Lược sử cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912-1960)

Download

 

Lược sử cố Võ sư Sáng tổ

Nguyễn Lộc

(1912-1960)

 

Võ sư Nguyễn Lộc và thời kỳ phôi thai (1912-1939) 

 nguyenloc 1912-1960

Cố võ sư Sáng tổ

Nguyễn Lộc

(1912-1960)

Ông Nguyễn Lộc sinh ngày 24 tháng 05, 1912 (08 tháng 04 năm Nhâm Tý) tại làng Hữu Bằng huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây), Miền Bắc Việt Nam. Ông là trưởng nam trong một gia đình gồm năm anh chị, ba trai và hai gái [[1]]. Thân phụ, cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu, cụ bà Nguyễn Thị Hòa.

 Sau đó vì sinh kế, gia đình chuyển về Hà Nội và từ đó ông sinh hoạt và trưởng thành trong một môi trường thuận lợi của đất kinh thành. 

Võ sư Nguyễn Lộc sinh ra và lớn lên trong một quốc gia bị mất chủ quyền đã hơn 50 năm (1862-1912), vào một thời điểm tình hình xã hội căng thẳng đã lên đến đỉnh cao. Một mặt các phong trào cách mạng kích động quần chúng, đặc biệt là các thanh thiếu niên, vào con đường bạo động chống lại đế quốc Pháp. Mặt khác chính quyền thực dân dùng đủ mọi thủ đoạn để đàn áp, khủng bố, hoặc ru ngủ bằng các trào lưu quý phái, lãng mạn, hão huyền nhằm ngăn cản những người yêu nước không có chỗ dựa trong quần chúng chống lại chính quyền thực dân. 

Là một thanh niên sống trong hoàn cảnh đó, song nhờ có tâm năng đặc biệt, không những ông sớm ý thức mà còn vượt lên trên hai xu hướng trên để tìm một định hướng mới, dẫn dắt thanh niên đương thời vào con đường thanh cao sáng đẹp. 

Một mặt, võ sư Nguyễn Lộc nghiêm khắc lên án chính quyền thực dân, mặt khác, ông không đồng tình với những phương pháp bạo động do các nhà cách mạng đương thời chủ trương. 

Nhân bản Vovinam 

Ông chủ trương con người là chính, lấy Nhân làm căn bản và đề xướng chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân để hướng dẫn các thanh niên về ba phương diện : Tâm, ThânĐạo. Ông quan niệm rằng sinh ra làm người đã là một điều quí, nhưng "người thực người" là điều cao đẹp hơn nữa. 

Đối với ông, con người phải có những giá trị phổ cập như : độc lập, quật cường, nghĩa hiệp, đối thoại, hòa bình, nghị lực, quả cảm, vị tha, độ lượng, trong sạch, giản dị, cương quyết, tự trọng... cùng với một thân thể cường tráng, vững chắc và một sức lực dẻo dai. Không những có đầy đủ khả năng tự vệ mà còn có thể vươn tay cứu đời [[2]]. 

Với những giá trị phổ cập trên, một mặt ông muốn hướng dẫn thanh niên thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân, mặt khác cảnh tỉnh những ai đang dấn thân vào con đường cách mạng bằng bạo lực, tránh sự sát hại và hận thù. 

Ông nghĩ rằng xã hội loài người là trường cửu, còn chế độ thực dân hay cách mạng bằng bạo lực chỉ là đoản kỳ. Ông không muốn các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu các hậu quả nặng nề do những văn hóa đầu độc hoặc những vết thương hận thù gây ra. Chính vì thế, ông có kỳ vọng để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại một quan niệm, một mẫu mực sống, một phương pháp tu dưỡng-hành xử và một nghệ thuật đào luyện thân thể bằng một hệ thống võ thuật khoa học, dựa trên truyền thống võ học Việt Nam đã có trên hằng nghìn năm. 

Khai sinh nền tảng võ học 

Ấp-ủ một hoài bão lớn lao như vậy, nên ngoài việc trao dồi học vấn và đạo đức, ông còn nỗ lực sưu tầm, học hỏi, luyện tập, hầu hết các môn võ thuật Việt Nam. Nhờ có thể lực hơn người và có năng khiếu đặc biệt, ông đã thăng tiến vượt bực. Ngoài ra ông thường ngao du, thăm viếng các võ đường, mạn đàm với các quan võ đương thời, các võ sư danh tiếng trong làng võ Việt Nam để trao dồi kiến thức võ học.

Ông không ngừng luyện tập, nghiên cứu, sưu tầm, so sánh các đặc thái, các ưu, khuyết điểm của tất cả các môn phái võ thật. Sau một thời gian, ông nhận thấy môn võ nào cũng có những ưu, nhược điểm của nó, song nếu chỉ đem áp dụng một trong những phương pháp đó, thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Thêm vào đó, nếu muốn đạt một trình độ khả dĩ, người tập phải đầu tư rất nhiều thời gian, khoảng 10 năm trở lên. Do đó phải tìm ra một phương pháp mới, chỉ cần một thời gian hợp lý mà có thể đạt được hiệu quả cao. 

Bằng luận cứ đó, ông bắt đầu vào việc hệ thống hoá một phương pháp mới, lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nồng cốt, để rút tỉa những ưu, khuyết điểm, gạn lọc và khai thác mọi tinh hoa võ thuật mà ông đã học hỏi để sáng tạo ra một môn phái riêng vào năm 1938, được đặt tên là Vovinam. 

