hành.

2.3. Các điều luật trong Quy Ước Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế này.

ĐIỀU 3. Tôn trọng Quy ước quốc tế

Tất cả các quốc gia thành viên ký kết Quy Ước, phải tuân hành và áp dụng tất cả các Chương, Điều, Khoản trong Quy Ước này. Tất cả mọi vi phạm sẽ do Hội Đồng Võ Sư Thế Giới phân xử.

 CHƯƠNG II

PHÙ HIỆU – VÕ PHỤC - CỜ HIỆU


ĐIỀU 4. Phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

4.1. Phù hiệu chính thức của Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế đã được biểu quyết thông qua ngày 31-07-2004 nhân Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 5, tại Houston,Texas-USA,  theo như hai mẫu tương đương như sau :

ecusson vovinam mondial

4.2. Mầu và kích thước của phù hiệu được Quy định như sau :

details ecusson vovinam

ĐIỀU 5. Quyền sử dụng phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

5.1. Phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế đã được đăng ký bản quyền sở hữu trên bình diện thế giới tại cơ quan Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới (OMPI : l’Organisation Mondiale de la Propriété Intélectuelle – WIPO : World Intellectual Property Organization) bởi Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Pháp.

5.2. Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Pháp ủy quyền cho Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới, quyền quản lý trên phương diện quốc tế.

5.3. Tất cả các Liên đoàn và các tập thể, thành viên Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, chỉ được quyền sử dụng phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế sau khi được Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới cho phép qua một văn thư chính thức. Tất cả mọi lạm dụng hoặc sử dụng không giấy phép sẽ do pháp luật trừng trị.

ĐIỀU 6. Võ phục Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

6.1. Mầu của võ phục Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế được ấn định chính thức là : mầu xanh da trời theo hệ thống quốc tế như sau :

  • Tên mầu : Bleu Electric :  vovinam-
  • Mã số Hexa : #2C75FF
  • Mã số RVB : 44| 117| 255
  • Mã số CMJN : 83| 54| 0| 0
  • Mã số TSL : 219| 100| 59

6.2. Kiểu võ phục Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế là loại áo hai vạt theo hình dưới đây :

tenue vovinam

6.3. Các trang bị trên võ phục phải tuân theo các Quy định sau đây :

  1. Phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế phải được thêu trên ngực trái của võ phục.
  2. Tên của Môn đồ - không bắt buộc : Được quyền thêu trên ngực phảicủa võ phục nhưng phải tôn trọng các quy luật sau đây :
      • Trình độ Sơ cấp : Tên mầu Vàng trên nền Xanh lam.
      • Trình độ Trung cấp : Tên mầu Đỏ trên nền Vàng.
      • Trình độ Cao đẳng : Tên mầu Trắng trên nền Đỏ.
      • Trình độ Thượng đẳng : Tên mầu Đỏ trên nền Trắng.
  3. Ngoài ra trên võ phục, tuyệt đối cấm không được thêu thêm các hình ảnh, biểu tượng hoặc phù hiệu nào khác trên võ phục. Ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ như sau :
    • Tên quốc gia, liên đoàn, vùng hoặc võ đường,
    • Cờ chính thức của quốc gia.
  4. Trong trường hợp thêu chữthì phải tuân theo các giới hạn sau đây : :
    • Phải được thêu trên vai phải hoặc sau lưng võ phục theo thí dụ sau đây : « Senegal » , « Equipe de France », « Canada Team », « Fédération Burkinabé »… hoặc « Paris », « Genève », « Vancouver », « Võ đường Hoa Lư », « Club Bruxelles »…
    • Các chữ chỉ được dùng bốn (4) mầu sau đây : Xanh Lam, Vàng, ĐỏTrắng.
  5. Trong trường hợp thêu cờ chính thức của quốc gia, thì chỉ được quyền thêu trên vai phải của võ phục.

