Tiểu sử võ sư Niên trưởng Phan Dương Bình (1929-2020)
Tiểu sử võ sư Niên trưởng Phan Dương Bình (1929-2020)
- Bạch đai Thượng đẳng (1996).
- Môn đệ trực tiếp của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc.
- Thành viên sáng lập Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới (1996).
- Phó chủ tịch Thượng Hội đồng Võ sư Thế giới (nhiệm kỳ 2008-2012 và 2012-2016).
- Được Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền (WFVV), đại diện nhà nước và Ủy ban Olympic Việt Nam, ghi nhận quá trình đóng góp đối với nền văn hoá võ thuật Việt Nam và phong tặng danh hiệu Đại võ sư Quốc tế (Thập đẳng quốc tế).
Hà Nội - 1994 Võ sư Phan Dương Bình
|
Võ sư Niên trưởng Phan Dương Bình sinh ngày 10/10/1929 tại Hà Nội, ông vốn là một cao đồ của võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc, nhập môn năm 1948 (năm 19 tuổi), khoá Vovinam mở cho quần chúng tại Phố Hàng Than. Ông bước vào Môn phái cùng thời với võ sư Niên Trưởng Trần Đức Hợp (1931-2000), cùng ngày, cùng khóa tại Phố Hàng Than Hà Nội.
Đặc biệt, ngay từ ngày nhập môn, võ sư Nguyễn Lộc đã nhận thấy võ sư Phan Dương Bình là người có năng khiếu, nên đã kéo về tập riêng tại tư gia của ông tại Phố Hàng Than. Ít lâu sau thì đổi về võ đường Phố Tôn Đả, ông vừa tập vừa làm trợ giáo cho Võ sư Nguyễn Lộc.
Năm 1948, khi võ sư Nguyễn Lộc dời vùng Bùi Chu-Phát Diệm về Hà Nội, võ sư Phan Dương Bình là người đã sát cánh và phụ tá cho ông trong 5 năm khó khăn nhất tại Hà Nội (1949-1954). Cũng trong giai đoạn này Võ sư Lê Sáng đã nghỉ tập và thành lập tiệm giầy Phi Điệp với ông Đặng Bẩy (phố Levacan).
Hà Nội 1948 Trái/Phải : Trần Đức Hợp, Nguyễn Cao Hách, Phan Dương Bình, Nguyễn Lộc, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Dần |
Võ sư Phan Dương Bình là người có ý chí và muốn khôi phục lại Vovinam sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh (chiến tranh Pháp-Việt). Chính vì thế, ông là người đã đứng lớp giảng dạy và khai giảng các võ đường tại Phố Hàng Trống và Phố Tôn Đản (vs Lê Văn Phúc tập ở đây). Ngoài ra ông là người đã đứng ra thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn cùng võ sư Nguyễn Lộc, gây nhộn nhịp một thời qua các lớp võ quần chúng tại trường Hàng Than.
Năm 1954, ông theo võ sư Nguyễn Lộc vào Nam và trợ giáo cho võ sư Sáng tổ tại võ đường Aviateur Gagos - Thủ Khoa Huân. Nhưng sau đó vì vấn đề gia đình ông quay trở lại Miền Bắc năm 1955. Tại Miền Bắc, tuy một mình và gián đoạn liên lạc với Môn phái vì chiến tranh Nam-Bắc, nhưng ông vẫn tiếp tục trao dồi võ công và nghiên cứu nhiều môn võ Trung Hoa. Hiện nay ông là một trong những võ sư chuyên gia về bộ môn Khí Công.
Sài Gòn 1986 Võ sư Trần Huy Phong và Phan Dương Bình, hai vị sáng lập bộ môn "Khi Công" Vovinam-Việt Võ Đạo |
Năm 1985 ông liên lạc được với võ sư Trần Huy Phong, Chưởng môn Vovinam-Việt Võ Đạo đời thứ ba, tại Sàigòn. Năm sau 1996, được sự hỗ trợ của Sở thể dục thể thao Hà Nội (Giám đốc sở, ông Hoàng Vĩnh Giang), ông tổ chức và hướng dẫn một phái đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo miền Bắc vào Nam chính thức liên lạc với Môn phái sau hơn 32 năm gián đoạn (1954-1996). Nhân dịp này, võ sư Trần Huy Phong điều chỉnh ông vào trình độ Hồng đai nhị cấp (Lục đẳng), đến năm 1990, võ sư Chưởng môn Lê Sáng điều chỉnh ông lên trình độ Hồng đai tam cấp (Thất đẳng).