Sau khi thành lập Môn phái, ông quyết định thực nghiệm bằng cách bí mật huấn luyện [[3]] một số thân hữu cùng lứa tuổi. Theo lời tường thuật của ông Nguyễn Đăng Hiển [[4]], một trong những Môn đệ đầu tiên [[5]] của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc, thì ông ưu tiên chú trọng các đòn thế căn bản như : tấn, đấm, đá, chém, gạt, chỏ, gối v.v. Bổ túc thêm các thế khóa gỡ thực dụng, các thế vật cổ truyền và nhất là các bài song luyện, các đòn chân cơ bản v.v. Sau một năm thực nghiệm thành công với một kết quả vượt trên mọi dự đoán, ông quyết định ra mắt Vovinam trước công chúng vào mùa thu năm 1939 bằng một cuộc biểu diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội, Việt Nam. 

Cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939

Mùa thu năm 1939, võ sư Nguyễn Lộc hướng dẫn các võ sinh đầu tiên của ông (phụ lục 1), biểu diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội (phụ lục 2) với mục đích thẩm định sự nhận thức của quần chúng và đồng thời đo lường những giá trị võ thuật mà ông đã nghiên cứu từ nhiều năm qua. Trong số những môn sinh tham dự cuộc biểu diễn lịch sử này có cô Nguyễn Thị Minh (phụ lục 3), ông Tạ Quang Bửu [[6]] và ông Nguyễn Đăng Hiển (xem chú thích 4).

 grandtheatrehanoi

Nhà Hát Lớn Hà Nội

Trích l'Indochine – Jean Noury - Chụp khoảng 1900.

 Sau buổi biểu diễn ra mắt, Vovinam được nhiệt liệt truyền tụng trong khắp mọi giới và trở thành ngọn đuốc võ đạo dân tộc rực sáng khắp Hà Nội. Bởi từ hơn 55 năm qua (1884-1939), chính quyền bảo hộ đã cấm tất cả các hoạt động võ thuật tại Việt Nam. Võ sư Nguyễn Lộc là người đầu tiên thổi luồng sinh khí mới cho nền võ học dân tộc, phát động tiếng chuông đánh thức lương tri người Việt đã chìm sâu trong giấc ngủ triền miên trên nửa thế kỷ. 

Một cách gián tiếp ông đã khôi phục đức tính tự tin và niềm tự hào cho giới trẻ vẫn còn do dự giữa trào lưu lãng mạn và ý tưởng thù hận. Không những thế, ông đã gây chấn động khắp giới võ thuật và thể dục thể thao Việt Nam. 

Võ sư Nguyễn Lộc và các lớp võ Vovinam đầu tiên (1939-1945) 

Sự ưu ái và mến mộ của quần chúng đối với Vovinam là một bất ngờ lớn đối với giới chức Thể dục Thể thao đô hộ. Ông Maurice Ducoroy [[7]], Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao và Thanh niên Đông Dương (Commissariat général à l'éducation physique, aux sports et à la jeunesse en Indochine), liền tìm cách mời võ sư Nguyễn Lộc ra dậy Vovinam qua bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Hội trưởng Hội Thân hữu Thể dục Thể thao Hà Nội. Võ sư Nguyễn Lộc nhận lời và bắt đầu công khai giảng dậy Vovinam vào năm 1940 tại trường sư phạm (École Normale) đường Đỗ Hữu Vị, Hà Nội. 

Sau đó, nhiều lớp võ liên tiếp được mở ra, thâu nhận đông đảo thanh niên thuộc đủ mọi giới : học sinh, sinh viên, viên chức, công nhân… không những người ta tìm thấy trong Vovinam những thế võ hiệu quả linh diệu mà còn tìm thấy một lối sống, một ý thức cao và một tinh thần Việt Võ Sĩ, vốn đã có truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Từ đó danh xưng Vovinam và danh tính của võ sư Nguyễn Lộc nghiễm nhiên trở thành quen thuộc đối với quần chúng Hà Nội. Vovinam trở thành một bộ môn võ thuật phổ thông, được giảng dậy khắp nội-ngoại thành Hà Nội và trong mọi tầng lớp xã hội. 

Trong giai đoạn này ông thu nhận và đào tạo rất nhiều thanh niên nhiệt huyết và sau này trở thành võ sư như : Hà Trọng Thịnh, Phan Dương Bình, Lê Sáng, Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Phạm Hữu Độ, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Dần, Lê Trọng Hiệp, Lê Văn Phúc... hoặc các nhân vật lịch sử của Môn phái như : Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Hiển, Nguyễn Bích, Nguyễn Đình Lan, Đỗ Đình Bách, Đặng Bỉnh, Đặng Văn Bẩy, Trịnh Cự Quý, Đỗ Khánh, Vũ Văn Thức, Nguyễn Đôn, Nguyễn Nhân, Lê Như Hàm, Lê Đình Nhâm, Nguyễn Cao Hách...

 hanoi1948-tranduchop

Hà Nội, 1948 : Từ trái qua phải :

Trần Đức Hợp, Nguyễn Cao Hách, Phan Dương Bình, Nguyễn Lộc,

Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Dần  

 

Võ sư Nguyễn Lộc và thời kỳ Việt Nam độc lập (1945-1946)

Ngày 10-03-1945, quân đội Nhật đảo chánh chính quyền bảo hộ Pháp, bắt giam Toàn quyền Jean Decoux [[8]] và trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày hôm sau 11-03-1945, vua Bảo Đại [[9]] tuyên bố độc lập, hủy bỏ các hòa ước đã ký với Pháp, chấm dứt ách đô hộ sau 83 năm bị cai trị. 