ĐIỀU 7. Cờ hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc gia

Các quốc gia đều có quyền trang bị cờ hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo chính thức của quốc gia mình trong các buổi lễ hoặc các giải vô địch quốc tế, nhưng phải tôn trọng các quy luật sau đây :

7.1. Kích thước bắt buộc của cờ là : 110cm x 70cm. Xem mẫu cờ Điều 7.3

7.2. Nội dung của cờ được chia thành ba (3) khu vực riêng biệt như sau :

  1. Khu phía trên cờ, dành riêng cho tên của quốc gia hoặc tên của liên đoàn. Thí dụ : « BELGIQUE », « CANADA », « MAROC »… hoặc « Fédération France », « Federation TEXAS », « GERMAN Federation ».
  2. Khu phía giữa cờ là phù hiệu hình tròn « Âm-Dương » của Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế.
  3. Khu phía dưới cờ là danh xưng Vovinam-Việt Võ Đạo. Các quốc gia được quyền chọn lựa hai loại chữ theo mẫu cờ loại 1 hoặc loại 2. Xem các mẫu cờ Điều 7.3

7.3. Hai mẫu cờ hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Gia :

fanion vovinam

CHƯƠNG III

ĐẲNG CẤP – DANH XƯNG


ĐIỀU 8. Đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

8.1. Hệ thống đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo quốc tế đã được quy chế hoá và chính thức ấn định trong Quy Ước Đẳng Cấp Quốc Tế, Điều 9, Chương II. Được chia thành hai hệ thống : "Hệ thống truyền thống" và "Hệ thống quốc tế ". Cả hai hệ thống này đều được công nhận. Các Quốc Gia được quyền tùy nghi áp dụng tùy theo tổ chức của mỗi quốc gia như sau :

he thong dang cap vovinam vvd

8.2. Kích thước đẳng cấp phải tuân theo các quy định sau đây :

dimension regelementee barrette vovinam

    1. Mầu đai : theo các đẳng cấp đã được ấn định trong điều 8.1
    2. Chiều dài của đai : Sau khi thắt, không được dài quá đầu gối.
    3. Các cấp của đai : chỉ được thêu trên một bên của đai và cách đầu đai tối thiểu 80mm và tối đa 120mm.
    4. Chiều rộng của các cấp : tối thiểu 8mm và tối đa 10mm.
    5. Khoảng cách giữa các cấp : tối thiểu 8mm và tối đa 12mm.
    6. Tuyệt đối cấm không được thêu thêm trên đai bất cứ hình ảnh, phù hiệu hoặc chữ, ngoại trừ danh xưng « Vovinam-Việt Võ Đạo ».

ĐIỀU 9. Danh xưng

Danh xưng chính thức được dựa theo hệ thống đẳng cấp và chia ra như sau :

titre vovinam

CHƯƠNG IV

9 ĐIỀU TÂM HƯỚNG VOVINAM-VIỆT VÕ ĐẠO


ĐIỀU 10. Chín điều Tâm Hướng Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

Mười Điều Tâm Niệm của Vovinam-Việt Võ Đạo được thành lập năm 1964, tại Việt Nam, được tu chỉnh thành Chín Điều Tâm Hướng của Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế và đã được biểu quyết thông bởi Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 7, ngày 28-05-2012 tại Paris, Pháp.

Toàn thể các Môn đồ phải thấu triệt ý nghĩa và rèn tâm thực hiện 9 Điều Tâm Hướng dưới đây :

