Lược sử cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (1920 - 2010)
Lược sử cố võ sư
Chưởng môn Lê Sáng
(1920-2010)
- Nhiệm lãnh trọng trách Chưởng môn từ năm 1964 đến 1986 và từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời (2020).
- Môn đệ trực tiếp của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc năm 1940.
- Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới (2002-2004).
Sinh thời
Vs. Chưởng môn Lê Sáng, hình chụp năm 1988, sau 13 năm học tập cải tạo |
Ông Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 tại Hà Nội, Việt Nam. Thân phụ, Cụ Lê Văn Hiển, tên hoiệu là Đức Quang (1887-1959) và cụ bà Nguyễn Thị Mùi (1887-1993), Ông là trưởng nam trong một gia đình có hai em gái, cô Lê Thị Xuất và Lê Thị Dư (cô Hương).
Ông trưởng thành một gia đình có nề nếp Nho giáo phía nội và Công giáo phía ngoại. Cá nhân ông chưa bao giờ lập gia đình vì ông muốn cống hiến cả cuộc đời cho Môn phái.
Năm 19 tuổi (1939), qua một cơn bạo bịnh ông tê liệt nửa người và sau một năm chữa trị, ông phục hồi sức khoẻ nhưng vẫn không đi đứng bình thường. Theo lời khuyên của gia đình ông tìm thầy học võ. Duyên may đưa ông đến tập Vovinam cùng với hai bạn là Đặng Bảy và Đặng Bỉnh tại trường Sư phạm Hà Nội [[1]] do võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc (1912-1960) giảng huấn.
Hà Nội 1992, đoàn tụ với các Đồng môn sau 38 năm xa cách (1954-1992) T/P : Phan Dương Bình, Lê Sáng, Nguyễn Mỹ, Trịnh Cự Quí, Đặng Văn Bảy |
Ông vốn có thể lực cường tráng, có tính chuyên cần và trí thông minh đặc biệt nên đã nhanh chóng lấy lại sức khoẻ và tiến bộ một cách vượt bực.
Chính nhờ sự siêng năng và tài năng này, 5 năm sau, 1945, ông được võ sư Nguyễn Lộc cử tham gia huấn luyện cùng với các đàn anh như Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Khải và Nguyễn Bích tại sân Bắc Qua [[2]], nhà Đấu Sảo [[3]], sân Quần Ngựa [[4]]… trong nội thành Hà Nội. Từ đó, ông thường theo chân võ sư Sáng tổ huấn luyện tại nhiều nơi như : Hải Phòng, Thạch Thất (Sơn Tây), Phú Thọ, Chuế Lưu, Đan Hà, Đan Thượng, Me Đồi, Phát Diệm… Đến năm 1948 vì chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954) [[5]] lan rộng, ông tạm ngưng sinh hoạt Vovinam và quay ra sinh hoạt kinh tế (xem phụ chú 1). Tuy nhiên ông vẫn thường xuyên liên lạc và hỗ trợ mỗi lần võ sư Nguyễn Lộc cần đến ông.
Theo sáng tổ vào Nam
Tháng 7/1954, sau Hiệp định Genève được ký kết [[6]], võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc di cư vào Nam cùng với một số môn đệ tâm huyết.Vài tháng sau, ông khai giảng võ đường Vovinam đầu tiên tại số 55 đường Thủ Khoa Huân cùng với sự phụ tá của võ sư Phan Dương Bình. Riêng võ sư Lê Sáng cũng theo chân sáng tổ vào Nam nhưng sau một tháng, 8/1954, ngay sau đó ông đã liên lạc với võ sư Nguyễn Lộc và thỉnh thoảng đến phụ tá giảng huấn. Sau này ông đến giảng dậy thường xuyên, thay thế võ sư Phan Dương Bình, phải trở về miền Bắc vì việc gia đình.
Thủ Đức 1955 Trước cổng Trung tâm Huấn luyện Hiến binh Quốc gia. Trái phải : Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Lê Sáng, Nguyễn Lộc, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Cao Hách, Nguyễn Dần |
Năm 1957, võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc lâm bệnh, ông cho phép các môn đệ được quyền mở các lớp võ riêng cho mình. Ngoài ra các võ đường đã được ông khai giảng thì ông ủy thác cho các võ sư Lê Sáng và Trần Huy Phong thay ông tiếp tục huấn luyện. Riêng võ sư Lê Sáng, vào thời điểm này ông tạm ngưng tất cả các sinh hoạt kinh tế và tập trung mọi nỗ lực vào công việc giảng huấn Vovinam.
