Lược sử cố võ sư Trịnh Ngọc Minh (1939-1998)
Lược sử cố võ sư Trịnh Ngọc Minh
(1939-1998)
-
-
-
-
-
- Bạch Đai Thượng Đẳng (2008).
- Hồng đai đệ nhị cấp (1973).
- Cục trưởng Cục huấn Luyện miền Trung.
-
-
-
-
Vs. Trịnh Ngọc Minh 1939-1998 |
Võ sư Trịnh Ngọc Minh, tên thật là Trịnh Văn Mão, từ trần ngày 30 tháng 12 năm 1998 (12 tháng 10 năm Mậu Dần) tại Sài Gòn.
Võ sư Trịnh Ngọc Minh là ngọn đuốc tiền phong khai sinh Vovinam-Việt Võ Đạo tại miền Trung Việt Nam.
Ông vốn là người có tính tình vui vẻ, cởi mở và hoạt bát. Ngay từ thủa niên thiếu ông đã sống tự lập, dấn thân và sinh hoạt kinh tế để phụ giúp gia đình. Điều đó đã hun đúc cho ông những đức tính quí : tự tin, hăng say và năng động.
Võ sư Trịnh Ngọc Minh sinh ngày 5 tháng 8 năm 1939 tại Hà Nội, Bắc Việt. Gia đình ông vào Nam năm 1940 sinh sống tại xóm Bến Cừ, (đường Võ Di Nguy cũ) Phú Nhuận, Sài Gòn (nay là đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận). Cuối năm 1954, cha ông tập kết ra Bắc để lại vợ và con lại miền Nam. Năm 1957 ông lập gia đình với bà Võ Thị Mới.
Năm 1959, ông theo học Vovinam-Việt Võ Đạo tại võ đường Trần Hưng Đạo, dưới sự giảng huấn của võ sư Lê Sáng và Trần Huy Phong, cùng tập với ông có các võ sư như : Cao Văn Cát, Liên Quốc, Tô Cẩm Minh, Lý Phúc Thái. Trong các năm Vovinam-Việt Võ Đạo bị cấm đoán bởi chính phủ Ngô Đình Diệm (1960-1964) [[1]], ông tiếp tục tập huấn với võ sư Trần Huy Phong tại võ đường Hồ Vũ cùng với các đồng môn Trần Huy Quyền, Nguyễn Văn Thái.
Sự nghiệp phát triển Môn phái của võ sư Trịnh Ngọc Minh bắt đầu từ năm 1966 qua phong trào võ thuật học đường được phát động mạnh mẽ với hàng ngàn học sinh theo tập Vovinam-Việt Võ Đạo tại các trường trung học Sài Gòn, Gia Định như : Chu Văn An, Trưng Vương, Cao Thắng, Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong).
Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư 1970, lễ mang đai Chuẩn Hồng đai, Vs. Ngô Kim Tuyền (2), Hồng đai nhị cấp Vs Trịnh Ngọc Minh (1) Các võ sư : Lê Sáng (3), Trần Huy Phong (4), Nguyễn Văn Thông (5), Trần Bản Quế (6) |
Riêng võ sư Trịnh Ngọc Minh được cử huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo tại trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, sau đó ông được Môn phái điều về đặc trách giám đốc kỹ thuật tại võ đường Trần Hưng Đạo, số 550 đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, cùng với sự phụ tá của võ sư Ngô Kim Tuyền. Năm 1967 khi võ sư Trịnh Ngọc Minh được cử ra miền Trung, thì võ đường Trần Hưng Đạo được trao cho võ sư Ngô Kim Tuyền. Các võ sư xuất thân từ võ đường này, phải kể đến : Nguyễn Văn Chiếu, Dương Minh Nhơn, Minh Hải, Vũ Kim Trọng, Nguyễn Việt Tiến.
Năm 1967, Chương trình Việt Võ Đạo Cảnh sát Quốc gia được phát triển với những khóa đào tạo huấn luyện viên tại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Saigòn và các khóa tự vệ cận chiến tại các địa phương. Võ sư Trịnh Ngọc Minh là một trong những võ sư được cử làm phụ tá huấn luyện cho võ sư Chưởng môn Lê Sáng trong những khóa đào tạo này.
Tháng 8 năm 1967, do nhu cầu phát triển Môn phái, võ sư Trịnh Ngọc Minh được đề bạt đảm trách phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại Nha Trang và sau này tất cả các tỉnh miền Trung. Ông và gia đình đến trú ngụ tại số 93 đường Nguyễn Hoàng - Nha Trang (nay là đường Ngô Gia Tự), và đây cũng là văn phòng liên lạc của Vovinam-Việt Võ Đạo miền Trung.
Tại đây ông được sự giúp đỡ tích cực của võ sư Niên trưởng Lê Trọng Hiệp, vốn là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà miền Nam Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Không Quân, nên đã chung sức gánh vác và hỗ trợ. Nhờ đó, Vovinam-Việt Võ Đạo đã phát triển rộng rãi đến các thành phố khác tại miền Trung như : Phú Yên, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, Pleiku, Đà Nẵng v.v.
Trung tâm Huấn luyện Không Quân – Nha Trang 1968 Phía phải, võ sư Trịnh Ngọc Minh (1, mặc áo vét) Lê Trọng Hiệp (2, quân phục) |
Bước đầu phát triển tại Nha Trang, ông được sự phụ tá của các huấn luyện viên Voeng Long [[1]] và Nguyễn Văn Thái. Võ sư Trịnh Ngọc Minh khai giảng lớp võ đầu tiên tại số 4b Hoàng Hoa Thám, Nha Trang, trụ sở của Hội cựu Chiến sĩ Khánh Hòa do Ông Hoàng Kim Đức làm Trung tâm trưởng. Lớp võ thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, viên chức và công nhân lao động. Ngoài ra ông đã khai giảng các khóa cấp tốc đào tạo huấn luyện viên để đáp ứng nhu cầu phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại Khánh Hòa cũng như các tỉnh miền Trung và Nam Tây Nguyên.
Sau đó, dưới sự vận động và yểm trợ của võ sư Niên trưởng Lê Trọng Hiệp, võ sư Trịnh Ngọc Minh khai giảng những lớp võ đầu tiên cho các sĩ quan và sinh viên sĩ quan Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang và trường Chỉ huy Tham mưu Không quân dưới sự phụ tá của võ sư Nguyễn Văn Phụng, dành cho những môn sinh Không quân cấp Phi đoàn trưởng trở lên.
Nha Trang 1968 Lễ thăng đai tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân Võ sư Trịnh Ngọc Minh, hàng đầu, mặc võ phục, bên phải (X) |
Tiếp theo là các lớp Vovinam-Việt Võ Đạo tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân, Lực lượng Đặc biệt tại Đống Ba Thìn (nơi võ sư Nguyễn Văn Thái đang phục vụ).
Sau khi Cục Huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo miền Trung được thành lập, võ sư Trịnh Ngọc Minh được đề cử giữ chức vụ Cục Trưởng.
Cùng với các môn đệ xuất sắc trong các khóa đào tạo huấn luyện viên, võ sư Trịnh Ngọc Minh mở rộng phạm vi hoạt động tại Nha Trang với những võ đường ở đường Nguyễn Hoàng, đường Lê Lợi, đường Vạn Kiếp và các lớp võ tại Trường trung học Bá Ninh, Trường tiểu học Giuse, Trường tiểu học Tân Phước, Trường La San Bình Tân, Trường Dòng Chuẩn sinh ở Hòn Chồng, Trường đào tạo cán bộ phát triển Nông thôn v.v.
Trong những năm 1969-1973, được sự tiếp tay tích cực về nhiều lĩnh vực của các võ sư Niên trưởng Phạm Hữu Độ, Phó Tỉnh trưởng Bình Định, và Nguyễn Văn Cường, Phó Tỉnh trưởng Lâm Đồng, Vovinam-Việt Võ Đạo đã vươn dài tay phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo ra các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên. Võ sư Trịnh Ngọc Minh đã cử các môn đệ xuất sắc đến giảng huấn tại các trung tâm huấn luyện sau đây :
- Trung tâm Huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo Tuy Hòa tỉnh Phú Yên do huấn luyện viên Trần Văn Phước phụ trách.
- Trung tâm Huấn luyện Đà Lạt tỉnh Tuyên Đức do huấn luyện viên Lâm Quang Lân trách nhiệm.
- Trung tâm Huấn luyện Qui Nhơn tỉnh Bình Định do võ sư Nguyễn Văn Chiếu phụ trách.
- Trung tâm Huấn luyện Phan Rang tỉnh Ninh Thuận do huấn luyện viên Nguyễn Châu Hùng, Đặng Ngọc Thọ. Sau đó được võ sư Đặng Hữu Hào đảm trách.
- Trung tâm Huấn luyện Đà Nẵng được thành lập do võ sư Trần Tấn Vũ phụ trách.
- Trung tâm Huấn luyện Ban Mê Thuột do huấn luyện viên Nguyễn Văn Bính phụ trách.