    1. Điều Tâm Hướng thứ 1 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện tận tâm rèn luyện võ thuật và phát huy võ đạo để phục vụ nhân sinh.
    2. Điều Tâm Hướng thứ 2 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện phát huy VVN-VVĐ, xây dựng một thế hệ thanh niên toàn cầu để phục vụ cho một thế giới thái hoà.
    3. Điều Tâm Hướng thứ 3 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện tôn trọng kỷ cương, luật pháp và nêu cao danh dự Vovinam-Việt Võ Đạo.
    4. Điều Tâm Hướng thứ 4 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện tôn kính người trên, giúp đỡ kẻ yếu, thương yêu đồng đạo và đồng loại.
    5. Điều Tâm Hướng thứ 5 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện tôn trọng các võ phái khác, chỉ dụng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
    6. Điều Tâm Hướng thứ 6 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện không khuất phục trước cường quyền và bạo lực.
    7. Điều Tâm Hướng thứ 7 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện sống trong sạch, giản dị và trung thực.
    8. Điều Tâm Hướng thứ 8 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện luôn sang suốt nhận định, bền gan tranh đầu, tháo vát hành động.
    9. Điều Tâm Hướng thứ 9 : Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo nguyện luôn tự thắng, tự kiểm, khiêm cung và độ lượng

CHƯƠNG V

PHONG CÁCH MÔN ĐỒ VOVINAM-VIỆT VÕ ĐẠO


ĐIỀU 11. Phong cách Môn đồ đối với đai-đẳng

Khi một Môn đồ mặc võ phục và thắt đai, thì không còn là một người bình thường mà trở thành một Võ Sĩ Vovinam-Việt Võ Đạo. Chính vì thế phải có tác phong nghiêm túc, tôn trọng kỷ cương, hành sử đúng đắn và thái độ từ tốn. Chính vì thế phải triệt để tôn trọng các quy luật về đai-đẳng sau đây :

11.1. Đai-đẳng, thể hiện :

  1. Con người Võ Sĩ Vovinam-Việt Võ Đạo của mình.
  2. Tư cách Môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo đối với người ngoài.
  3. Là kết quả của mình đối với các thầy hoặc các huấn luyện viên đã đào tạo nên mình.
  4. Là quá trình sinh hoạt Vovinam-Việt Võ Đạo của mình.
  5. Là trình độ của mình trong Vovinam-Việt Võ Đạo.

Chính vì thế, người Môn đồ phải tuyệt đối tôn trọng đai-đẳng của mình.

11.2. Khi đeo đai và qua phong cách của mình, đẳng cấp thể hiện :

  1. Tư cách của mình
  2. Uy tín của thầy mình
  3. Uy tín của Vovinam-Việt Võ Đạo

Chính vì thế, người Môn đồ phải lưu ý và cẩn trọng trong mọi trường hợp.

11.3. Không bao giờ :

  1. Vất đai xuống đất hoặc để vào một nơi thiếu trang trọng.
  2. Luôn luôn sử dụng đai đẳng một cách nghiêm túc và chăm sóc cẩn trọng trong tất cả mọi trường hợp.

11.4. Khi đai bị tuột hoặc không thắt đúng cách : thì phải quì xuống một gối (gối phải), và thắt lại với tất cả sự nghiêm trọng trước khi đứng dậy.

11.5. Khi đeo đai, Môn đồ, tuyệt đối tránh những sinh hoạt như : Ăn uống, hút thuốc, đùa dỡn, cãi vã, đi ngoài đường, ca hát… mà phải cởi đai quàng lên vai hoặc cất vào túi trước khi có những sinh hoạt như đã nêu trên.

11.6. Tất cả các Huấn luyện viện và các Võ sư : phải có bổn phận nêu gương và nghiêm chỉnh nhắc nhở tất cả các Môn đồ trong trường hợp vi phạm các quy luật về vấn đề đai-đẳng.

ĐIỀU 12. Phong cách Môn đồ trong phòng tập

Phòng tập là nơi tập huấn võ thuật và võ đạo, là nơi nghiêm trang, có trưng hình võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc. Vậy các Môn đồ phải tôn trọng các quy luật sinh hoạt sau đây :

12.1. Phong cách sinh hoạt trong võ đường :

  1. Cấm đùa giỡn, cãi vã hoặc phát ngôn bừa bãi.
  2. Khi bước vào hoặc ra khỏi võ đường thì phải nghiêm lễ hình Sáng tổ, sau đó đến võ sư hoặc huấn luyện viên, người đang điều khiển lớp võ. Kể cả trường hợp khi ta cao cấp hơn võ sư hoặc huấn luyện viên đang điều khiển lớp võ. Bởi người đang điều khiển lớp võ là người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất trong võ đường.
  3. Trong trường hợp lớp võ chưa bắt đầu, khi gặp bất cứ Môn đồ nào cao cấp hơn mình thì phải nghiêm lễ chào kính.
  4. Đối với các binh khí tập luyện như : Dao, Kiếm, Côn… cấm không được quăng, vất hoặc để vào những nơi thiếu nghiêm trang hoặc thiếu an toàn.