Ngày 30 tháng 04 năm 1960, võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc mất tại Sài Gòn và an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Ông qua đời nhưng không để lại di chúc và cũng không chỉ định người thay thế. Võ sư Lê sáng với tư cách là huynh trưởng cao niên nhất so với các võ sư đương thời, nên có chức danh là « võ sư Trưởng ».
Nhưng không may, ngày 11 tháng 11 năm 1960, có cuộc đảo chánh không thành công, trong đó có sự tham gia của một số nhân vật trong làng võ, tiêu biểu nhất là ông Phạm Lợi (Nhu Đạo) và ông Tám Kiểng (Võ Cổ Truyền). Kết quả, tất cả các võ phái tại miền Nam Việt Nam đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cấm hoạt động.
Sài Gòn 1990. Võ sư Chưởng môn Lê Sáng Và v sư Trần Nguyên Đạo |
Võ sư Lê Sáng một mặt vì các võ đường bị thu hồi giấy phép hoạt động, thứ đến vì vấn đề kinh tế đòi hỏi nên ông quyết định đình chỉ mọi sinh hoạt Vovinam-Việt Võ Đạo cùng với người em của cố võ sư Nguyễn Lộc là ông Nguyễn Hải lên tỉnh Quảng Đức khai thác gỗ và lập đồn điền cao su trong bốn năm (1961-1964).
Vào thời điểm đen tối này, sư đệ của ông là võ sư Trần Huy Phong, vẫn bí mật tiếp tục mở võ đường và phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo trong bóng tối. Cuối năm 1963, cuộc đảo chánh lần thứ hai thành công. Tất cả các võ phái được phép hoạt động trở lại.
Chưởng Môn
Riêng võ sư Lê Sáng, vì công việc khai thác gỗ và mở đồn điền tại Quảng Đức gặp trở ngại, ông trở về Sài Gòn vào tháng 4 năm 1964. Hay tin này, các võ sư lãnh đạo đương thời liền mời võ sư Lê Sáng hoạt động trở lại. Từ đó, võ sư Lê Sáng nhập cuộc và tiếp tay với các võ sư lãnh đạo đương thời như : Trần Huy Phong, Phùng Mạnh Chữ (Mạnh Hoàng), Nguyễn Văn Thư, Trần Đức Hợp, Ngô Hữu Liễn, Phan Quỳnh, Trần Bản Quế, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thông… thiết lập một chương trình pháp lý hóa cho Môn phái, đồng thời đưa ra một dự án phát triển vĩ mô trên toàn quốc, cho ra đời một chương trình sinh hoạt và mở ra một kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo (1964-1975). Cũng trong thời điểm này chức vụ Chưởng môn được chính thức thành lập (xem phụ chú 2) và võ sư Lê Sáng được Ban chấp hành Trung ương (Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên năm 1964) (xem phụ chú 3) biểu quyết đề cử nhiệm lãnh chức vụ này.
Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương(Tổ đường)
Cổng ngang, Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương, 1968 |
Năm 1968, võ sư Lê Sáng mua một căn nhà tại số 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Sài Gòn và thành lập Trung tâm Vovinam-Việt Võ Đạo Hùng Vương. Tầng chệt dùng làm văn phòng và nhà ở, tầng trên dùng làm phòng tập đồng thời cũng là trụ sở của Tổng cục Huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo (xem phụ chú 4) cho đến năm 1975. Đa số các môn sinh tập huấn tại trung tâm Vĩnh Viễn đều được chuyển về đây.
Trung tâm này là nơi đã đào tạo rất nhiều võ sư, huấn luyện viên danh tiếng của Môn phái, gồm các võ sư sau đây:
- Việt Nam : Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Anh Dũng, Lưu Thăng, Nguyễn Tôn Khoa, Nguyễn Chánh Tứ, Võ Văn Tuấn, Phạm Thành Nam, Trần Văn Mỹ, Trần Văn Nhiêu, Tô Văn Vượng, Thái Quí Hưng…
- Hoa Kỳ : Dương Viết Hùng, Nguyễn Văn Đỏ.
- Đức : Đặng Hữu Hào, Nguyễn Văn Nhàn.