Qua những đột biến trên, Việt Nam đột ngột nhảy vào cơn lốc hỗn loạn và mất trật tự. Bởi vào thời đó, tất cả các cơ chế nhà nước đều do người Pháp quản lý như : kinh tế, chính trị, cảnh sát, quân đội, giáo dục, hành chánh, an ninh v.v. Nay đều thiếu vắng và không có người quản lý cũng như lãnh đạo. Chính phủ độc lập đầu tiên, Chính phủ Trần Trọng Kim (1883-1953) [[10]], cũng chỉ tồn tại được 4 tháng. Chính vì thế, tất cả các nhân lực có khả năng vào thời ấy đều được mời tham gia chính phủ. Riêng võ sư Nguyễn Lộc, với uy tín của một vị võ sư sáng lập một phong trào lớn tại Hà Nội, ông lại càng được chú ý và đốc thúc tham gia. Nhưng ông nhất quyết từ chối vì ông quan niệm rằng, Vovinam không phải là một chính đảng nên không có mục tiêu tham chính. Mục đích của Vovinam là xây dựng con người toàn diện trên căn bản võ thuật và võ đạo, nên không có nhu cầu tham gia chính sự và đặt để chính kiến. Tuy nhiên Vovinam không xâm phạm quyền tự do và quyền công dân của các môn sinh, nên không ngăn cấm các môn sinh tham gia chính trị với quyền công dân của mình. 

Vovinam và các hoạt động xã hội và từ thiện 

Nhưng khi xã hội hoặc thời cuộc đòi hỏi thì Vovinam sẵn sàng hợp tác và tiếp tay với mọi chính quyền để thực hiện những công tác xã hội, từ thiện, cứu tế trong tinh thần vị tha, vô vị lợi. 

Với quan điểm này, Võ sư Nguyễn Lộc đã chấp nhận cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim trong các hoạt động xã hội và từ thiện. Các Môn sinh Vovinam đã nhiệt tình và đảm bảo an ninh cho các khu vực nội và ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra, võ sư Nguyễn Lộc còn phối hợp với các tổ chức dân sự khác [[11]] để tổ chức các ngày quốc lễ như giỗ tổ Hùng Vương và hai Bà Trưng, nhưng tiêu biểu nhất là các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ cứu trợ nạn đói khủng khiếp năm 1945 tại miền Bắc Việt Nam với khoảng hai triệu người thiệt mạng. 

Võ sư Nguyễn Lộc và chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954) 

Năm 1946, chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954) [[12]] bùng nổ khi tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque (1902-1947), Tổng tư lệnh Lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (commandant en chef du Corps expéditionnaire français en Extrême-Orient) tiến vào Hà Nội và từng bước giành lại quyền kiểm soát Đông Dương (Lào, Campuchia và Việt Nam). Tất cả nhân lực và phương tiện của Việt Nam đều bị lao vào chiến tranh. Đa số các Môn sinh Vovinam đều phải tham gia kháng chiến, Vovinam lâm vào cảnh phân tán, tất cả các lớp võ, các khóa đã thành lập trong những năm 1939-1946 đều phải tạm ngưng hoạt động. 

Tuy nhiên, hai năm sau, năm 1948, một trong các môn đệ ưu tú của ông tại Hà Nội là võ sư Phan Dương Bình, vốn là một Môn sinh thân cận và đắc lực nhất trong giai đoạn khó khăn trên, đã giúp võ sư Nguyễn Lộc khai giảng và giảng huấn các lớp võ tại Phố Hàng Trống và Hàng Than. Trong số các môn sinh tập huấn trong giai đoạn này, sau trở thành võ sư cao cấp của môn phái có võ sư Lê Văn Phúc [[13]]. 

Năm 1951, võ sư Nguyễn Lộc cùng một số nhân sĩ thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn, với mục đích gây dựng lại phong trào võ thuật tại phố Hàng Than, Hà Nội. Đến năm 1954 thì phải giải tán khi cuộc chiến tranh Pháp-Việt bước vào giai đoạn quyết định, quân Pháp bị đại bại ở Điện Biên Phủ, hiệp ước Geneve được ký kết, Việt Nam bị chia thành hai thể chế độc lập, miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo, thiết lập chế độ cộng sản; Miền Nam do vua Bảo Đại lãnh đạo theo chế độ quân chủ cộng hòa. 

Võ sư Nguyễn Lộc và thời kỳ trong Nam (1954-1960) 

Tháng 8 năm 1954 vì vấn đề phân chia Nam-Bắc, võ sư Nguyễn Lộc và gia đình di cư vào Sài Gòn cùng một số môn đệ thân tín như võ sư Phan Dương Bình, Nguyễn Dần và Trần Đức Hợp. Sau đó một thời gian ngắn có thêm một số môn đệ tại Hà Nội cũng di cư vào Nam như : Lê Sáng, Bùi Thiện Nghĩa, Hà Trọng Thịnh, Nguyễn Văn Thông, Lê Trọng Hiệp, Lê văn Phúc… 

Võ đường đầu tiên được khai giảng tại miền Nam Việt Nam, được tọa lạc tại số 51 đường Frères Louis [[14]]. Sau đó được đổi về đường Aviateur Garot, hay còn gọi là võ đường Thủ Khoa Huân, Quận 1, Sài Gòn. Võ đường này có thể nói là võ đường quan trọng nhất của võ sư Nguyễn Lộc. Môn sinh lên tới hàng trăm và đại đa số các võ sư danh tiếng sau này đều xuất thân từ võ đường này. 