12.2. Phong cách xưng hô trong võ đường :

    1. Cấm không sử dụng những cách xưng hô bình dân đối với các đồng môn như : mày, tao, tớ, hắn, moi, toa… chỉ kêu tên, anh, chị hoặc em… và xưng tôi, hoặc tương xứng tùy theo tuổi tác.
    2. Đối với các huấn luyện viên thì phải kêu Anh xưng Em và không phân biệt tuổi tác.
    3. Đối với các võ sư thì kêu Thầy xưng Em, không phân biệt tuổi tác. Trong những trường hợp đối với các thầy lớn tuổi thì có thể xưng Con, tùy theo tuổi tác của mình.
    4. Các huấn luyện viên và các võ sư cũng thế, chỉ xưng Anh hoặc Thầy và kêu Em hoặc tên đối với các Môn đồ của mình.

CHƯƠNG VI

TRANG PHỤC TRONG CÁC SINH HOẠT


ĐIỀU 13. Võ phục và đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo

13.1. Các Võ sư, Huấn luyện viên và Môn đồ các cấp, phải trang bị võ phục và đai đẳng trong các trường hợp sau đây :

  1. Các buổi huấn luyện trong võ đường.
  2. Các khoá đặc huấn, các khoá thi và các giải vô địch.
  3. Các cuộc họp chính thức của Hội Đồng Võ Sư Quốc gia hoặc Quốc tế.
  4. Các buổi lễ giỗ tổ, trao đai hoặc thắt đai cho các tân khoa.

13.2. Các trường hợp đặc biệt sau đây được miễn mặc võ phục :

  1. Các võ sư cao niên, xức khoẻ không được khả quan.
  2. Các võ sư tàn tật hoặc tình trạng xức khoẻ không cho phép.

ĐIỀU 14. Thường phục

14.1. Tất cả các sinh hoạt sau đây đều được quyền mặc thường phục.

  1. Các cuộc đệ trình luận án võ sư. Trong những trường hợp đặc biệt.
  2. Các khoá lý thuyết hoặc các khoá đặc huấn võ đạo.
  3. Các buổi họp của Liên đoàn hoặc các hiệp hội.
  4. Các buổi họp của Hội Đồng Võ Sư Quốc gia hoặc Quốc tế, bán chính thức hoặc không có những đề tài phải biểu quyết.
  5. Các sinh hoạt cộng đồng như : cắm trại, ca hát, du lịch, thuyết trình v.v.v.

CHƯƠNG VII

HÀNH CHÁNH - SỬA ĐỔI QUY ƯỚC QUỐC TẾ


ĐIỀU 15. Sửa đổi Quy Ước Quốc Tế

15.1. Tất cả các võ sư, các cơ quan quốc tế, các quốc gia thành viên đều có quyền đề nghị thay đổi các Chương, Điều, Khoản trong quy ước này.

15.2. Các đề nghị sửa đổi phải được gửi về Hội Đồng Võ Sư Thế Giới, hai tháng trước ngày khai mạc đại hội.

ĐIỀU 16. Hiệu lực

16.1. Các Chương, Điều, Khoản của bản Quy Ước Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế Vovinam-Việt Võ Đạo gồm 7 Chương và 16 Điều.

  • Được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 7 biểu quyết thông qua tại Paris- Pháp, ngày 28-05-2012. Và có hiệu lực kể từ ngày 01-07-2012.