Võ sư Lê Sáng Trong những năm đen tối 1975-1990
Tháng 4 năm 1975, tình hình chính trị tại Việt Nam thay đổi toàn diện. Tất cả các cơ chế và hội đoàn tại miền Nam đều bị giải tán và cấm hoạt động, trong đó Vovinam-Việt Võ Đạo bị cấm trong hơn 15 năm (1975-1990). Võ sư Lê Sáng, cũng như hầu hết các võ sư trong Môn phái, bị bắt đi học tập cải tạo trong hơn 13 năm (1975-1988). Ban đầu ông bị giam tại nhà tù Chí Hòa, Sài Gòn 3 năm [[7]], sau đó phải di chuyển đến nhiều trại khác và trại cuối cùng là trại Xuân Lộc K3, Đồng Nai, miền Nam.
Năm 1986, khi võ sư Lê Sáng vẫn còn trong trại cải tạo, ông nghĩ rằng mình đã quá già và không còn hy vọng được thả tự do. Ông quyết định trao lại trọng trách Chưởng môn cho võ sư Trần Huy Phong.
Quyết định này được diễn ra trong cuộc thăm nuôi [[8]] các tù nhân tại trại cải tạo K3, Xuân Lộc, ngày 12 tháng 5 năm 1986. Võ sư Lê Sáng chính thức tuyên bố trao chức vụ Chưởng môn cho võ sư Trần Huy Phong trước sự chứng kiến của các võ sư : Ngô Kim Tuyền, Vũ Kim Trọng, Nguyễn Văn Sen và Nguyễn Văn Chiếu.
Năm 1988, sau khi võ sư Lê Sáng được trả tự do vài tuần, ông đã chính thức hóa quyết định này bằng một "Chỉ dụ" viết tay và thông báo cho tất cả các võ sư trên thế giới. Nhưng 6 tháng sau cùng năm, võ sư Trần Huy Phong lại bị bắt và bị kết án 2 năm tù [[9]] vì đã giúp các võ sư và huấn luyện viên Vovinam-Việt Võ Đạo vượt biên ra nước ngoài tìm tự do và phát triển Môn phái tại Hải ngoại.
Khi võ sư Trần Huy Phong được trả tự do (31/8/1990), ông nhận thấy Võ sư Lê Sáng vẫn còn nhiệt huyết và không có ý định từ bỏ vị thế lãnh đạo Môn phái. Nên ngày 28 tháng 9 năm 1990, trong văn thư thỉnh nguyện, võ sư Trần Huy Phong quyết định trao lại chức vụ Chưởng môn cho võ sư Lê Sáng và lui về nghiên cứu võ thuật và võ đạo.
Võ sư Lê Sáng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới Trong hệ thống Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới
Cuộc họp bất thường, Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, USA, 2002 Trái/phải : Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Dần, Lê Sáng, Ngô Hữu Liễn, Lê Trọng Hiệp, Phan Quỳnh |
Năm 2002, nhân dịp võ sư Chưởng Môn Lê Sáng sang thăm viếng California, Hoa Kỳ. Võ sư Nguyễn Văn Cường, Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới (nhiệm kỳ 1996-2004), nhân cơ hội này đã triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng vào ngày 4 tháng 2 năm 2002, cùng các võ sư thành viên của Hội đồng, gồm: Nguyễn Dần (bào đệ của võ sư Sáng tổ), Lê Văn Phúc, Ngô Hữu Liễn, Nguyễn Văn Cường, Lê Trọng Hiệp, Phan Quỳnh và võ sư Chưởng Môn Lê Sáng. Khởi đầu là những xúc động giữa các võ sư của Ban chấp hành Trung ương được thành lập đầu tiên năm 1964, sau đó là tình anh-em tìm lại sau hơn 27 năm bị ngăn cách (1975-2002).
Trong cuộc họp đặc biệt này, các võ sư đã lấy một số quyết định quan trọng, trong đó có việc công nhận và phục hồi Bạch Đai Thượng Đẳng đã được biểu quyết nhân Đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới lần thứ 2 tại Paris năm 1996, cũng như khẳng định việc võ sư Lê Sáng vào chức vị Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới (xem phụ chú 5).
Các đóng góp của võ sư Lê Sáng
Với tư cách Chưởng môn, võ sư Lê Sáng đã bổ xung các kỹ thuật cùng một số lý thuyết Võ Đạo cho Môn phái như sau :
Về phương diện võ thuật
- Các thế Chiến Lược từ số 21 đến 30.
