Lược sử cố Võ sư Niên trưởng Trần Huy Quyền (1945-2001)
Lược sử cố Võ sư Niên trưởng Trần Huy Quyền (1945-2001)
-
-
-
-
-
- Bạch Đai Thượng Đẳng (2008).
- Hồng đai đệ nhất cấp (1989).
- Sáng lập viên Vovinam-Việt Võ Đạo Australia.
- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới (1996-2000).
-
-
-
-
Melbourne, Australia, 1986 Võ sư Trần Huy Quyền |
Võ sư Niên trưởng Trần Huy Quyền, tên khai sinh là Trần Ích Quyền, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1945, tại huyện Quần Phương Trung, Quận Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh), Bắc phần. Ông là con thứ năm trong một gia đình gồm bảy anh chị em (phụ chú 1).
Ông sinh trưởng trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam đang trong thảm cảnh chiến tranh khốc liệt, giữa các nhà cách mạng và thực dân Pháp (1884-1945), rồi đến thực dân Nhật (1940-1945), sau đó giữa Pháp và Việt Minh (1946-1954)[[1]] và cuối cùng giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam (1954-1975).
Thời niên thiếu của ông không được may mắn như mọi người. Khi sinh ra thì bị đẻ rơi tại gốc cây Đa đầu làng, cha ông không có nhà, mẹ ông phải tự cắt rốn, mang về nuôi dưỡng.
Gia đình ông trong thời điểm đó nghèo khổ chưa từng thấy ! Năm sinh nhật 8 tuổi, ông chỉ có một cái áo nâu và ước ao được ăn một quả cam nhưng cũng không được ! Chị ông phải bán áo và cả gia đình phải nhịn đói ngày hôm đó để mua cam cho ông.
Năm 9 tuổi (1954), ông cùng gia đình di cư vào Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, và sau đó, thân phụ ông vì công vụ phải dời về Ban Mê Thuột, do đó ông phải theo các anh vào Sài Gòn ở trọ người quen và tự học. Kể từ đó, ông mất tất cả mọi hạnh phúc và mái ấm gia đình cho đến ngày trưởng thành.
Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư, Saigon 1964. Trái, Vs. Trần Huy Quyền (đòn chân số 10) Phải, Vs. Lê Công Danh (đòn chân số 7)
|
Võ sư Trần Huy Quyền bước vào Vovinam Việt Võ Đạo năm 1960, tại Trung tâm Huấn luyện Vovinam Trung ương, võ đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, được thụ huấn cùng võ sư Lê Sáng và Trần Huy Phong. Ngay từ ngày nhập môn, ông đã tỏ ra có năng khiếu võ thuật và chỉ một năm sau, tháng 12-1961, ông đã được đề cử biểu diễn tại rạp Olimpic (bài song luyện một với đồng môn Thái đen) nhân dịp Môn phái tổ chức biểu diễn cứu trợ đồng bào nạn lụt miền Tây.
Năm 1963, ông phiêu bạt về Ban Mê Thuột thăm gia đình và mở lớp võ đầu tiên tại Trại Sĩ quan Tạo Tác. Lớp được khai giảng do sự yêu cầu của các sĩ quan trong trại hầu giúp các thanh thiếu niên phát triển năng khiếu tự vệ và đào luyện tính quật cường. Trong số các môn sinh tập huấn tại đây, sau này trở thành võ sư, có em của ông là võ sư Trần Nguyên Đạo.
Năm 1964, ông là một trong những môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên được võ sư Trần Huy Phong đề bạt trở thành Huấn luyện viên tại võ đường Vĩnh Viễn, số 61 Vĩnh Viễn, Sài Gòn, và đồng thời cũng là trụ sở của Tổng Hội Vovinam. Trong số những võ sư danh tiếng trở thành huấn luyện viên cùng thời với ông, gồm có các võ sư Nguyễn Văn Thái (Thái Đen), Lê Công Danh, Trần Văn Bé, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Thông.
Trung tâm Huấn luyện Cái Vồn, Quân đoàn 4, 1972 Trái, phải : Nguyễn Văn Lộc (1), Hồ Tuấn Anh (2), Trần Huy Quyền (3), Trần Huy Phong (4), Phan Quỳnh (5), Nguyễn Ngọc Thanh (6). |
Trong các năm 1965-1975, ông liên tiếp đặc trách giảng huấn tại : Trung tâm Huấn luyện Cái Vồn, Quân đoàn 4, võ đường Ty xã hội Vĩnh Long, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, võ đường trường Trung học Hiếu Nghĩa Sài Gòn. Tại trường này, ông vừa là giáo sư toán và đồng thời cũng là giám đốc võ đường Vovinam-Việt Võ Đạo.