 centreforamtiongardenationale1955

Việt Nam 1955

Võ sư Nguyễn Lộc giảng huấn tại Trung tâm Hiến binh Quốc Gia Việt Nam

Ngoài ra, Vovinam còn được mời dậy tại trường Võ bị Thủ Đức, trường Hiến Binh Quốc Gia và một số các đơn vị Công Binh. Nhưng tiếc thay, với thời gian sinh hoạt ngắn ngủi (3 năm, 1954-1957) tại miền Nam, bỗng nhiên ông lâm bệnh nặng và phải đình chỉ mọi hoạt động. Võ sư Nguyễn Lộc đã không thực hiện được hoàn toàn hoài bão của mình, nhưng ông đã để lại cho đời một nền văn hóa võ thuật quí giá và đã đào tạo được một thế hệ thanh niên ưu tú, tràn đầy lý tưởng, đầy đủ khả năng để có thể thay ông tiếp tục mở rộng con đường mà ông đã vạch ra. Đó là xây dựng một đại phái Vovinam-Việt Võ Đạo cho dân tộc và cho nhân loại. Trong những môn sinh được đào tạo trong giai đoạn này gồm có : Trần Huy Phong, Phạm Hữu Độ, Nguyễn Văn Thư, Ngô Hữu Liễn, Trần Thế Phượng, Nguyễn Văn Nuôi (tự Phúc), Nguyễn Gia Tuấn...  

Sau này, các lớp tại đường Thủ Khoa Huân được dời về đường Nguyễn Khắc Nhu (Quận 1 - Sài Gòn). Sau một thời gian, ông tạm ngưng dậy võ, về trú ngụ tại Building Everest (đường Đinh Công Tráng, gần Ngã Sáu Sài Gòn), chăm chú nghiên cứu võ công và xây dựng một hệ thống triết học cho Vovinam. Ngoài ra, ông cho phép các môn đệ mở võ đường với tính cách độc lập, còn ông chỉ đứng vai trò cố vấn.

 Võ sư Nguyễn Lộc và tư cách hành xử, huấn luyện

Võ sư Nguyễn Lộc là người rất nghiêm nghị, nhưng cũng rất cởi mở và phóng khoáng. Ông chủ trương cải tiến văn hoá, sống văn minh, từ chối mọi câu nệ, quì lụy và tính quan lại của văn hoá Khổng Giáo. Chính vì thế ông yêu cầu các môn đệ kêu ông bằng anh, hành xử thẳng thắn, diễn đạt dõng dạc, xử sự phóng khoáng, tinh thần độ lượng, tính phiêu lưu, cần mẫn, cứu đời... và lấy sự hùng dũng của con nhà võ làm căn bản. 

 centreformationthuduc1955

Việt Nam 1955, trước cổng Trung tâm huấn luyện Hiến binh Việt Nam

Từ trái-phải : Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Lê Sáng,

Nguyễn Lộc, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Cao Hách và Nguyễn Dần

Ông không muốn các học trò của ông khúm núm quì lậy, vâng dạ, xưng con và thưa thầy như đa số các môn phái thời bấy giờ. Ông quan niệm rằng ông là người khai sáng Vovinam là để xây dựng một thế hệ thanh niên bất khuất, yêu nước và hữu ích cho xã hội, nên ông coi các môn đệ như là các chí hữu của mình. 

Tinh thần tân tiến và khoa học này có thể nhìn thấy qua các hình ảnh của võ sư Nguyễn Lộc với trang phục chỉnh tề, áo sơ mi dài tay và cà vạt. Các Môn sinh khi nghiêm lễ phải đứng thẳng, khi lễ thì cúi đầu nhìn thẳng. Tinh thần hiện đại này đã khiến Vovinam trở thành một bộ môn võ thuật, thể dục và thể thao quần chúng, mở rộng đến tất cả các thanh thiếu niên thuộc mọi thành phần. Vovinam không giấu diếm, không huyền bí, không chọn lọc hoặc dành riêng cho một thiểu số như đại đa số các võ phái Việt Nam vào thời ấy. Nhờ thế Vovinam-Việt Võ Đạo đã không bị tụt hậu hoặc bị giải tán trong những giai đoạn bị cấm đoán sau này [[15]], ngược lại đã trở thành một Môn phái có bề thế và phát triển khắp thế giới. 

Quan niệm tổ chức 

Về phương diện tổ chức, ông không câu nệ trên dưới, không tổ chức hành chánh nặng nề. Ông ưa chuộng tính đơn giản và dành ưu tiên cho các sinh hoạt có hiệu quả hầu dễ đạt mục đích. Chính vì thế trong suốt thời điểm xây dựng Môn phái từ năm 1938 đến 1960, Vovinam không có chức vụ Chưởng môn. Riêng ông chỉ nhận là võ sư sáng tạo Vovinam mà thôi. 

Mặc dù Vovinam là công trình của cá nhân ông và do ông sáng lập. Nhưng ông quan niệm rằng, công trình này phải được hiến dâng cho dân tộc và nhân loại, theo đúng với lý tưởng mà ông đã theo đuổi. Chính vì thế, theo tâm nguyện của ông, Môn phái Vovinam không được coi như là một Môn phái của riêng ông hoặc của gia đình ông, mà phải là một gia tài của nền văn hoá võ thuật Việt Nam. Một tập thể mà tất cả các võ sư và các môn sinh đều có quyền theo đuổi và đóng góp như trong một đại gia đình.

 Riêng về phương diện giảng huấn, ông rất kỹ lưỡng và chăm sóc từng môn sinh tùy theo năng khiếu kỹ thuật cũng như trình độ văn hoá. Trong việc huấn luyện võ thuật, chỉ có ông mới được dậy các đòn mới, các phụ tá chỉ có bổn phận ôn luyện mỗi khi ông vắng mặt mà thôi. Phương pháp giảng huấn này, về sau trở thành "phương pháp giảng dạy của Vovinam-Việt Võ Đạo", một "phương pháp bất thành văn", nhưng đều được tất cả các võ sư áp dụng cho đến ngày nay. 