Đến đầu năm 1971 thì hầu hết các tỉnh miền Trung, từ Phan Thiết trở ngược lên Phan Rang Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tuy Hòa, Bình Định, Lâm Đồng, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum, Đắc Lắc v.v. đều có các võ đường Vovinam-Việt Võ Đạo và đào tạo được rất nhiều võ sư, huấn luyện viên đáng kể cho Môn phái như [[2]] :
- Việt Nam : Nguyễn Bá Thuận (1950-1992), Nguyễn Văn Chiến, Tăng Hữu Cảnh, Trầm Kiết, Phạm Văn Nguyên, Nguyễn Lương Bằng, Lương Công Anh Tuấn, Trần Thọ Thảo,
Trần Công Lý, Đoàn Văn Làm, Võ Hải, Đặng Ngọc Thọ, Phạm Văn Ân, Nguyễn Trương Hoạt, Mai Xuân Tú, Đoàn Trị,
Đinh Điện, Lê Kim Tương, Lý Văn Lục, Phan Chánh Tiêu, Đỗ Đình Thạnh, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Hùng Việt,
Trần Văn Phước, Đặng Ngọc Thọ, Võ Hải, Phạm Văn Ân, Lư Quang Đức, Hồ Hữu Vui, Hoàng Tiến Đăng, Nguyễn Tấn Nghị, Trương Sỹ Anh.
- Thụy Sĩ : Hà Chí Thành.
- Bỉ : Huỳnh Hữu Quý.
- Hoa Kỳ : Tôn Thất Lăng, Nguyễn Văn Phụng, Lâm Quang Lân, Lê Huy Chương, Trần Mỹ Đức, Hoàng Đức Minh, Trần Văn Hoài, Nguyễn Văn Giàu, Võ Ước, Võ Thành Long.
Tháng 04 năm 1975, miền Nam Việt Nam bị sụp đổ, các phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo bị chính quyền cấm hoạt động. Ông chuyển giao trọng trách quản trị các võ đường tại Nha Trang cho các môn đệ Nguyễn Bá Thuận và Trần Công Lý, sau đó ông rời về Sài Gòn sinh sống. Trước khi đi, ông dặn dò các môn đệ thân yêu còn ở lại Nha Trang cố gắng phát triển lại phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo khi điều kiện cho phép.
Năm 1995, ông ngã bệnh cao máu và bị bại liệt một phần thân thể, nhưng nhờ ý chí quyết tâm tập luyện, bệnh tình của ông có phần thuyên giảm. Ngày 30 tháng 12 năm 1998 (ngày 12 tháng 10 năm Mậu Dần), võ sư Trịnh Ngọc Minh từ trần do bệnh tai biến mạch máu não tái phát, tại nhà riêng số B5 khu phố chợ An Hội đường Quang Trung, Quận Gò Vấp, Sài Gòn, hưởng thọ 60 tuổi. Bên cạnh Ông, đông đủ toàn thể gia đình và một số môn đệ. Ông có năm người con, hai trai và ba gái đều là những môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo, tất cả đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Môn đệ của Ông đa số đã thành danh trong cũng như ngoài nước.
Linh cửu võ sư Trịnh Ngọc Minh được đưa về an nghỉ tại An dưỡng địa Bình Hưng Hòa. Hài cốt được đưa về thờ tại Chùa Đồng Hiệp, Gò Vấp. Theo ước muốn cuối cùng của Ông, một phần hài cốt đã được gia đình và môn đệ đưa về vùng biển Nha Trang thủy táng.
Võ sư Trịnh Ngọc Minh ra đi và để lại nhiều thương tiếc cho gia đình cũng như toàn thể môn sinh trong và ngoài nước, xứng danh một môn đồ trung kiên, một người thầy khả kính của Vovinam-Việt Võ Đạo, một ngôi sao sáng trong bầu trời văn hoá võ thuật Việt Nam.
Nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 6 được tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 05, 2008. Để tỏ lòng nhớ ơn và ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với Môn phái, võ sư Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, Trần Nguyên Đạo, đã đề nghị và được Đại hội quyết định truy thăng ông vào tước vị : Võ sư Niên Trưởng, Bạch Đai Thượng Đẳng.
[1] : Vàothời điểm 1960-1964, Môn phái bị chính phủ Ngô Đình Diệm cấm đoán, do bởi năm 1960 có cuộc đảo chính không thành công, trong đó có các ông Phạm Lợi (Judo) và Tám Kiểng (Võ Cổ Truyền), nên tất cả các phái võ đều bị vạ lây. Riêng võ sư Trần Huy Phong vẫn tiếp tục phát triển Môn phái trong bí mật.
[2] : Nhập môn năm 1966, võ đường trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng.
Hội Đồng Võ Sư Thế Giới
© Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới