Lược sử cố Võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong (1938-1997)
Lược sử cố Võ sư Chưởng môn
Trần Huy Phong
(1938-1997)
-
-
-
-
- Chưởng môn Vovinam-Việt Võ Đạo (1986-1990)
- Hồng đai đệ ngũ cấp (huyền đai đệ cửu đẳng quốc tế - 1973)
- Bạch đai thượng đẳng (huyền đai đệ thập đẳng quốc tế - 1990).
-
-
-
- 1960-1964 : Thay thế võ sư Sáng tổ, lãnh đạo Môn phái.
- 1964-1967 : Phụ tá Chưởng môn, Trưởng Ban huấn luyện kiêm Trưởng Ban nghiên kế.
- 1967-1973 : Tổng đoàn trưởng Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo.
- 1973-1975 : Tổng cục trưởng Tổng cục Huấn luyện Vovinam Vìệt Võ Đạo, kiêm Chủ tịch văn phòng phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế
- 1986-1990 : Chưởng môn Vovinam Việt Võ Đạo
- 1996-1997 : Sáng lập viên Hội đồng võ sư và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.
Vs. Trần Huy Phong - 1990 |
Sinh thời
Võ sư Trần Huy Phong sinh ngày 28-12-1938 tại huyện Quần Phương Trung, quận Hải Hậu, tỉnh Nam Định (Hà Nam Ninh), Bắc Phần. Tên thật là Trần Trọng Bách, sau đổi thành Trần Quốc Huy. Ông là con thứ tư trong một gia đình gồm bảy anh chị em.(phụ chú 1)
Thân phụ, cụ Trần Văn Bảng (1898-1975) và thân mẫu cụ Trần Thị Nhạn (1913-1993). Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ học từ thế kỷ thứ 12, vốn và hậu duệ đời thứ 27 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1230-1300) (phụ chú 2).
Ông lớn lên trong thời điểm Việt Nam vẫn còn dưới ách đô hộ của người Pháp (1884-1945), nhưng nhờ sống tại đất tổ họ Trần, nên được bảo vệ và đào luyện theo truyền thống võ học của gia tộc. Hàng ngày, được ông ngoại là Trần Văn Khiêm (1879-1949), dậy châm cứu, luyện võ, lập trận, cỡi trâu, chèo thuyền, đấu vật, cỡi ngựa, binh pháp và nghệ thuật dụng người (lãnh đạo, chỉ huy).
Chính nhờ thế, ông là người có chí cao, có tinh thần bất khuất, có tư cách lãnh đạo, có thiên tư hào hiệp, có tính rộng lượng, có nhân cách phóng khoáng và luôn dương tay cứu đời.
Tính can đảm và quật cường của ông đã thể hiện khi còn niên thiếu. Năm 1950 (năm 12 tuổi), vì chiến tranh (chiến tranh Pháp-Việt : 1946-1954), gia đình ông mất liên lạc với thân phụ, đang là Bang Trưởng tại tỉnh Cẩm Phả (sát biên giới với Trung Quốc). Nên gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ cùng cực, mẹ ông vì quá lo lắng nên lâm bệnh nặng.
Ông quyết định dẫn em là Trần Huy Quyền (5 tuổi), vượt bộ hàng trăm cây số (khoảng 180km) đi tìm cha. Sau hơn một tháng lặn lội, ông đến được Cẩm Phả và tìm được thân phụ. Cha ông, nước mắt chảy dài, quyết định từ chức Bang Trưởng, cõng hai con về quê cứu vợ.
Hình bìa đặc san "Tinh thần Trần Huy Phong", nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ năm thứ 20 (1997-2017)
|
Năm 1954, sau hiệp định Genève [[1]], ông theo gia đình di cư vào Nam, tình cờ gặp võ sư Nguyễn Lộc và theo học Vovinam-Việt Võ Đạo vào năm 1954 tại võ đường Thủ Khoa Huân Sai Gòn, năm 16 tuổi.
Ngay từ buổi đầu, ông đã được võ sư Nguyễn Lộc đặc biệt chú ý, bởi ông có căn bản võ thuật và có năng khiếu hơn người, nên đã thăng tiến một cách vượt bực và trở thành một trong những môn đệ ưu tú và xuất sắc nhất của võ sư Nguyễn Lộc.
Võ sư Trần Huy Phong và thời kỳ đen tối 1960-1964
Năm 1960, võ sư Nguyễn Lộc qua đời, cùng lúc chính phủ Ngô Đình Diệm cấm Vovinam-Việt Võ Đạo sinh hoạt (1960-1964) [[2]] và sư huynh của ông là võ sư Lê Sáng đình chỉ sinh hoạt Môn phái, dời về Quảng Đức sinh hoạt kinh tế [[3]]. Nhưng riêng ông vẫn âm thầm đơn phương mở võ đường, giảng huấn trong bí mật để đào tạo cán bộ nồng cốt cho phong trào « Thanh Niên Khỏe Luyện Tập Vovinam », với đầy đủ ba phương diện : Trí, Đức, Thể.
Ông vốn là giáo sư toán tại các trường Trung học Sài Gòn, nên đã phát triển hàng chục võ đường Vovinam-Việt Võ Đạo tại các trường nơi ông dạy văn hoá. Nhờ đó, phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo trong giai đoạn này, không những không bị gián đoạn mà trái lại còn được phát triển rộng rãi. Số Môn sinh tăng lên rất đông, kết quả ông đào tạo được một đội ngũ huấn luyện viên trẻ, tâm huyết, lý tưởng và có một trình độ cao. Một tầng lớp cán bộ nền tảng đưa đến sự bật phóng cao độ cho các phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo trong thập niên 1964-1975.
Các võ đường : Hồ Vũ, Ánh Sáng, Thánh Thomas, Thăng Long, Trí Đức, đền thờ Đức Thánh Trần v.v. là những võ đường tiêu biểu đã đi vào lịch sử ! Đã đánh dấu sự bật dậy, thể hiện tính quật cường và khả năng đáp ứng của Vovinam-Việt Võ Đạo trong thời kỳ bị cấm đoán và đen tối nhất trong lịch sử Môn phái. Vovinam-Việt Võ Đạo không những không bị giải tán mà trái lại còn phát triển rộng rãi đến quảng đại quần chúng, thu hút được nhiều môn sinh, nhất là các giới sinh viên, học sinh và trí thức.
Các môn sinh đầu tiên của võ sư Trần Huy Phong – 1964 Từ trái sang phải: Trần Văn Bé, Nguyễn Văn Hoàn, Dương Hoành San, Trần Văn Trung Trần Huy Phong, Phan Quỳnh, Nguyễn Văn Lễ, Trần Huy Quyền và Lê Công Danh. |
Vovinam-Việt Võ Đạo trong thời kỳ 1960-1964, là một thời kỳ lịch sử hi hữu và huyền diệu ! Môn phái bỗng nhiên bị cấm đoán và đẩy vào bóng tối, phải tập huấn trong bí mật rồi đột nhiên lại bước ra ánh sáng huy hoàng, đưa Vovinam-Việt Võ Đạo vào một quĩ đạo lịch sử mới và mở ra một tương lai hứa hẹn.
Những thành quả trên còn được tô đậm thêm qua những sinh hoạt xã hội-từ thiện cao đẹp, đã đưa Vovinam-Việt Võ Đạo đi sâu vào mọi tầng lớp quần chúng, trở thành một tập thể dân sự hữu ích cho xã hội vì biết phục vụ cho con người và cho nhân loại.
Võ sư Trần Huy Phong là vị thầy có công lớn trong khúc quanh lịch sử quan trọng này. Ông đưa Môn phái từ một vài võ đường nhỏ bé, đang trong cấm đoán và bế tắc, trở thành một đại phái có địa vị và có bề thế trong xã hội. Chính nhờ thế, Vovinam-Việt Võ Đạo đã đạt được một nền tảng vững vàng, tiến đến giai đoạn trưởng thành trong những năm phát triển cao độ 1964-1975, mà ngày nay các môn sinh trên thế giới đang tiếp tục thừa hưởng.
Võ sư Trần Huy Phong và thời kỳ phát triển cao độ (1964-1975)
Đầu năm 1964, sau cuộc đảo chánh lần thứ 2 thành công [[4]], Vovinam được sinh hoạt tự do trở lại, ông cùng các võ sư đương thời : Lê Sáng, Mạnh Hoàng, Nguyễn Văn Thư, Ngô Hữu Liễn, Phan Quỳnh, Trần Bản Quế, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thông, v.v. lên phương án và thiết lập chương trình pháp lý hóa cho Môn phái. Một Ban chấp hành Trung ương của Môn phái được thành lập, võ sư Lê Sáng được bầu làm Chưởng môn, võ sư Trần Huy Phong trở thành nhân vật thứ hai của Môn phái với hai nhiệm vụ : phụ tá Chưởng môn kiêm nhiệm Trưởng Ban nghiên kế.
Saigon 1964 Võ sư Trần Huy Phong |
Một dự án phát triển vĩ mô trên toàn quốc được ra đời, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.
Về phương tổ chức, ông đã đóng góp tích cực với các võ sư đương thời trên việc thành hình Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo qua các cơ chế và qui chế sau đây :
Thành lập các cơ chế căn bản
- Thành lập Tổng hội Vovinam (Liên đoàn Quốc gia)
- Thành lập Qui Lệ Môn phái (được gọi là Qui lệ 1964).
- Thành lập chức vụ Chưởng môn (phụ chú 3).
- Ban Chấp hành Trung ương (phụ chú 4).
Thiết lập chương trình võ thuật và võ đạo
- Thành lập hệ thống đẳng cấp.
- Soạn thảo chương trình huấn luyện.
- Soạn thảo hệ thống và qui luật thi Vovinam-Việt Võ Đạo.
- Soạn thảo chương trình võ đạo.
- Soạn thảo 10 điều tâm niệm.
Thiết lập các qui luật căn bản
- Chuyển danh xưng Vovinam thành Vovinam-Việt Võ Đạo
- Chế tác võ phục.
- Thành lập truyền thống trình luận án võ sư.
- Chế tác Phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo
- Ấn định các nghi thức và các nghi lễ.
Về phương diện võ thuật
Ông đã góp công khảo cứu và đóng góp vào hệ thống kỹ thuật cho Vovinam-VVĐ như sau :
- Triển khai hệ thống đòn chân trung đẳng từ số 13 đến 21.
- Đặt nền móng cho hệ thống chiến lược qua 20 đòn chiến lược căn bản đầu tiên của Môn phái.
- Triển khai hệ thống vật qua 15 thế vật cơ bản, rút kinh nghiệm từ các bài song luyện và vật cổ truyền
- Thành lập hệ thống tay không bắt vũ khí như : Tay không bắt mã tấu, tay không bắt búa, tay không bắt súng lưỡi lê, tay không bắt gậy, v.v.
- Triển khai hệ thống giao đấu tự do và các qui luật tranh giải.
Về lý thuyết võ đạo
Saigon 1964 Võ sư Trần Huy Phong |
Võ sư Trần Huy Phong đã có công nghiên cứu và triển khai các lý thuyết sau đây :
- Luật "Cương Nhu Phối Triển" thành một hệ thống triết học, đồng thời lấy Triết lý Cây Tre làm căn bản để dẫn giải.
- Chứng minh và lý giải các phương pháp té ngã Vovinam-Việt Võ Đạo bằng động lực học và toán học.
- Soạn thảo đạo sống "Năm Tu Bốn Tiến" cho chương trình Võ Đạo Hóa cho các công chức hành chánh toàn quốc.
- Chứng minh Tính dân tộc của Việt Võ Đạo.
- Chứng minh Tính khoa học của Việt Võ Đạo.
- Chứng minh Tính giáo dục của Việt Võ Đạo.
- Soạn thảo Nghệ thuật Lãnh đạo Chỉ huy.
- Viết sách Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân.
- Soạn thảo Giáo trình "Giáo Dục Tâm Thể" một phân khoa trong trường Đại học Hùng Vương.
- Soạn thảo các lý thuyết và các phương pháp luyện tập "Nội Công Tâm Pháp", dành cho các võ sư cao cấp.
Phong trào võ thuật học đường
Năm 1965, chương trình võ thuật học đường (phụ chú 5) được phát triển mạnh mẽ tại các trường Trung học : Chu Văn An, Trưng Vương, Cao Thắng, Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong). Vào thời điểm đó, võ sư Mạnh Hoàng và Trần Huy Phong vốn là giáo sư tại các trường Trung học Sài Gòn, thường giao lưu và quen biết các giáo giới nên đã tức thời xin giấy phép biểu diễn chiêu sinh tại các trường Trung học nói trên.
Liên tiếp hàng trăm lớp võ được khai giảng và chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 8.000 học sinh ghi danh tập huấn Vovinam-Việt Võ Đạo.
Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư và Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo
Năm 1966, võ sư Trần Huy Phong và võ sư Mạnh Hoàng thành lập Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư, tại số 2 bis Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, Sài Gòn. Thầy kiêm nhiệm giám đốc trung tâm này. Đây là một võ đường danh tiếng của Môn phái trước 1975, thường xuyên có hàng ngàn môn sinh theo tập và đào tạo rất nhiều võ sư hồng đai xuất sắc, hiện đang sinh hoạt khắp nơi trên thế giới. (phụ chú 6)
Năm 1967, võ sư Trần Huy Phong thành lập Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo. Một tổ chức thanh niên bao gồm các môn sinh và thanh niên, có mục đích hoạt động các công tác xã hội, từ thiện, văn hóa, giáo dục và sinh hoạt thanh niên. Thầy là chủ tịch của tổng đoàn này, và cũng là người đề xướng thành công trong việc đưa sinh hoạt võ thuật vào học đường và soạn ra chương trình võ thuật học đường trước 1975.
Song song với tư cách Tổng đoàn trưởng Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo (1967-1973), võ sư Trần Huy Phong đã khai giảng hàng loạt võ đường trên toàn quốc và các phong trào trong quân đội và các ngành như : Cảnh sát Quốc gia, Bộ Phát triển Nông thôn, Liên Đoàn 81 Biệt cách dù, Bộ Tổng Tham mưu, Quân đoàn 4 chiến thuật tại Trung tâm Huấn luyện Cái Vồn, Quân đoàn 3 trong Lực lượng Quân cảnh… các trường Đại học Minh Đức Sài Gòn, Đại Chủng viện Cường Để, Đại học xá Minh Mạng, các tỉnh thành : Biên Hoà, Vĩnh Long, Thủ Đức, Vũng Tầu, Cần Thơ...
Các đóng góp xã hội - từ thiện
Từ năm 1961 đến 1965, ông cùng với một số bạn cùng chí hướng như các giáo sư : Mạnh Hoàng, Hoàng Quân, Đinh Đức Mậu, Nguyễn Văn Cường, Phan Quỳnh, Nguyễn Xuân Thiều, Mai Trung Hoa... thành lập Trung tâm Giáo dục Cộng đồng, có mục đích tổ chức những lớp học miễn phí hoặc giảm phí luyện thi Trung học Phổ thông, luyện thi Tú Tài và các lớp võ tự vệ dành cho học sinh nghèo Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định.
Đầu năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân, Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo đã tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Quản nhiệm hàng chục ngàn đồng bào chạy loạn về các trung tâm tiếp cư tại các trường trung học Sài Gòn tại : quận 5, quận 6 và quận 8, như : Phạm Đình Hổ, Minh Phụng, Khải Tú, Hồng Bàng, Bình Tây v.v. Giúp cho các đồng bào có được chỗ ăn, ở và nhu cầu hàng ngày trong cơn ly loạn cùng cực. Công tác này gây được một tiếng vang rất lớn trong quần chúng.
Đầu năm 1970, võ sư Trần Huy Phong thành lập làng Cộng Đồng Việt Võ Đạo tại xã Tân Tạo, quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định với diện tích trên 3 cây số vuông. Ông cho đào hàng chục cây số hệ thống kinh, thoát nước giải phèn, thành lập trên một ngàn đơn vị gia cư bán trả góp giá rẻ cho Môn sinh và thân hữu, đồng thời ông cùng một số thân hữu thành lập Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Việt Võ Đạo để khai thác nông sản phẩm của khu cộng đồng này. Sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền Việt Nam tịch thu khu gia cư này và biến thành vùng Kinh tế mới Dương Minh Xuân.
Cùng năm 1970, võ sư Trần Huy Phong thành lập Ủy Ban vận động dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương cùng với hàng chục đoàn thể và tổ chức tôn giáo tại miền Nam như : Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, Cao Đài, v.v. Trụ sở được đặt tại Trung tâm Huấn Lluyện Hoa Lư, một tổ chức lớn có tầm cỡ quốc gia. Hàng năm nhân dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương đều được tổ chức tại đây và thường được giới chính quyền đến tham dự như : tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, dân biểu , nghị sĩ, cũng như các đoàn thể tôn giáo, văn hoá, xã hội và các võ phái bạn.
Các đóng góp văn hoá - học đường
Công tác văn hoá tiêu biểu nhất và đồng thời cũng là tâm nguyện của võ sư Trần Huy Phong là việc thành lập Viện Đại học Hùng Vương. Trong đó Vovinam-Việt Võ Đạo sẽ là bộ môn Giáo Dục Tâm Thể. Năm 1974, ông cùng các trí thức miền Nam đương thời như : Ngô Gia Hy, Nguyễn Huy, Hoàng Xuân Định, Nguyễn Trí Văn, Nguyễn Nhã, Lê Linh Thảo, Nguyễn Thượng Nam, Nguyễn Văn Thức, v.v. thành lập Viện Đại học tư thục Hùng Vương. Giấy phép đã được cấp, nhưng không thực hiện được vì miền Nam Việt Nam bị sụp đổ ngày 30-04-1975.
|
Ước vọng này lại được ông khơi động trở lại năm 1991 cùng với các ông : Ngô Gia Hy, Nguyễn Chung Tú, Phan Tấn chức, Nguyễn Nhã, Hà Bính Thân... và đến năm 1993 thì ước vọng được toại nguyện. Ngày 03-11-1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp giấy phép (Quyết định 2395/QĐ-TCCB) cho phép thành lập Viện Đại học Dân lập Hùng Vương, trụ sở được đặt tại biệt thự của võ sư Trần Huy Phong, số 97 đường Hoàng Văn Thụ - Sài Gòn.
Viện Đại học Hùng Vương trong bước đầu có 3 phân khoa, gồm : Tin học, Y khoa và Quản trị. Riêng khoa Giáo Dục Tâm Thể Vovinam-Việt Võ Đạo, tuy giáo trình đã được soạn thảo, nhưng không phát triển được vì sau đó võ sư Trần Huy Phong lâm bệnh hiểm nghèo phải bỏ dở công trình qua Pháp điều trị. Tháng 12-1997, ông qua đời và mang theo ước vọng đại học hóa nền võ học Việt Nam (vì thiếu người có khả năng tiếp tục công trình của ông). Tuy nhiên Đại học Hùng Vương vẫn tiếp tục sinh hoạt và hàng năm đã đào tạo hàng trăm sinh viên, góp công cho sự nghiệp văn hoá Việt Nam.
Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư 1973Võ sư Phan Quỳnh, Trần Huy Phong, Gs. Phan Hoàng và ông Bùi Thế Thông |
Bước đầu phát triển quốc tế
Năm 1973, ông nhiệm chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo, kiêm Chủ tịch văn phòng phát triển Quốc tế (VietVoDao International Central Office). Với vai trò này ông là người đã đặt viên đá đầu tiên phát triển Vovinam-VVĐ tại hải ngoại, qua việc tổ chức các khoá đặc huấn (1973, 1974) và công nhận Liên đoàn Việt Võ Đạo Pháp (Fédération Française de Viet Vo Dao – Gs Phan Hoàng), đồng thời chính thức bổ nhiệm hai Huấn luyên viên (Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Thị Huệ), đặc trách phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo Âu Châu. Bắt đầu từ đó Vovinam-Việt Võ Đạo đã được truyền dậy khắp Âu Châu và Phi Châu.
Võ sư Trần Huy Phong trong những năm đen tối 1975-1990
Năm 1975, tình hình đất nước thay đổi, Môn phái vovinam-Việt Võ Đạo bị nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam giải tán và cấm hoạt động trong vòng 15 năm (1975-1990). Trong gia đoạn này, ông cũng như võ sư Chưởng môn Lê Sáng và các võ sư lãnh đạo, đều bị giải đi học tập cải tạo nhiều năm.
Khi được tự do, thầy vẫn tiếp tục công việc huấn luyện và đào tạo môn sinh trong bóng tối và tổ chức đưa hàng trăm võ sư, huấn luyện viên, vượt biên ra hải ngoại tìm tự do và phát triển Môn phái. Chính nhờ thế mà ngày nay, Môn phái đã có rất nhiều các võ sư cao cấp hiện đang lãnh đạo và tiếp tục phát huy Vovinam-Việt Võ Đạo tại các quốc gia như : Hoa Kỳ, Canada, Australia và Âu Châu.
Năm 1986, ông lãnh nhận sứ vụ Chưởng môn đời thứ ba của Môn phái, nhưng đến năm 1990, ông trao lại chức vụ Chưởng môn cho vị tiền nhiệm của mình, võ sư Lê Sáng, để dành thời gian nghiên cứu võ công.
Năm 1992, ông xây dựng Võ Đạo Quán Cây Tre làm trung tâm huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo tư nhân đầu tiên sau 15 năm cấm đoán của chính quyền đương thời. Ngoài ra ông cũng là người đã vận động và tổ chức các giải vô địch Vovinam-Việt Võ Đạo toàn thành (1992) và toàn quốc (1993) đầu tiên của Môn phái sau năm 1975.
Võ Đạo Quán Cây Tre 1993 – Võ sư Trần Huy Phong Và phái đoàn của Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Pháp |
Võ sư Trần Huy Phong lâm trọng bệnh
Năm 1994, võ sư Trần Huy Phong lâm bệnh nan y. Ông được em là võ sư Trần Nguyên Đạo đưa sang Pháp điều trị. Dù bị những cơn đau đớn hành hạ trong suốt ba năm cuối đời, võ sư Trần Huy Phong vẫn dũng cảm chịu đựng và hoàn tất tác phẩm Cách Mạng Tâm Thân, để lại một gia tài văn hóa quí báu cho Môn phái và cho các hậu sinh.
Đóng góp thành lập hệ thống Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới
Song song với việc mài mẫn viết sách, ông biết rằng không sống được bao lâu nữa ! Và đồng thời ý thức được vị trí quan trọng của mình trên vấn đề tái thành lập cơ quan lãnh đạo trung ương cho Môn phái. Ngày 19-03-1995, ông viết một tâm thư từ bệnh viện Gustave Roussy (Pháp) gửi toàn thể các võ sư trên thế giới, thiết tha kêu gọi các võ sư hãy cùng nhau phá bỏ mọi tị hiềm, mặc cảm, phe phái để cùng kết đoàn tìm kiếm một giải pháp tương lai cho Môn phái.
Lời kêu gọi này gây xúc động mạnh đến toàn thể các võ sư trên thế giới và nhận được hàng trăm bức thư hưởng ứng kêu gọi đến từ khắp năm châu. Sáu tháng sau, ông cùng với các võ sư Niên trưởng [[5]] ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội Đồng Võ Sư Lãnh Đạo Môn Phái ngày 16-09-1995, và ủy nhiệm cho võ sư Trần Nguyên Đạo trách nhiệm tổ chức đại hội võ sư Vovinam Việt Võ Đạo Thế Giới.