- Các thế Vật từ số 16 đến 28.
- Sưu tầm và nghiên cứu các bài quyền như : Long Hổ, Lão Mai, Lưỡng Nghi Kiếm Pháp và Tứ Tượng Côn Pháp, Nhật-Nguyệt Đại đao quyền pháp.
Về phương diện lý thuyết Võ Đạo
Võ sư Lê Sáng là người chủ trương và thực hiện các đặc san từ năm 1966 đến 1975. Tiêu biểu nhất là 10 đặc san đã được xuất bản và phổ biến rộng rãi trong Môn phái. Nội dung các đặc san bao gồm những bài tham luận, khảo cứu, lý thuyết võ đạo v.v. do các ngòi bút danh tiếng của Môn phái như : Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Lê Văn Phúc, Phan Quỳnh, Ngô Hữu Liễn, Trịnh Ngọc Minh… Ngoài ra còn có rất nhiều bài vở như : kịch, thơ, truyện, hồi ký v.v. được tuyển lựa qua các đóng góp của các môn sinh và huấn luyện viên đương thời.
- Việt Võ Đạo với thế hệ thanh niên hiện đại (1966).
- Việt Võ Đạo Nhập Môn (25-12-1969)
- Việt Võ Đạo Cương Yếu (11-03-1970)
- Bão Trẻ, đặc san mùa thu (1970)
- Đặc san mùa xuân khai phá (Tân hợi 1971)
- Vũ Trụ Quan-Nhân Sinh Quan (01-04-1971)
- Vovinam-Việt Võ Đạo Cương Yếu (28-05-1971)
- Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân Cương Yếu (25-11-1973)
- Nhớ Nguồn (1973)
- Việt Võ Đạo với các thế hệ thanh niên hiện đại (11-01-1975)
Nhân cách võ sư Lê Sáng
Trích bài của võ sư Nguyễn Hồng Tâm (VN)
Ông là « … người môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo không chỉ rèn luyện, vượt thắng sự hèn yếu của tâm hồn và thể xác, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của Môn phái, của xã hội…
Không chỉ thế, ông còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của Vovinam-Việt Võ Đạo ngày thêm đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn mới - giai đoạn Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp hồi năm 1973…
Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương (Tổ đường), Saigon, 2007 Vs. Trần Nguyên Đạo, đệ trình sách "Lịch sử Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, Quyển I, 1912-1975", lên võ sư Chưởng môn Lê Sáng. |
Chẳng những giỏi võ, có khả năng kinh doanh và năng lực lãnh đạo tốt, Chưởng môn Lê Sáng còn là một con người tài hoa. Bằng những nét chữ bay bướm, ông thường sáng tác nhiều bài thơ tràn đầy cảm xúc sâu lắng và tinh thần thượng võ. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Trong đời thường, ông sống ung dung, giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và cư xử chân tình với những người chung quanh. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và dung thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo …
Tổ đường, Sài gòn 1990. Vs Lê Sáng, tiếp phái đoàn Quốc tế đầu tiên về thăm viếng Môn phái sau năm 1975. Nguyễn Văn Sen (1), Nguyễn Văn Chiếu (2), Ngô Kim Tuyền (3), Mai Văn Hiệp (4), Trần Bản Quế (5), Lê Sáng (6), Phan Dương Bình (7), Trần Nguyên Đạo (8), Nguyễn Phi Long (9), Nguyễn Thế Trường (10) |
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Chưởng môn Lê Sáng đã ra đi vĩnh viễn vào lúc 3 giờ ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần, hưởng thọ 91 tuổi (tuổi ta). Sự ra đi của Chưởng môn Lê Sáng là một tổn thất đối với nền võ thuật và võ đạo và là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với toàn thể môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo trên khắp thế giới ».
Phụ chú 1: Võ sư Lê Sáng đình chỉ hoạt động Vovinam.
Nguồn: "Hồi ký Lê Sáng, Chưởng môn Vovinam-Việt Võ Đạo", Copyrico thực hiện, 2001, trang 32 đến 39.
