Lược sử Võ sư Niên trưởng Ngô Kim Tuyền (1947-2019)

Download

 

Lược sử Võ sư Niên trưởng Ngô Kim Tuyền (1947-2019) 

vovinam-bachdai-thuongdang

          • Bạch Đai Thượng Đẳng (2008).
          • Hồng đai nhị cấp (1993).
          • Cục trưởng Cục huấn luyện Tây-Bắc (1970-1975).


 Võ sư Niên trưởng Ngô Kim Tuyền sinh ngày 01-02-1947 tại xã Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc, Việt Nam. Ông theo học Vovinam-Việt Võ Đạo tại võ đường số 61 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn, khoá đầu tiên, ngày 15-7-1964, cùng khoá với các võ sư Trần Tấn Vũ (Việt Nam), Nguyễn Hữu Tô Đồng (Canada) và Nguyễn Hồng Tâm (Việt Nam), dưới sự giảng dạy của các võ sư : Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư và Lê Sáng. 

vs ngo kim tuyen 

 

Võ Đạo Quán Cây Tre, 1990

Võ sư Niên trưởng Ngô Kim Tuyền

 Ông tường thuật : "... Tới 61 Vĩnh Viễn, tôi ghi danh học khoá đầu tiên ở đây. Học phí lúc đó là 80 đồng, sau lên 120 đồng một tháng. Tôi học lớp buổi chiều do thầy Trần Huy Phong dạy". 

 Năm 1965, ông chuyển về võ đường Trần Hưng Đạo, quận 5, Sài Gòn. Hai năm sau, 1967, ông trở thành phụ tá trợ giáo cho võ sư Trịnh Ngọc Minh (1938-1998). Năm 1968, khi võ sư Trịnh Ngọc Minh được Môn phái cử ra Nha Trang phát triển, ông thay thế và trở thành võ sư chính tại võ đường này.

 Năm 1966, ông tham gia phong trào võ thuật học đường với hàng ngàn học sinh theo tập Vovinam-Việt Võ Đạo tại các trường trung học Sài Gòn, Gia Định như : Chu Văn An, Trưng Vương, Cao Thắng, Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Riêng võ sư Ngô Kim Tuyền được đặc trách huấn luyện tại trường Trung học Pétrus Ký.

 Khi võ đường Pétrus Ký ngưng hoạt động, ông mở võ đường Lam Sơn tại đường Trần Bình Trọng, quận 5, Sài Gòn và chuyển các Môn sinh Pétrus Ký về đây. Trong số các Môn sinh này, phải kể đến : Nguyễn Văn Chiếu, Lưu Thăng, Nguyễn Tôn Khoa, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Chánh Tứ, Nguyễn AnhDũng. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 [[1]], võ đường Trần Bình Trọng phải đình chỉ hoạt động, tất cả các Môn sinh đều được chuyển về Trung tâm huấn luyện Hùng Vương (Tổ đường) nơi võ sư Lê Sáng giảng huấn. 

 

 

vsngokimtuyen trinhngocminh hoalu1970

Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư 1970, lễ mang đai

Chuẩn Hồng đai, Vs. Ngô Kim Tuyền(2), Hồng đai nhị cấp Vs Trịnh Ngọc Minh(1)

Các võ sư : Lê Sáng(3), Trần Huy Phong(4), Nguyễn Văn Thông(5), Trần Bản Quế(6)

Ngoài ra ông còn giảng dạy tại các võ đường : Tiểu chủng viện thánh Gui Se Phú Cường và Đệ Tử Viện truyền giáo Phú Cường. 

Năm 1967, chương trình Việt Võ Đạo Cảnh sát Quốc gia được phát triển với những khóa đào tạo huấn luyện viên tại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Saigòn và các khóa tự vệ cận chiến tại các địa phương. Võ sư Ngô Kim Tuyền là một trong những võ sư được cử làm phụ tá huấn luyện cho võ sư Chưởng môn Lê Sáng trong những khóa đào tạo này.

Năm 1968, võ sư Ngô Kim Tuyền cùng với huấn luyện viên Hồ Tấn Đãi, xuống quận Đức Huệ, tỉnh Long An, chiêu sinh mở võ đường. Từ địa điểm này, ông đã mở các võ đường tại Khiêm Cương, Tân Mỹ, Củ Chi, Trảng Bàng, Bình Dương, Lái Thiếu, Gò Dầu-Tây Ninh, v.v.

Năm 1969, ông được Môn phái cử làm Cục trưởng Cục huấn luyện Tây-Bắc [[2]]. Trong thời điểm này ông được sự giúp đỡ đắc lực của võ sư Phạm Hữu Độ [[3]] và Lý Phúc Thái [[4]]. Nhờ thế Vovinam-Việt Võ Đạo tại Cục huấn luyện Tây-Bắc được phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn Môn sinh.

 vsngokimtuyen dai dao1993

 

Võ Đạo Quán Cây Tre, 1993


 Ngày này các Môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động và huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo tại các tỉnh : Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, v.v. Trong số các Môn sinh này phải kể đến : Cao Hải Bình, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Văn Thành, Đoàn Tấn Tạo, Lê ằng Phương, Tô Nguyên Trung, Lưu Kim Loan, Đoàn Văn Viễn…

 

 

 

Sau năm 1975, Vovinam-Việt Võ Đạo bị cấm hoạt động, nhưng ông vẫn tập luyện trong bí mật với võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong. Sau đó ông trở thành một trong những nhân vật chính, phụ tá cho võ sư Trần Huy Phong trên việc tổ chức cho hàng trăm võ sư, huấn luyện viên và thân hữu vượt biên ra quốc ngoại tìm tự do và phát triển Môn phái. Chính nhờ thế ngày nay, Môn phái đã phát triển khá rộng rãi tại Canada, Australia, Hoa Kỳ và châu Âu. 


 

 

Năm 1975, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Nga [[5]], sinh được hai cháu trai, Ngô Hồng Ân (1976) và Ngô Hồng Vũ (1979).

 

 

 

Năm 1991, khi nhà nước Việt Nam cho phép Vovinam-Việt Võ Đạo hoạt động trở lại, ông đã tham gia tích cực giảng huấn tại Trung tâm Võ Đạo Quán Cây Tre, phường Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, do võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong thành lập. Năm 1992 ông được võ sư Trần Huy Phong đề cử làm Phó trưởng ban nghiên cứu và phát triển, Quản đốc Võ Đạo Quán Cây Tre. 

 

Năm 2003, ông lâm bệnh nặng [[6]], nhưng nhờ có học bộ môn Khi Công do võ sư Trần Huy Phong truyền dạy, nên ông tìm lại được phần nào sức khoẻ và chống lại được bệnh hiểu nghèo.

 

 

 

vsngokimtuyen tnd bac dai 2008 

Saigon, 2010, Vs. Ngô Kim Tuyền

nhận Bạch Đai Thượng Đẳng

do Vs Trần Nguyên Đạo đại diện Hội Đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới chuyển trao

Nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 6 được tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 05, 2008. Để tỏ lòng nhớ ơn và ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với Môn phái, võ sư Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, Trần Nguyên Đạo, đã đề nghị và được Đại hội biểu quyết truy thăng ông vào tước vị : Võ sư Niên trưởng, Bạch Đai Thượng Đẳng, thành viên Thượng Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, cùng với các võ sư : Lê Công Danh (Australie), Trần Tấn Vũ (Việt Nam), Nguyễn Văn Đông (Hoa Kỳ).

 









Ông qua đời ngày 22 tháng 11 năm 2019, tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi, sau 16 năm chống lại bệnh tật.

 

Võ sư Niên Trưởng Ngô Kim Tuyền là một bậc thầy có tầm vóc, giản dị, nghiêm khắc, kiên trì và được mọi người yêu mến. Ông ra đi, nhưng để lại rất nhiều những công lao đóng góp cho Môn phái và gây nhiều thương tiếc cho gia đình cũng như toàn thể môn sinh trong và ngoài nước, xứng danh một môn đồ trung kiên, một vị thầy khả kính của Vovinam-Việt Võ Đạo. Một ngôi sao sáng trong bầu trời văn hoá võ thuật Việt Nam.

 
 
 


[1]: Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 là một chiến dịch quân sự do các lực lượng phối hợp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (Việt Cộng) và Quân đội Nhân dân Việt Nam (Cộng sản) chỉ huy. Mục đích là kích động cuộc nổi dậy của dân chúng miền Nam chống lại chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuộc tấn công này kết thúc thất bại với gần 80.000 binh lính và hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng.

[2]: Bao gồm : Hậu Nghĩa, Đức Hoà, Bình Dương.

[3]: Phó Quận trưởng Quận Lái Thiêu (1970), sau đó là Phó Tỉnh Trưởng Bình Dương.

[4]: Trách nhiệm Trung tâm điều hợp quân đội tỉnh Bình Dương.

[5]: Huấn luyện viên Hoàng đai Vovinam-Việt Võ Đạo.

[6] :Tai biến mạch máu não, bán thân bất toại.

 

 

   

 


Conseil mondial ds Maîtres
© Fédération mondiale de Vovinam-Việt Võ Đạo