Sàigòn 1986 - Phái đoàn Hà Nội vào Sàigòn lần đầu tiên Nguyễn Bá Dương (1), Vũ Kim Trọng (2), Nguyễn Văn Sen (3), Phan Dương Bình (4), Trần Bản Quế (5), Mai Văn Hiệp (6), Phạm Thị Cúc (7) |
Năm 1995, đáp theo lời kêu gọi của võ sư Trần Huy Phong, ông cùng các võ sư trong Hội đồng Lâm thời Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Hải ngoại, ra Tuyên Cáo chính thức thành lập Hội đồng Võ sư Lãnh đạo Môn phái ngày 16-09-1995. Hội đồng này là tiền thân của Hội đồng Võ sư Thế giới và Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới, được thành lập nhân đại hội Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới lần thứ 2, năm 1996 tại Paris-Pháp. Nhân dịp này, Hội đồng Võ sư Vovinam-VVĐ Thế giới đã biểu quyết tái thiết lập hệ thống Bạch Đai Thượng Đẳng và ông được tân thăng Bạch đai Thượng đẳng (tương đương thập đẳng quốc tế), bởi ông vốn là thành viên Truyền Thống (Nguyên là truyền nhân trực tiếp của võ sư Nguyễn Lộc hoặc là thành viên Ban Chấp hành Trung ương đầu tiên của Môn phái năm 1964).
Kể từ ngày đó, ông tích cực tham gia trên phương diện quốc tế và từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Thượng hội đồng Võ sư Thế giới trong 2 nhiệm kỳ, 2008-2012 và 2012-2016.
Hà Nội 2009 Khoá đặc huấn Quốc tế - Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới |
Khoá trình luận án võ sư quốc tế tại Quốc Tử Giám - Hà nội 2015 Trái/phải : TRAN Antonella, Hà Kim Khánh, TA Jean-Piere, Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Tiến Hội, Phan Dương Bình, Lê Công Danh, Trần Nguyên Đạo, GUERRIB Mai, MIESCH Philippe, Phi Long, GUERRIB Amar, PY Michel Các thí sinh : SENE Abdoulaye (Senegal), MIETHE Didier (Pháp), NASSORI Moussa (Burkina-Faso) |
Hà Nội - 2009, Trao bằng khen thưởng danh dự cho Vs Phan Dương Bình Nhân dịp khoá đăck huấn quốc tế - Hà Nội 2009 Trái/phải, Vs : Phan Dương Bình, Nguyễn Thế Trường |
Ban huấn luyện khoá đặc huấn Quốc tế - Hà Nội - 2015 Trái/phải Vs : Miesch Philippe, Phi Long, Lư Quang Đức, Trần Nguyên Đạo, Trương Quang An, Lê Công Danh và Phan Dương Bình |
Khoá trình luận án võ sư quốc tế tại Quốc Tử Giám - Hà nội 2009 Trao bằng đẳng cấp Trái/phải, Vs : Trần Antonella, Phan Dương Bình |
Bắt đầu từ năm 2009 (80 tuổi), sức khoẻ của võ sư Phan Dương Bình không được như trước, nên ông có ước vọng truyền lại những kiến thức về bộ môn Khí Công mà ông đã nghiên cứu và tích lũy hơn 60 năm qua. Nhưng rất tiếc chưa có ai có khả năng tiếp thu và tiếp tục công trình nghiên cứu cũng như thay ông truyền bá bộ môn này.
Trước đó, trong thập niên 1986-1996, ông có trao đổi và nghiên cứu cùng võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong và Lê Sáng. Và đã đóng góp các bài bản cho Môn phái như : Thất Thập Nhị Bát Thức, các bài Khí Công Quyền và các bài song luyện của bản phái dành cho những người lớn tuổi.
Hình 2003 Đại lão võ sư Phan Dương Bình |
Những bài bản này đã được hai võ sư Trần Huy Phong và Lê Sáng truyền lại cho một số các võ sư và các huấn luyện viên. Trong đó có 5 võ sư được thụ huấn nhiều nhất là võ sư Ngô Kim Tuyền (1947-2019), Nguyễn Chánh Tứ, Trương Quang An, Vũ Kim Trọng và Trần Nguyên Đạo. Chính nhờ thế các bài bản của Môn phái mới được phong phú như ngày hôm nay.
Hình bìa sách Khi Công Vovinam-Việt Võ Đạo |
Nhưng theo ông thì vẫn chưa đầy đủ và chưa đến mức độ mong muốn, vì những bài bản đó chưa được quảng bá rộng rãi cũng như chưa đưa vào chương trình huấn luyện chính thức của Môn phái, nhất là chương trình dành cho giới lớn tuổi.