Về sự nghiệp học vấn, ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Toán và hành nghề giáo sư cho đến năm 1975. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh sôi động ông phải khoác áo chinh y, phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân trong nhiều năm liên tiếp.
Năm 1974, ông kết hôn với bà Trần Thị Ân và sinh được một cháu gái (1975, Trần Thị Quỳnh Anh) và một trai (1986, Trần Huy Quang).
Năm 1975, vì vận nước, ông bị giải đi học tập cải tạo trong vòng 6 năm (1975-1981). Trong giai đoạn đầu ông bị giam tại khám Chí Hoà (Sài Gòn) cùng chung với võ sư Lê Sáng trong vòng 3 năm, sau đó phải chia tay vì bị giải đi nơi khác. Năm 1981 vì không có hy vọng được trả tự do, ông đã vượt ngục và sống trong bí mật và trốn tránh.
Năm 1982, ông được anh là võ sư Trần Huy Phong tổ chức cho gia đình vượt biên cùng một số võ sư đồng môn [[2]], nhưng phải hai lần mới thành công. Và tháng 10 năm 1984, ông cùng gia đình đến định cư tại thành phố Melbourne, thuộc tiểu bang Victoria, Australia.
Ngay sau khi đặt chân đến Úc, ông liền nhập cuộc, tiếp tục công cuộc phát huy nền tinh hoa võ học Vovinam-Việt Võ Đạo. Đồng thời tham gia tích cực các sinh hoạt trong cộng đồng người Việt về các lãnh vực văn hoá, báo chí, từ thiện, văn nghệ, v.v.
Võ đường Vovinmam-Việt Võ Đạo đầu tiên được tổ chức tại tư gia của ông với khoảng 10 môn sinh và từ đó dần dần lan tràn khắp tiểu bang Victoria. Ông kết hợp với các võ sư đồng cảnh, tổ chức hệ thống lãnh đạo Môn phái tại Melbourne, võ sư Nguyễn Văn Thông, Lê Thành Nhân, Diệp Khôi ; tại Adelaide, võ sư Phạm Thị Loan ; tại Sydney võ sư Lê Công Danh… Với hàng ngàn môn sinh nhộn nhịp khắp Australia như thời trai tráng tại Sài Gòn.
Năm 1986, ông thành lập Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Australia. 10 năm sau, Liên đoàn Australia trở thành một trong 6 Liên đoàn quốc gia [[3]] sáng lập viên Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới. Trong dịp này đã ông đắc cử vào chức vụ Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Thế giới.
Australia 1986, Lễ thăng đai Vs. Trần Huy Quyền (1945-2001) |
Ngoài ra, ông không ngần ngại dấn thân trong những sinh hoạt cộng đồng người Việt trên lĩnh vực Liên bang cũng như tại Tiểu bang Victoria và Thành phố Melbourne để tổ chức các buổi lễ như : Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hai bà Trưng, Lễ cộng đồng các sắc tộc (Momba), v.v.
Trong các sinh hoạt cộng đồng trên, nổi bật nhất là những sinh hoạt trong làng báo chí Việt Nam. Ông từng là chủ bút tờ Việt Nam Thời Nay với những bút hiệu như Bao Bất Đồng, Chu Văn, Vương Ngọc Yến... Chủ biên đài FM 97.4 với các bút hiệu như Đông A Cư Sĩ, Mộ Dung Tiên Sinh, Trần Huy và Trần Văn.v.v. Qua những sinh hoạt văn hoá này, ông đã gây sôi nổi và phong phú hóa diễn đàn dân chủ Việt Nam tại những nơi ông sinh hoạt. Chính nhờ thế các giới chính khách Australia nể trọng và thường đến xin ý kiến trên những vấn đề nóng bỏng liên quan đến Việt Nam.
Mebourne 1986, Võ sư Trần Huy Quyền ông Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Gareth John Evans và bà Trần Thị Ân, phu nhân Vs Trần Huy Quyền |
Ngày 12 tháng 01 năm 2001, võ sư Trần Huy Quyền qua đời tại tư gia, vùng Sprinvale, tiểu bang Victoria, Australia. Hưởng thọ 56 tuổi.