Riêng các môn đệ có trình độ văn hoá, có khả năng lãnh đạo thì được ông hướng dẫn riêng về các lãnh vực như : xã hội, chính trị, lãnh đạo, tâm lý... ngoài ra ông thường khuyến khích các môn sinh tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài giờ học võ. Chính nhờ thế đa số các võ sư do ông đào tạo, đều là những võ sư kiện toàn cả văn lẫn võ và có vị thế trong xã hội. 

Các môn đệ võ sư Nguyễn Lộc khai giảng võ đường. 

Trong ba năm : 1957-1960, khi võ sư Nguyễn Lộc bắt đầu mệt mỏi và lâm bệnh, ông dời về nhà em của ông là Nguyễn Hải, dưỡng bệnh tại Building Everest. Ông cho phép các môn đệ như : Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Gia Tuấn, Nguyễn Văn Nuôi, Nguyễn Văn Thư… thành lập Trung tâm Huấn luyện Vovinam Trung ương, đặt trụ sở tại đại lộ Trần Hưng Đạo (Quận 5- Sài Gòn) và các chi nhánh tại đường Trần Khánh Dư (Tân Định), khu vực sau chùa Ấn Quang (Quận 10- Sài Gòn), đường Sư Vạn Hạnh và đường Phan Đình Phùng. Vào thời điểm đó, võ sư Lê Sáng là người có tuổi và có thâm niên, nên được gọi là võ sư Trưởng, tức có nghĩa là võ sư đàn anh. 

Võ sư Nguyễn Lộc từ trần 

Võ sư Nguyễn Lộc từ giã cõi trần ngày 29 tây tháng 04 năm 1960 (4 tháng 4 năm canh tý) tại Sài Gòn và được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi [[16]] . Ông để lại 9 người con, gồm 3 trai và 6 gái. Tuy chỉ hưởng thọ 48 tuổi, nhưng ông đã để lại một sự nghiệp phi thường cho nhân loại. Có thể ông ra đi không được toại nguyện, nhưng các truyền nhân của ông đã thực hiện được ý nguyện và mục đích mà ông hằng ấp ủ, đó là xây dựng Vovinam thành một đại phái, một bộ môn võ thuật đi vào quảng đại quần chúng cùng với một nền triết lý sống cho con người. 

Ngày nay Vovinam-Việt Võ Đạo đã trở thành một trong những tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, được phổ biến khắp thế giới, không phân biệt mầu da-chủng tộc, không phân biệt biên giới-quốc gia và không phân biệt tôn giáo hoặc chính kiến. 

Một phần lớn những tâm nguyện của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã được thực hiện trong các năm 1960-1975 bởi những truyền nhân của ông. Và ngày nay vẫn được các hậu duệ tiếp tục xây dựng những công trình mà họ cho là chưa viên mãn. 

Điếu văn Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc 

(Trích đặc san " Việt Võ Đạo–Vovinam Tưởng Niệm cố Võ sư Sáng tạo Môn phái ", năm 1965 - Đọc bởi võ sư Lê Sáng) 

Anh Nguyễn Lộc ! 

Tử sinh ai cũng một lần, nhưng chúng em cũng như toàn thể các Môn sinh Vovinam thật không ngờ lại sớm có cái giờ phút đau đớn này. 

Nhớ thủa xưa khi nước nhà còn trong vòng nô lệ, nặng mang bầu máu nóng sục sôi, anh đã tách ra khỏi lứa bạn đời mê mải để riêng mình dấn thân vào hướng đường cao đẹp. 

Với trí óc suy tư siêu việt, anh đã dung hòa tinh túy của các nền võ thuật cổ kim Âu-Á để sáng tạo cho nước nhà một môn võ hợp thời riêng biệt. 

Rồi qua bao thời gian biến đổi, anh đã quảng bá môn võ thuật do Anh sáng tạo, truyền sức sống quật cường mãnh liệt cho lớp thế hệ thanh, thiếu niên để gây thành phong trào khỏe của những lớp người biết hãnh diện với dòng máu anh dũng chảy trong huyết quản mà tin tưởng yêu đời, trau giồi nhân cách.

Tổ quốc bởi anh mà thêm phần rạng rỡ ! 

Thanh niên vì có anh mà khỏi ngơ ngác bơ vơ ! 

Và do đó, danh Anh đã lừng vang khắp nước, rải rác suốt từ Bắc vào Nam có tới hàng triệu môn sinh. 

Thời pháp, thực dân đã phải e dè Anh, tìm đủ mọi cách cũng không thể mua chuộc nổi Anh ; thời Nhật, phát xít cũng không lung lạc nổi Anh, bằng tiền tài hay bằng danh vọng. Và trong suốt thời gian đất nước chuyển mình, anh đã hiến cho dân tộc một khí giới sắc bén nhất để tin tưởng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc. Nhưng bao giờ cũng vậy, Anh vẫn đứng ngoài vòng kềm toả với đời sống hiên ngang tự lập và mục đích duy nhất : đào tạo từng thế hệ thanh thiếu niên khoẻ mạnh hoàn toàn về tinh thần và thể xác. 

Thế mà trời xanh kia sao nỡ oái oăm, sớm vội cất Anh đi cho bao người mến tiếc ! 

Hỡi ơi ! Anh Nguyễn Lộc ! 

Điếu anh không khỏi nghẹn lời, này thân quyến anh đây, nghẹn ngào nhỏ lệ. Nọ học trò anh đó, đau lòng tử biệt sinh ly. 

Chúng em khóc anh, cảm vì nghĩa thầy trò thắm thiết ; chúng em khóc Anh, cảm vì ơn tri ngộ sâu xa, Anh đã coi chúng em như nghĩa đệ, đối xử với chúng em như tình máu mủ ruột già ! 

Giờ đây, thực Anh không còn ở nơi trần thế ; thể xác anh đã mất, song tinh thần Anh vẫn còn, và sẽ còn mãi mãi trong các em, trong các thế hệ mai sau, trong lòng người và trong lịch sử. 