Ngày 16, 17 tháng 8 năm 1996 đại hội được nhóm họp tại Paris, Pháp, dưới sự chủ tọa của ông cùng với sự tham gia của tuyệt đại đa số các võ sư trên thế giới. Chính nhờ thế hai cơ quan lãnh đạo trung ương của Môn phái được thành lập và tiếp tục sinh hoạt cho đến ngày nay, đó là :
- Hội đồng Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới
- Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.
Tháng 7 năm 1997 ông trở về Việt Nam sinh hoạt một lần cuối với gia đình và các môn đệ tâm huyết. Ngày 13-12-1997, võ sư Trần Huy Phong qua đời tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước khi ra đi, ông để lại di chúc, nhiều sách quí và tài liệu. Ông dặn dò các môn đệ phải tiếp tục thực hiện hoài bão của ông và đồng thời trao cho võ sư Trần Nguyên Đạo, bổn phận thực hiện di chúc.
Võ sư Trần Huy Phong ra đi, nhưng ông đã để lại nhiều công trình và những đóng góp to lớn cho Môn phái và cho các thế hệ tương lai. Ông đã đào tạo và để lại rất nhiều môn đệ. Ngày nay họ là những người đã và đang tiếp tục công trình cao đẹp của ông. Tiếp tục ghi những nét son lịch sử cho các thế hệ thanh niên, cho nền tinh hoa và nền văn hóa võ thuật Việt Nam.
Hàng năm cứ đến ngày giỗ thầy, các môn đệ nhiều nơi trên thế giới đều tổ chức lễ tưởng niệm dâng hương tỏ lòng thành kính, nhắc nhớ công ơn to lớn và học tập gương sáng của thầy Trần Huy Phong
Nhân cách võ sư Trần Huy Phong
" … Thầy là người tuyệt đối trung thành với Môn phái, mang nặng tình nghĩa sư môn, xử sự đúng mực, ân tình huynh đệ vuông tròn.
Thầy là người thấm nhuần được tinh thần Việt Võ Đạo, thể hiện rõ nét ba nguyên lý sống của Việt Võ Đạo : Sống, để người khác sống và sống cho người khác. Thầy có tinh thần khai phá và dấn thân, có lòng dũng cảm, đảm đương trọng trách, chẳng quản gian nguy. Thầy có đức tự tin vững chắc, mẫn nhuệ, ứng xử kịp thời.
Thầy có nếp sống trong sạch, giản dị, luôn quên mình để phục vụ lý tưởng. Thầy có đủ phong thái, đức độ và ý chí tiến thủ, có trình độ võ học uyên thâm, có kiến thức quảng bác, có năng lực và uy tín lãnh đạo… " (trích Chỉ dụ của võ sư Chưởng môn Lê Sáng – 12/05/1986).
Võ Đạo Quán Cây Tre 1992 – Vs Chưởng môn Trần Huy Phong Trái-Phải : Nguyễn Trung Thành, Vũ Kim Trọng, Trần Nguyên Đạo, Trần Đức Hùng, Mai Văn Hiệp, Ngô Kim Tuyền, Bá Thiên, Phạm Đình Tự, Trương Quang An |
______________________________
Phụ chú 1 : Gia đình võ sư Trần Huy Phong
Võ sư Trần Huy Phong là con thứ tư trong một gia đình gồm bảy anh chị em, theo thứ tự sau đây:
1- Trần Thị Nguyệt (1931-2015).
2- Trần Bản Quế (Bạch Đai Thượng Đẳng).
3- Trần Thế Tùng (trình độ Hoàng đai – 1965).
4- Trần Huy Phong (1938-1997) (Chưởng môn).
5- Trần Huy Quyền (1945-2001) (Bạch Đai Thượng Đẳng).
6- Trần Thiện Cơ (Hoàng đai – 1971).
7- Trần Nguyên Đạo (Bạch Đai Thượng Đẳng).
Phụ chú 2 : Hậu duệ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Gia tộc họ Trần vốn định cư nhiều đời tại tỉnh Nam Định, miền bắc Việt Nam. Có truyền thống lập Từ Đường (lập đền thờ gia tộc) và viết gia phả. Khi gia tộc quá đông thì được chia thành từng CHI, mỗi CHI bao gồm nhiều thế hệ và mỗi thế hệ đều có bổn phận viết gia phả nối tiếp cho các thế hệ sau.
Chính vì thế gia tộc họ Trần có rất nhiều gia phả và nhiều CHI. Được viết tùy theo CHI của mỗi gia đình và nếu muốn tìm tông tích hoặc vị trí trong gia đình thì phải so sánh giữa CHI đời trước và CHI đời sau.
Riêng CHI họ Trần của võ sư Trần Huy Phong, thuộc về CHI của cụ Trần Thiên Táng (húy là Trần Quốc Ninh) cháu đời thứ 16 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và cháu đời thứ năm của tổ Trần Vu.
Gia phả CHI này được viết bởi ông Trần Văn Gia, vốn là Giám Sát Ngự Sử triều vua Tự Đức (1847-1883), năm thứ 36. Gia phả được viết bằng chữ Hán-Nôm và có tên là Trần Tông Ngọc Phả. Bao gồm từ đời thứ nhất (Trần Quốc Tuấn) đến đời thứ 16 (Trần Quốc Ninh). Sau đó được các con cháu tiếp tục bổ túc theo thời gian, từ đời thứ 17 đến các đời sau.
Hiện nay bản chính Trần Tông Ngọc Phả được bảo trì bởi ông Trần Quốc Hoàn (cháu đích tôn đời thứ 29 – Cháu ruột gọi võ sư Trần Huy Phong bằng ông), hiện đang sinh sống tại Hà Nội Việt Nam. Chính nhờ truyền thống viết gia phả này, võ sư Trần Huy Phong mới định được vị trí là cháu đời thứ 27 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Năm 1993, nhân dịp về thăm quê tổ tại Nam Định, võ sư Trần Nguyên Đạo được các anh là Trần Bản Quế, Trần Huy Phong và cháu đích tôn là Trần Ngọc Giá (cha của Trần Quốc Hoàn gọi võ sư Trần Huy Phong bằng chú) hướng dẫn về thăm các Từ Đường, các Mộ Tổ và khảo cứu các gia phả. Nhờ vậy ông đã sưu tầm được một số bản sao và thành lập một CHI mới tại Hải ngoại, tiếp tục truyền thống viết gia phả từ đời thứ 27 trở xuống và có nguyện vọng viết lại toàn bộ gia phả từ đời một (1230) đến các đời ngày nay.
Phụ chú 3 : Chức vụ Chưởng môn.
Chức vụ Chưởng môn được chính thức thành lập năm 1964, cùng kế hoạch pháp lý hoá Môn phái theo bản qui lệ 1964. Vào thời điểm đó, võ sư Lê Sáng là người lớn tuổi nhất (44 tuổi), nên được các võ sư Ban chấp hành Trung ương bầu vào chức vụ Chưởng môn. Trong thời kỳ võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc còn sinh tiền (1938-1960) và thời kỳ võ sư Trần Huy Phong thay thế Sáng tổ lãnh đạo Môn phái và hoạt động trong cấm đoán (1960-1964), chức vụ Chưởng môn chưa có. Riêng võ sư Nguyễn Lộc, ông thường dùng chức danh "Võ sư sáng lập".
Khi chức vụ Chưởng môn được thành lập năm 1964, thì được giới thiệu là võ sư Chưởng môn "đời thứ hai", với ngụ ý không muốn mọi người lầm lẫn giữa võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc và võ sư Lê Sáng, chứ trong Môn phái không có chức vụ "Chưởng môn đời thứ nhất".
Phụ chú 4 : Ban chấp hành Trung ương
Ban này có nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý và điều hành mọi sinh hoạt của Môn phái, chứ không do Chưởng môn toàn quyền lãnh đạo như mọi người sau này thường lầm lẫn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Môn phái, sau 26 năm hiện hữu (1938-1964), Vovinam-Việt Võ Đạo được tổ chức theo phương thức tập thể lãnh đạo bằng những qui chế hiện đại như : bầu cử và biểu quyết theo đa số, sinh hoạt theo pháp quyền và phân quyền hạ tầng cơ sở …
Ban Chấp hành Trung ương 1964 Từ trái qua phải các võ sư : Ngô Hữu Liễn, Phan Quỳnh, Nguyễn Văn Thư, Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thông và Trần Bản Quế |
Danh sách các thành viên đầu tiên của Ban Chấp Hành Trung Ương :
Chức vụ |
Tên |
Chưởng Môn |
Lê Sáng |
Phụ tá chưởng môn, kiêm trưởng Ban Nghiên Kế |
Trần Huy Phong |
Trưởng Ban Ngoại Giao |
Mạnh Hoàng |
Trưởng Ban Pháp Lý |
Ngô Hữu Liễn |
Trưởng Ban Phối Kiểm |
Nguyễn Văn Thư |
Trưởng Ban Tổ Chức Khánh Tiết |
Trần Bản Quế |
Thủ quỹ |
Nguyễn Văn Cường |
Thư ký thường trực |
Phan Quỳnh |
Trưởng Ban Tài Chánh |
Nguyễn Văn Thông |
Ban huấn luyện |
Trưởng Ban : Trần Huy Phong. Thành viên : Nguyễn Văn Thư, Trần Thế Phượng, Trịnh Ngọc Minh, Trần Đức Hợp, Nguyễn Văn Thông |
Ủy viên |
Nguyễn Hữu Nhạc |
Phụ chú 5 : Phong trào võ thuật học đường
Năm 1965, giáo sư Trần Ngọc Ninh, Tổng trưởng Bộ Giáo dục, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Miền Nam Việt Nam), nhân chuyến thăm viếng Nam Triều Tiên, nhận thấy các trường trung học và quân đội Triều Tiên đều tập môn Thái Cực Đạo (Taekwondo), một bộ môn được đặc biệt nâng cao lên hàng quốc võ.
Khi trở về nước, ông có ý đưa võ thuật vào học đường để phát huy tinh thần lành mạnh và tính quật cường cho giới trẻ Việt Nam. Nhân dịp này, võ sư Mạnh Hoàng với tư cách là Trưởng ban Ngoại giao của Môn phái đã khéo léo liên hệ và thành công trong việc đưa Vovinam-Việt Võ Đạo trở thành một trong ba bộ môn được Bộ Giáo dục chọn lựa để đưa vào học đường.
Chương trình võ thuật học đường của Bộ Giáo dục, trong giai đoạn đầu, chọn năm trường trung học nổi tiếng nhất Sài Gòn làm thí điểm, đó là các trường : Chu Văn An, Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Trưng Vương và Cao Thắng. Vào thời điểm đó, võ sư Mạnh Hoàng và Trần Huy Phong vốn là giáo sư tại các trường Trung học Sài Gòn, thường giao lưu và quen biết các giáo giới nên đã tức thời xin giấy phép biểu diễn chiêu sinh tại các trường trung học nói trên.
Sau đó các cuộc biểu diễn rầm rộ được võ sư Trần Huy Phong hướng dẫn và đích thân điều khiển chương trình. Nhờ thế Vovinam-Việt Võ Đạo đã chinh phục được sự hâm mộ và khơi động tinh thần chuộng võ của các học sinh. Liên tiếp hàng trăm lớp võ được khai giảng và chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 8.000 học sinh ghi danh tập huấn Vovinam-Việt Võ Đạo.
Các nam môn sinh trường Trung học Pétrus Ký - 1966 |
Các môn sinh trường nữ Trung học Gia Long - 1966 |
-
Phụ chú 6 : Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư
Các võ sư xuất thân từ trung tâm này, có thể kể đến :
- Việt Nam : Vũ Kim Trọng, Nguyễn Văn Chi, Mai Văn Hiệp, Trần Đức Hùng, Khâu Thanh Danh, Hoàng Việt Quý, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Vang, Nguyễn Văn Khải, Lê Văn Thuyết, Lê Hoàng Ngân, Tô Văn Thiện, Trần Quyền, Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Thơ, Phạm Công Đệ v.v.
- Hoa Kỳ : Phùng Mạnh Tâm, Nguyễn Xuân Ngọc, Phạm Đình Phúc, Trần Văn Bé, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Tiến Hoá, Phạm Văn Bảo, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Phú Thành, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Quân [[1]], Nguyễn Chính [[2]], Tạ Văn Lương Việt, Bùi Khắc Hùng, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Thế Tài, Thái Thanh Xuân, Lê Quang Liêm, Nguyễn Bá Dương, Phạm Thị Cúc, v.v.
- Gia Nã Đại : Trần Văn Trung, Phạm Đình Tự, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Minh Thiền, Huỳnh Lâm, Lê Hữu Phước, Khúc Thị Ngọc Hậu, v.v.
- Âu Châu : Trần Nguyên Đạo, Nguyễn Điện, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Tiến Hội, Sudorruslan Mohamet, v.v.
- Úc Châu : Trần Huy Quyền, Lê Công Danh, Phạm Thị Loan, Lê Thành Nhân, Trần Thiện Cơ, Trần Quang Sơn, v.v.
Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư - 1970
|
[1] : Hiệp định Genève được ký ngày 20-07-1954, kết thúc chiến tranh Đông Dương giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam chia thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc chế độ Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, miền Nam chế độ Quân Chủ Cộng Hoà dưới sự lãnh đạo của vua Bảo Đại. Hiệp định này được ký kết dưới sự bảo trợ của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các quốc gia : Liên Xô (Molotov), Hoa Kỳ (John Foster Dulles), Trung Quốc (Chu Ân Lai) và Anh Quốc (Anthony Eden).
[2] : Vàothời điểm 1960-1964, Môn phái bị chính phủ Ngô Đình Diệm cấm đoán, do bởi năm 1960 có cuộc đảo chính không thành công, trong đó có các ông Phạm Lợi (Judo) và Tám Kiểng (Võ Cổ Truyền), nên tất cả các phái võ đều bị vạ lây. Riêng võ sư Trần Huy Phong vẫn tiếp tục phát triển Môn phái trong bí mật.
[3] : Đây là lần thứ hai, Vs Lê Sáng đình chỉ sinh hoạt Môn phái trong vòng 4 năm (1960-1964) cùng với ông Nguyễn Hải (em Vs Nguyễn Lộc) buôn gỗ và trồng vườn cao xu (theo hồi ký Vs Lê Sáng, 2001).
Conseil Mondial des Maîtres
© Fédération Mondiale de Vovinam-Việt Võ Đạo