Ông ra đi vào lúc tuổi còn đầy sức sống và trí tuệ cao độ. Sự ra đi của ông gây nhiều xúc động và thương tiếc cho hàng ngàn môn sinh, các đồng hương tại Úc và trong Môn phái. Ông đã lưu lại trong tâm hồn mọi người hình ảnh của một vị thầy khả ái, hoạt bát, vui vẻ, phóng khoáng, giản dị và tràn đầy yêu mến đậm đà.
Võ sư Trần huy Quyền là một ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời Vovinam-Việt Võ Đạo. Ông đã bước vào lịch sử và đã trở thành một trong những gương sáng cho nền văn hoá-võ học Vovinam-Việt Võ Đạo.
Nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 6 được tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 05, 2008. Để tỏ lòng nhớ ơn và ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với Môn phái, võ sư Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, Trần Nguyên Đạo, đã đề nghị và được Đại hội quyết định truy thăng ông vào tước vị : Võ sư Niên Trưởng, Bạch Đai Thượng Đẳng.
Phụ chú 1 : Gia đình võ sư Trần Huy Quyền
Võ sư Trần Huy Quyền là con thứ năm trong một gia đình gồm 7 anh chị em, vốn là em kế của võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong. Chính vì thế ông cũng được hưởng cung cách giáo dục của gia đình, vốn có truyền thống võ học từ thế kỷ thứ 12. Gia đình ông gồm các anh chị em theo thứ tự sau đây :
1- Trần Thị Nguyệt (1931-2015),
2- Trần Bản Quế (Bạch Đai Thượng Đẳng),
3- Trần Thế Tùng (trình độ Hoàng đai – 1965),
4- Trần Huy Phong (1938-1997) (Chưởng môn),
5- Trần Huy Quyền (1945-2001) (Bạch Đai Thượng Đẳng),
6- Trần Thiện Cơ (Hoàng đai – 1971),
7- Trần Nguyên Đạo (Bạch Đai Thượng Đẳng).
Đa số các anh em của ông đều là Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo. Khởi đầu là võ sư Trần Huy Phong, sau đó lần lượt mọi người đều tham gia hoạt động Môn phái và đóng góp theo khả năng của từng cá nhân. Tuy có các anh lớn là những người có địa vị quan trọng trong Môn phái, nhưng không được hưởng lây, mà ngược lại còn dễ bị khiển trách hơn những người khác. Lối hành sử này, không có mục đích chứng minh cung cách không thiên vị của người lãnh đạo, mà là truyền thống giáo dục của gia đình. Các con cái trong gia tộc họ Trần đều phải thấm nhuần năm tinh thần tự chủ sau đây :
- Tự Túc (tự lo cho bản thân).
- Tự Năng (tự học hỏi, tự tạo tài năng).
- Tự Tồn (tự tạo sinh lực để đối chọi với cuộc đời).
- Tự Sinh (Tự vươn lên, tự tạo công danh).
- Tự Chủ (tự làm chủ cho chính mình).
[1]: Còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương, đây là một cuộc chiến tranh vũ trang từ năm 1946 đến năm 1954 giữa Pháp và Việt Minh. Cuộc chiến được kết thúc sau khi quân đội Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève được ký ngày 20/07/1954 giữa Pháp (George Bidaut, ngoại trưởng) và Việt Nam (Tạ Quang Bửu) cùng với các ngoại trưởng: John Foster Dulles (Hoa Kỳ), Molotov (Liên Xô), Anthony Eden (Vương quốc Anh), Chu Ân Lai (Trung Quốc). Chia Việt Nam thành hai quốc gia đối địch, dùng vĩ tuyến 17 làm biên giới. Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo ; Miền Nam dưới chế độ Quân chủ Cộng hòa do vua Bảo Đại lãnh đạo. Pháp từ bỏ ý đồ thực dân và rút khỏi Đông Dương. Tổng cộng Chiến tranh Đông Dương gồm 500.000 người tử thương.
[2]: Trong số những người vượt biên cùng ông có các võ sư : Nguyễn Văn Thông, Lê Công Danh, Lê Thành Nhân, Nguyễn Văn Đông, Phùng Mạnh Tâm, etc.
[3]: Australia, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và Vương Quốc Bỉ.
Hội đồng Võ sư Thế giới
© Tổng Liên Đoàn Vovinam-VVĐ Thế Giới