Trước thế nào, sao thế ấy, chúng em nguyện sẽ noi gương Anh, không phụ lòng anh ủy thác, tiếp tục xây đắp nền võ đạo cho dân tộc. 

Anh Nguyễn Lộc ! 

Cái sống của Anh đã làm vẻ vang cho đất nước thì cái chết của Anh cũng chỉ có nghĩa là đã truyền hết sinh lực cho các em, rồi đến lượt các em lại kế tiếp truyền sinh lực cho giống nòi, cho lớp người mai hậu. 

Cùng với hồn thiêng sông núi, các em tin rằng Anh sẽ còn mãi đứng bên lũ các em để dìu dắt, nhắc nhở các em làm tròn phận sự. 

Hỡi ơi ! Anh Nguyễn Lộc ! 

Giờ phút này quây quần quanh đây, một thiểu số các em xin nghiêng mình trước linh cửu Anh để bái biệt và cầu nguyện cho Anh, hồn Anh được thảnh thơi nơi Non Bồng Nước Nhược. 

___________________________

     Phụ lục 1 : Các Môn sinh đầu tiên của Môn phái và các nhân vật lịch sử thời 1938-1945

 Tháng 08-1993, võ sư Trần Nguyên Đạo được võ sư Phan Dương Bình và Trần Huy Phong, hướng dẫn tìm lại những sinh viên và học sinh đã tập huấn với võ sư Nguyễn Lộc trong giai đoạn khai phá Môn phái (1938-1945). Trong số các vị này, người đầu tiên là ông Nguyễn Đăng Hiển, sau đó ông đã hướng dẫn tìm thêm được 4 vị khác như sau : 

  • Nguyễn Đăng Hiển, sinh năm 1917 - Tập năm 1938, lớp võ đầu tiên tại nhà võ sư Lộc, Phố Hàng Than, Hữu Bằng, hiện nay là chợ Hôm (chợ Đức Viên, Hà Nội). 
  • Nguyễn Đình Lan, sinh năm 1920 - Tập năm 1940 tại trường sư phạm (École Normale). 
  • Nguyễn Mỹ, sinh năm 1913 - Tập năm 1940 tại trường sư phạm (École Normale). 
  • Nguyễn Khải, tự Phạm Cương, sinh năm 1921 - Tập năm 1940 tại trường sư phạm (École Normale). 
  • Nguyễn Bích, sinh năm 1925 - Tập năm 1940.

 vovinam nhanvatlichsu hanoi1993

Hà Nội 1993.

Trái qua phải : Võ sư Phan Dương Bình, Trần Nguyên Đạo. Các cụ : Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Lan, Nguyễn Đăng Hiển, Nguyễn Bích

và võ sư Trần Huy Phong

 Năm vị này là những nhân vật lịch sử của Môn phái đã được nêu tên trong bản lược sử môn phái xuất bản năm 1965 và 1969 : 

-      Nội san – Trung tâm huấn luyện Vovinam, 1965. 

-      Việt Võ Đạo Nhập Môn, Tổng cục huấn luyện Vovinam-VVĐ, 1969. 

_____________________________

 Phụ lục 2 : Cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội 

Cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939, đã được thực hiện lại lần thứ hai vào ngày 31-07-1993 (tức 54 năm sau) tại nhà Hát Lớn Hà Nội, theo giấc mơ thơ ấu của võ sư Trần Nguyên Đạo.

Năm ông 8 tuổi, khi đọc qua những dòng lịch sử Môn phái, ông chợt ôm ấp ước mơ theo vết chân Sáng tổ Nguyễn Lộc, thực hiện lại cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939. Ước mơ này được toại nguyện 29 năm sau, khi ông hướng dẫn 40 môn đệ về Hà Nội với chủ đề "Ngược dòng lịch sử và một giấc mơ con". Trong cuộc biểu diễn hi hữu này, có sự diện diện của Tòa Đại Sứ Pháp và các võ sư tại Việt Nam như : Trần Huy Phong, Phan Dương Bình, Trần Bản Quế, Ngô Kim Tuyền, Phạm Đình Tự, Trương Quang An, Nguyễn Bá Dương, Văn Chu Đồng…

 vovinam phaidoanphap bieudien operahanoi 1993

Nhà Hát Lớn Hà Nội (31-07-1993)

Phái đoàn Pháp thực hiện lại cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939

Các võ sư tại Pháp như : Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Phi Long và các huấn luyện viên sau này trở thành võ sư như : Bloume Daniel, Hà Kim Chung, Guerrib Amar, Guerrib Mai, Crozon-Cazin Serge, Tran Antonella, Py Michel... cùng với sự tham dự đông đảo của các Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo Nha Trang, Hà Nội, Sài Gòn và Pháp. 

Nhưng xúc động nhất là các Môn sinh đã tập huấn với võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc trong các năm 1938-1945, họ vốn là những Môn sinh đã tham dự cuộc biểu diễn năm 1939, nay vẫn còn tại thế và được mời chứng kiến cuộc biểu diễn này. Trong số các vị tiền bối đó, có : võ sư Phan Dương Bình và các ông : Nguyễn Đình Lan, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khải, Nguyễn Bích và Nguyễn Đăng Hiển. 

Sau cuộc biểu diễn, các cụ cảm động không cầm được nước mắt, phát biểu rằng : "Năm xưa khi chúng tôi biểu diễn, gồm toàn những môn sinh Việt Nam trên sân khấu và ở dưới là các thượng khách nhà cầm quyền người Pháp. Nay ngược lại, các môn sinh người Pháp trên sân khấu biểu dương võ Việt Nam, thượng khách ở dưới lại là những người Việt cựu Môn sinh như chúng tôi, thì làm sao không xúc động được ! ".

 vovinam monsinhphap bieudien operahanoi 1993

Các môn sinh Việt-Pháp biểu diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội - 1993


______________________

 Phụ lục 3 : Cuộc biểu diễn lịch sử 1939. Cô Nguyễn Thị Minh.

 Cuộc biểu diễn lịch sử năm 1939 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội được cô Nguyễn Thị Minh, sau này là bà Nguyễn Lộc và ông Nguyễn Đăng Hiển xác nhận sự tham gia. Trong cuộc biểu diễn này có khoảng hai mươi Môn sinh, trong đó có hai phụ nữ, cô Nguyễn Thị Minh và bà Thái, vợ của ông Y, hiện cả hai đang sống ở California, Hoa Kỳ.

 madame nguyenlocvn

Bà Nguyễn Lộc – Về thăm Hà Nội năm 70 tuổi - 1999

  Cô Nguyễn Thị Minh sinh ngày 01-09-1929, là con của cụ Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ. Bà lập gia đình cùng võ sư Nguyễn Lộc năm 1945, sinh được 9 người con, gồm 3 trai và 6 gái theo thứ tự như sau : 

  1. Nguyễn Thị Thanh Phương,
  2. Nguyễn Thị Thanh Mai,
  3. Nguyễn Đạo,
  4. Nguyễn Thị Thanh Ngà,
  5. Nguyễn Chính (*),
  6. Nguyễn Thị Thanh Phú,
  7. Nguyễn Thị Thanh Bình,
  8. Nguyễn Thị Thanh Mỹ,
  9. Nguyễn Quang.

 Bà Nguyễn Lộc và gia đình định cư tại Hoa Kỳ (Lancaster, Pennsylvanie,  Hoa Kỳ) từ năm 1975 và thường xuyên đến sinh hoạt hàng năm với Môn phái. Bà qua đời ngày 17 tháng 5, năm 2005. 

(*) : Võ sư Nguyễn Chính

 master NguyenChinh

Võ sư Nguyễn Chính


 Võ sư Nguyễn Chính vốn là người con thứ năm của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc, ông sinh ngày 19-08-1955, nhập môn từ năm 1974 tại Việt Nam, dưới sự giảng huấn của võ sư Khâu Thanh Danh (Trung tâm huấn luyện Hoa Lư, Sài Gòn).

 Ngày 30-04-1975, khi Miền Nam Việt Nam bị xụp đổ, ông và toàn thể gia đình được võ sư Trần Huy Phong đưa lên tầu Trường Xuân, vượt biển lánh nạn sang Hoa Kỳ. Từ đó ông tiếp tục sinh hoạt tích cực tại Bang Texas, thành phố Houston, Hoa Kỳ cho đến ngày nay.

 Hiện nay ông là một trong những thành viên có trọng lượng trong hệ thống Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới và Hội đồng Võ sư Thế giới. Năm 2000, nhân dịp Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 4 tại California, Hoa Kỳ, ông đã trình tiểu luận thành công và được đeo cấp Chuẩn Hồng Đai và năm 2007 ông trình luận án Hồng đai đệ I cấp. Ngoài ra trong quá trình sinh hoạt tại Hoa Kỳ, ông từng lãnh trách nhiệm Chủ tịch Vovinam-Việt Võ Đạo Bang Texas, nhiệm kỳ 2000-2002 và năm 2012 ông đắc cử thành viên lãnh đạo Hội đồng Võ sư Thế giới nhiệm kỳ 2012-2016.

 


[1] : Gia đình của võ sư Nguyễn Lộc được chia theo thứ tự như sau :

1. Nguyễn Lộc,

2.Nguyễn Thị Kim Thái,

3.Nguyễn Văn Dần,

4.Nguyễn Quang Hải,

5.Nguyễn Thị Bích Hà. 

[2] : Sau này, những giá trị Nhân bản trên được Ban chấp hành Trung ương đẩu tiên của Môn phái năm 1964 soạn thảo thành 10 điều Tâm Niệm. Sau đó được quốc tế hoá thành 9 Điều Tâm Hướng qua Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế gìới lần thứ 7, biểu quyết vào tháng 05, năm 2012 tại Paris, Pháp. 

[3] : Bởi thời Pháp thuộc, tất cả các phái võ đều bị cấm hoạt động.

[4] : Môn sinh kỳ cựu Nguyễn Đăng Hiển là một trong những Môn đệ đầu tiên của võ sư Sáng tổ, ông tham gia khóa học đầu tiên năm 1938 tại nhà của võ sư Nguyễn Lộc. (theo nhân chứng của bà Nguyễn Lộc và các võ sư Nguyễn Dần, Lê sáng, Phan Dương Bình và Trần Huy Phong).

[5] : Trong số những môn đệ đầu tiên của võ sư Nguyễn Lộc, có các ông: Nguyễn Dần (em trai của võ sư Sáng tổ), Nguyễn Đăng Hiển (xem chú thích 4), cô Nguyễn Thị Minh (xem phụ lục 3) và ông Tạ Quang Bửu (xem chú thích 6)

[6] : Ông Tạ Quang Bửu (1910-1986). Là người đại diện cho Việt Nam ký hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia Việt Nam thành hai phần. Cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao: John Foster Dulles (Hoa Kỳ), Molotov (Liên Xô), Anthony Eden (Vương Quốc Anh), George Bidaut (Pháp), Chu Ân Lai (Trung Hoa).

[7] : Ông Maurice Ducoroy (1895-1960), tư lệnh hải quân, phục vụ trên tàu tuần dương Lamotte-Picquet, đến Việt Nam tháng 10 năm 1939; đặt dưới quyền của Đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương. Năm 1940, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Thể dục thể thao và Thanh niên Đông Dương, sau đó vào ngày 15 tháng 12 năm 1941, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao và Thanh niên Đông Dương (Commissariat général à l'éducation physique, aux sports et à la jeunesse en Indochine).

[8] : Đề đốc Decoux Jean (1884-1963), toàn quyền từ 1940-1945, được bổ nhiệm ngày 25-06-1940 bởi chính phủ chính phủ Vichy (Thống chế Philippe Pétain) vào chức vụ toàn quyền Đông Dương kiêm Cao ủy Pháp tại Thái Bình Dương (Gouverneur Général de l'Indochine et Haut commissaire de la France dans le Pacifique).

[9] : Hoàng đế Bảo Đại là vị Hoàng đế thứ 13 và cũng là vị vua cuối cùng của triều đại nhà NGUYỄN ở Việt Nam. Tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại Huế (Việt Nam), mất ngày 31 tháng 07 năm 1997 tại Paris, Pháp.

[10] : Ông Trần Trọng Kim (1883-1953), là một nhà giáo, sử gia và chính trị gia.

[11] : Được ông Nghiêm Văn Thạch (1920-2016), nguyên là Phó Tổng ủy viên Hướng Đạo Việt Nam, xác nhận có sự cộng tác giữa Vovinam và Hướng Đạo Việt Nam để tổ chức các ngày quốc lễ vào năm 1945.

[12] : Còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương, đây là một cuộc chiến tranh vũ trang từ năm 1946 đến năm 1954 giữa Pháp và Việt Minh. Cuộc chiến được kết thúc sau khi quân đội Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève được ký ngày 20/07/1954 giữa Pháp (George Bidaut, ngoại trưởng) và Việt Nam (Tạ Quang Bửu) cùng với các ngoại trưởng: John Foster Dulles (Hoa Kỳ), Molotov (Liên Xô), Anthony Eden (Vương quốc Anh), Chu Ân Lai (Trung Quốc). Chia Việt Nam thành hai quốc gia đối nghịch, dùng vĩ tuyến 17 làm biên giới. Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo ; Miền Nam dưới chế độ Quân chủ Cộng hòa do vua Bảo Đại lãnh đạo. Pháp từ bỏ ý đồ thực dân và rút khỏi Đông Dương. Tổng cộng Chiến tranh Đông Dương có khoảng 500.000 người tử thương.

[13] : Võ sư Niên trưởng Lê Văn Phúc (1934-2020) tường thuật việc thụ huấn với võ sư Nguyễn Lộc như sau : " ... Một năm sau qua nhiều lần dò hỏi và ghi tên, tôi mới được thực sự nhập học Vovinam. Lúc đó vào năm 1951... cả cuộc đời học võ, tôi mới chỉ được võ sư Nguyễn Lộc trực tiếp sửa đòn cho độ mươi lần, nhưng mỗi lần là một kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm. Đòn sửa thật nhanh, thật mạnh, thật bén và cũng thật đau. Chỉ còn biết chịu trận. Các lần khác thì võ sư Nguyễn Lộc giảng dậy, chỉ bảo để anh em chúng tôi tự luyện. 

Đôi khi có võ sư Bình trợ huấn (Vs Phan Dương Bình), thì Võ sư Lộc ngồi quan sát. Gặp anh Bình thì cuộc đời anh em chúng tôi cũng không mấy sáng sủa. Đòn nào đánh sai thì anh Bình sửa cho liền, mà sửa rất thực tình. Đôi giầy tây to và cứng rắn như thế mà đạp như lao vào ngực nhỏ bé của tôi thì làm sao chịu thấu. Sau buổi tập, xoa ngực thấy còn dính cát vết giầy in một khoảng đỏ hồng lưu niệm đã khiến tôi thấm thía vô cùng. Không hiểu sao mà anh em chúng tôi không nản, lại còn hăng hái thêm ...". (trích Hồi ký những ngày theo học Võ sư Sáng tổ, đặc san Vovinam-Việt Võ Đạo, 1971).

[14] : Sau đổi là đường Võ Tánh, nay là đường Nguyễn Trãi, gần ngã sáu Sài Gòn.

[15] : Vovinam-Việt Võ Đạo bị cấm đoán lần thứ nhất trong vòng 4 năm (1960-1964) dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm và lần thứ hai dưới chế độ cộng sản trong vòng 15 năm (1975-1990).

[16] : Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là nghĩa trang chính trong trung tâm thành phố Sài Gòn, phía trước là đường Phan Thanh Giản (nay gọi là Điện Biên Phủ), phía sau là đường Hiền Vương (nay gọi là Võ Thị Sáu). Năm 1983, chính quyền Cộng Sản Việt Nam ra lệnh giải toả và nay trở thành công viên Lê Văn Tám.

 


Conseil mondial ds Maîtres
© Fédération mondiale de Vovinam-Việt Võ Đạo

Tiểu Sử Võ Sư Nguyễn Lộc

nguyenloc 1912-1960 sangtoÔng sinh ngày 8 tháng Tư năm Nhâm Tí (tức 24 tháng 5 năm 1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội). Song thân ông là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và Nguyễn Thị Hòa. Ông là con trai trưởng, các em ông là Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Dần, Nguyễn Hải và Nguyễn Thị Bích Hà.

Khi còn nhỏ, thể chất ông không được tốt, do vậy được gia đình cho theo học võ, với mục đích ban đầu là để phòng thân và tăng cường sức khoẻ. Nhưng do tố chất thống minh, lại ảnh hưởng thượng võ của vùng đất có nhiều sới vật nổi tiếng, ông nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa võ thuật Việt Nam cũng như tìm thấy sự đam mê võ học.

Xem tiếp