Tuy rằng trong các năm 1993-1995, võ sư Trần Huy Phong đã lập giáo trình « Tâm Thể Dục », có mục đích đưa vào giảng dạy trong Đại học Hùng Vương. Nhưng rất tiếc, võ sư Phong lâm bệnh nan y nên chương trình dở dang. Ngoài ra những kiến thức của bản phái về phương diện Khí Công vẫn còn ở "phần 1", nghĩa là chưa đi vào nội dung sâu sắc, bởi bộ môn Khí Công, theo ông, có 5 trình độ chứ không chỉ một trình độ như hiện nay.
Chính vì thế ông ngỏ ý và có nguyện vọng truyền lại những kiến thức này cho võ sư Trần Nguyên Đạo. Bởi võ sư Đạo là người có đủ khả năng và đủ tư cách để tiếp tục công trình võ học này. Ngoài ra võ sư Đạo là người đã được võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong trao di chúc, chuyển các tài liệu và các kiến thức võ học trước khi qua đời.
Bệnh viện Dưỡng Lão Hà Nội - 2018 Vs Trần Nguyên Đạo đệ trình bản thào sách Khi Công Vovinam-Việt Võ Đạo |
Võ sư Trần Nguyên Đạo, rất trân trọng thịnh ý này và hứa rằng sẽ tìm cách đáp lại ân ý và sẽ thoả nguyện ước vọng của võ sư Phan Dương Bình. Nhưng vì thời gian eo hẹp và công việc kinh tế chưa cho phép thực hiện trong tức thời, nên phải đợi 4 năm sau, năm 2013. Sau nhiều lần hối thúc của võ sư Phan Dương Bình, võ sư Trần Nguyên Đạo quyết định về Hà Nội vào tháng 05-2013 và sau đó liên tục nhiều lần về Hà Nội để thụ huấn cùng võ sư Phan Dương Bình theo như ý nguyện của ông.
Năm 2018, ở tuổi 89, sức khỏe của võ sư Phan Dương Bình bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu và phải vào bệnh viện chữa trị. Ý thức được thời gian của thầy mình không còn bao lâu, nên võ sư Trần Nguyên Đạo đã cố gắng tập trung nỗ lực ngày-đêm để hoàn thành hai cuốn sách Khí Công mà ông đã biên soạn dưới sự giám sát của võ sư Phan Dương Bình từ năm 2009.
Bệnh viện Dưỡng Lão Hà Nội – 07/2018 Võ sư Phan Dương Bình, để lại bút tích trên hai tác phẩm mà ông dày công nghiên cứu với võ sư Trần Nguyên Đạo |
Tháng 7 năm 2018, võ sư Trần Nguyên Đạo trở về Hà Nội đến bên giường bệnh của võ sư Phan Dương Bình, đệ trình hoàn tất hai cuốn sách Khí Công mà võ sư Phan Dương Bình ao ước được nhìn thấy trước khi qua đời. Với những nụ cười thoả mãn, võ sư Phan Dương Bình đã ghi lại những bút tích của mình trên bản thảo của hai tác phẩm mà ông đã chờ đợi từ lâu năm.
Mùa hè năm 2019, ở tuổi 90, sức khỏe của võ sư Phan Dương Bình đột nhiên xấu đi, ông mất tiếng nói và khả năng vận động. Nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Thậm chí ông còn thực hiện lại được một số động tác kỹ thuật Khí Công với võ sư Trần Nguyên Đạo, dưới những cặp mắt kinh ngạc và thán phục của các võ sư trong phái đoàn quốc tế đến thăm ông vào tháng 8 năm 2019 [[1]].
Ngày 15 tháng 5 năm 2020, võ sư Niên trưởng Phan Dương Bình từ giã cõi đời, tuy rằng sự ra đi này đã được dự đoán trong hai năm trước, nhưng nỗi đau buồn và xúc động vẫn đè nặng trên tim của gia đình, các Môn đệ và các Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo khắp thế giới.
Võ sư Phan Dương Bình là một ngôi sao sáng của Vovinam Việt Võ Đạo. Sự ra đi của ông khiến nhiều người bàng hoàng, thương tiếc. Một sự mất mát lớn, không chỉ đối với Vovinam-Việt Võ Đạo mà còn đối với nền văn hóa võ thuật Việt Nam nói chung.
[1] : Nhân dịp phái đoàn quốc tế về Hà Nội tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày biểu diễn đầu tiên của Vovinam-Việt Võ Đạo năm 1939. Đại diện của Đoàn đến vấn an Vs Niên trưởng Phan Dương Bình gồm : Vs Nguyễn Thế Trường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới, Vs Huỳnh Hữu Quý, đại diện Vovinam-VVĐ Vương Quốc Bỉ, Vs Guerrib Mai, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam-VVĐ Pháp, Vs Trương Quang An, Việt Nam, Vs Geurrib Amar, Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Pháp và Vs Trần Nguyên Đạo.
Conseil mondial ds Maîtres
© Fédération mondiale de Vovinam-Việt Võ Đạo