Thời điểm đình chỉ đầu tiên là từ năm 1948 đến năm 1954, trong vòng 6 năm. Trong khoảng thời gian này là giữa lúc võ sư Nguyễn Lộc rời Bùi Chu-Phát Diệm trở về Hà Nội (1948) cho đến khi di cư vào Nam (1954). Trong sáu năm này, võ sư Lê Sáng trở lại nghề cũ là đóng giày. Sau hai năm làm công (1948-1949), ông tiết kiệm và có đủ vốn để cộng tác với bạn là ông Đặng Bảy cùng mở hiệu giày "Phi Điệp", ở 14-18, phố Hàng Quạt, Hà Nội (1949-1953), sau đó đổi qua làm nhà in với ông Đặng Bỉnh từ năm 1953 đến năm 1954 (6 tháng).
Giai đoạn đình chỉ lần thứ hai, khi ông mới di cư vào Nam, trong 2 năm, từ năm 1956 đến năm 1957 vì lý do kinh tế. Lần này, ông buôn pháo ở Xóm Mới, Gò Vấp và lập tiệm sách cho thuê ở Chợ Lớn.
Vs Lê Sáng đến thăm ông Nguyễn Hải, New-Orleans, Usa, 2002. Trái/phải : Nguyễn Dần, Ngô Hữu Liễn, Lê Văn Phúc, Nguyễn Hải, Lê Sáng |
Thời điểm đình chỉ lần thứ ba, kéo dài 4 năm, từ năm 1961 đến năm 1964, trong thời kỳ Vovinam-Việt Võ Đạo bị chính phủ Ngô Đình Diệm cấm đoán. Ông lên Quảng Đức (Ban Mê Thuột) buôn gỗ, lập đồn điền cao su với ông Nguyễn Hải (19xx-2020), em trai của võ sư Nguyễn Lộc.
Cuối cùng, thời điểm đình chỉ lần thứ tư và cũng là lâu nhất và ngoài ý muốn. Ông bị giải đi học tập cải tạo trong hơn 13 năm, từ 1975 đến 1988. Đồng thời, trong giai đoạn này Vovinam-Việt Võ Đạo bị nhà nước Việt Nam giải tán và cấm hoạt động (1975-1990).
Phụ chú 2 : Chức vụ Chưởng môn.
Trong thời kỳ võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc còn sinh tiền (1938-1960) và thời kỳ võ sư Trần Huy Phong thay thế Sáng tổ lãnh đạo Môn phái và hoạt động trong cấm đoán (1960-1964), chức vụ Chưởng môn chưa có trong Môn phái. Riêng võ sư Nguyễn Lộc, ông thường dùng chức danh "Võ sư sáng lập".
Chức vụ Chưởng môn được chính thức thành lập năm 1964, cùng tiến trình pháp lý hoá Môn phái theo bản qui lệ 1964. Vào thời điểm đó, võ sư Lê Sáng là người lớn tuổi nhất (44 tuổi), nên được các võ sư Ban chấp hành Trung ương bầu vào chức vụ Chưởng môn.
Phụ chú 3 : Ban Chấp hành Trung ương 1964
Hội đồng Võ sư đầu tiên của Môn phái năm 1964
Ban chấp hành Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý và điều hành mọi sinh hoạt của Môn phái, chứ không do Chưởng môn toàn quyền lãnh đạo như mọi người sau này thường lầm lẫn.
Ban Chấp hành Trung ương 1964 Từ trái qua phải các võ sư : Ngô Hữu Liễn, Phan Quỳnh, Nguyễn Văn Thư, Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thông và Trần Bản Quế |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Môn phái, sau 26 năm hiện hữu (1938-1964), Vovinam-Việt Võ Đạo được tổ chức theo phương thức tập thể lãnh đạo, tương tự như một Liên đoàn Quốc gia cùng với những qui chế hiện đại như : bầu cử, biểu quyết theo đa số, sinh hoạt theo pháp quyền và phân quyền hạ tầng cơ sở.
Danh sách các thành viên đầu tiên của Ban Chấp Hành Trung Ương gồm :
Chức vụ |
Tên |
Chưởng Môn |
Lê Sáng |
Phụ tá chưởng môn, kiêm trưởng Ban Nghiên Kế |
Trần Huy Phong |
Trưởng Ban Ngoại Giao |
Mạnh Hoàng |
Trưởng Ban Pháp Lý |
Ngô Hữu Liễn |
Trưởng Ban Phối Kiểm |
Nguyễn Văn Thư |
Trưởng Ban Tổ Chức Khánh Tiết |
Trần Bản Quế |
Thủ quỹ |
Nguyễn Văn Cường |
Thư ký thường trực |
Phan Quỳnh |
Trưởng Ban Tài Chánh |
Nguyễn Văn Thông |
Ban huấn luyện |
Trưởng Ban : Trần Huy Phong. Thành viên : Nguyễn Văn Thư, Trần Thế Phượng, Trịnh Ngọc Minh, Trần Đức Hợp, Nguyễn Văn Thông |
Ủy viên |
Nguyễn Hữu Nhạc |
Phụ chú 4: Hệ thống tổ chức Vovinam-Việt Võ Đạo Trong các năm 1967-1975.
Sau 3 năm sinh hoạt cao độ (1964-1967), nhu cầu phát triển của Môn phái ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp. Chính vì thế hệ thống tổ chức của Môn phái đã được sửa đổi theo nguyên tắc tản quyền nhằm đáp ứng theo nhu cầu mới của Môn phái : Ban Chấp hành Trung ương trước đây (hay Hội đồng Võ sư) trở thành Ban lãnh đạo của Môn phái do võ sư Chưởng môn làm Chủ tịch.
Theo đường hướng mới này, Môn phái được chia thành ba tổ chức như sau : Tổng cục huấn luyện, Tổng đoàn thanh niên và Tổng hội Vovinam. Mỗi tổ chức đều có Ban chấp hành riêng và tư cách pháp nhân riêng.
- Tổng cục huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo : là cơ quan có trách nhiệm đào tạo và phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Được võ sư Lê Sáng lãnh đạo từ năm 1967 đến năm 1973, sau đó là võ sư Trần Huy Phong từ năm 1973 đến năm 1975.
- Tổng đoàn thanh niên Việt Võ Đạo : là cơ quan có trách nhiệm đào tạo cán bộ cho Môn phái theo tinh thần Việt Võ Sĩ. Tổ chức các hoạt động xã hội và nhân đạo cũng như các hoạt động thanh niên và văn hóa. Được võ sư Trần Huy Phong lãnh đạo từ năm 1967 đến năm 1973, sau đó là võ sư Nguyễn Văn Thông từ năm 1973 đến năm 1975.
- Tổng hội Vovinam : là cơ quan có nhiệm vụ tập hợp tất cả các cựu môn sinh, các nhân sĩ, thân hữu, các cố vấn và các ân nhân của Vovinam-Việt Võ Đạo. Nhằm mục đích phát huy và quảng bá tinh thần Vovinam-Việt Võ Đạo đến mọi tầng lớp xã hội Việt Nam. Được võ sư Nguyễn Văn Thông lãnh đạo từ năm 1967 đến năm 1975.
Phụ chú 5: Võ sư Lê Sáng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.
Sau cuộc họp bất thường của Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới do võ sư Niên trưởng Nguyễn Văn Cường, Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Thế giới, triệu tập vào ngày 04 tháng 02 năm 2002, tại California, Hoa Kỳ. Một bản thông báo đã được công bố để chính thức hóa 3 điểm sau:
- Võ sư Lê Sáng chính thức được đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới.
- Xác nhận của các tổ chức quốc tế đã được thành hình : Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới.
- Xác nhận các quyết định của 3 kỳ đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới (1996, 1998 và 2000). Bao gồm hệ thống đẳng cấp (với Bạch Đai Thượng Đẳng) và các Qui ước Quốc tế.
Dallas, Texas, Usa, 2002 Trái/phải : Nguyễn Văn Lương, Lê Huy Chương, Lê Sáng, Ngô Hữu Liễn |
|
[5]: Còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương, đây là một cuộc chiến tranh vũ trang từ năm 1946 đến năm 1954 giữa Pháp và Việt Minh. Cuộc chiến được kết thúc sau khi quân đội Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève được ký ngày 20/07/1954 giữa Pháp (George Bidaut, ngoại trưởng) và Việt Nam (Tạ Quang Bửu) cùng với các ngoại trưởng: John Foster Dulles (Hoa Kỳ), Molotov (Liên Xô), Anthony Eden (Vương quốc Anh), Chu Ân Lai (Trung Quốc). Chia Việt Nam thành hai quốc gia đối địch, dùng vĩ tuyến 17 làm biên giới. Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo ; Miền Nam chế độ Quân chủ Cộng hòa do vua Bảo Đại lãnh đạo. Pháp từ bỏ ý đồ thực dân và rút khỏi Đông Dương. Tổng cộng Chiến tranh Đông Dương gồm 500.000 người tử thương.
Hội Đồng Võ Sư Thế Giới
© Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới