Quy Ước Đẳng Cấp Quốc Tế
Nhập đề
- Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 3 biểu quyết thông qua ngày 19-08-2000 tại California-USA.
- Tu chỉnh lần thứ nhất qua Đại hội thế giới kỳ 6 tại Paris – Pháp, ngày 04 tháng 05-2008.
- Tu chỉnh lần thứ hai qua Đại hội thế giới kỳ 7 tại Paris – Pháp, ngày 28 tháng 05-2012.
Paris ngày 30-05-2012. Thay mặt HĐVS/TG
Võ sư Tổng Thư ký, Trần Nguyên Đạo
Le Conseil Mondial des Maîtres Vovinam-VietVoDao
The World Council of Masters Vovinam-VietVoDao
La Fédération Mondiale de Vovinam-VietVoDao - The Vovinam-VietVoDao World Federation
QUY ƯỚC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ VOVINAM-VIỆT VÕ ĐẠO
Chương I : Phân định đẳng cấp
Điều 1. Đẳng cấp quốc gia và đẳng cấp quốc tế
Đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo được chia ra như sau :
1.1. Đẳng cấp quốc gia : Đẳng cấp do hệ thống quốc gia tổ chức, chấm và cấp phát. Đẳng cấp này chỉ có giá trị giới hạn trong nội bộ quốc gia, không có giá trị tương đương tại các quốc gia khác và đồng thời không có giá trị trong tất cả các hệ thống và các cơ quan Vovinam-Việt Võ Đạo quốc tế.
1.2. Đẳng cấp quốc tế : đẳng cấp được Hội Đồng Võ Sư Thế Giới và Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới công nhận. Đẳng cấp này có giá trị tương đương trên toàn thế giới, tại tất cả các quốc gia thành viên của Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới.
Điều 2. Công nhận đẳng cấp
Hội Đồng Võ Sư Thế Giới (HĐVS/TG) công nhận các đẳng cấp quốc tế qua hai thể thức như sau :
2.1. Đẳng cấp quốc tế được công nhận trực tiếp : Là các đẳng cấp được Hội Đồng Khảo Thí Quốc Tế, tổ chức, chấm điểm và công bố kết quả.
2.2. Đẳng cấp quốc tế được công nhận gián tiếp
- Là các đẳng cấp được Hội Đồng Khảo Thí Quốc Gia tổ chức, chấm điểm và lập hồ sơ xin công nhận lên HĐVS/TG.
- Các quốc gia phải hội đủ các điều kiện được ấn định trong Qui Ước này.
Điều 3. Cấp phát đẳng cấp quốc tế
3.1. Hội Đồng Võ Sư Thế Giới là cơ quan duy nhất có quyền cấp phát và công nhận các đẳng cấp quốc tế.
3.2. Các văn bằng hay chứng chỉ đẳng cấp quốc tế từ trình độ hồng đai đệ nhất cấp trở lên (huyền đai đệ ngũ cấp), phải có chữ ký của Tổng Thư Ký HĐVS/TG và Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới.
3.3. HĐVS/TG ủy quyền cho Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế, thay thế Hội Đồng, tổ chức các khoá thi quốc tế, cấp phát và kiểm soát các đẳng cấp từ trình độ huyền đai đệ nhất cấp đến Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn hồng đai).
3.4. HĐVS/TG ủy quyền cho Ủy Ban Khảo Thí Quốc Tế, thay thế Hội Đồng, tổ chức các khoá thi quốc tế hoặc các cuộc trình luận án dành cho các trình độ Huyền đai đệ ngũ cấp trở lên (Hồng đai nhất cấp).
3.5. Danh sách các võ sư và các huyền đai quốc tế chính thức sẽ được bổ túc hàng năm và thông báo trên toàn thế giới.
3.6. Các hình thức cấp phát đẳng cấp được chia thành bốn loại như sau :
- Bằng đẳng cấp quốc tế.(Diplôme - Diploma)
- Sổ đẳng cấp quốc tế (Passeport - Passport)
- Chứng nhận thư (Certificat - Certificate)
- Danh sách chính thức hàng năm (Liste - List)
Điều 4. Cấp phát đẳng cấp quốc gia
4.1. Hội Đồng Võ Sư Thế Giới ủy quyền cho hệ thống quốc gia thay thế và được quyền cấp phát các đẳng cấp từ trình độ Lam đai đến trình độ Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn hồng đai), với điều kiện phải tôn trọng tất cả các điều luật trong qui ước này.
4.2. Các đẳng cấp quốc gia phải tôn trọng sự minh bạch giữa các đẳng cấp quốc gia và đẳng cấp quốc tế và phải tuân theo các qui luật hành chánh nhất định. Các qui luật chi tiết về hành chánh sẽ do Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế qui định và ban hành.
Điều 5. Cấp phát đẳng cấp danh dự
5.1. Qui Định : Đẳng cấp danh dự là các đẳng cấp tượng trưng được cấp phát cho các thân hữu hoặc các ân nhân của Vovinam-Việt Võ Đạo. Các đẳng cấp này cho phép các đương sự mặc võ phục với đẳng cấp danh dự, được quyền tham gia tất cả các sinh hoạt của Vovinam-Việt Võ Đạo, nhưng không có quyền biểu quyết trong HĐVS/TG và không tham gia trong các ban giám khảo về võ thuật.
5.2. Các đẳng cấp danh dự được giới hạn theo hai cấp sau đây :
- Huyền (Hoàng) đai đệ nhất cấp.
- Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn cao đẳng).
5.3. Các đẳng cấp danh dự quốc gia, do các quốc gia cấp phát và phải thông báo lên HĐVS/TG. Các đẳng cấp danh dự quốc tế do HĐVS/TG cấp phát, nhưng các Hội Đồng Võ Sư Quốc Gia và các võ sư thành viên HĐVS/TG đều có quyền đề nghị lên HĐVS/TG nếu muốn trao tặng cho các nhân vật tại địa phương của mình.
Điều 6. Cấp phát đẳng cấp Nhu Cầu Phát Triển
6.1. Qui Định : Đẳng cấp Nhu Cầu Phát Triển là các đẳng cấp được đặc cách thăng đai mà không cần phải thi cử. Các đẳng cấp này dành cho các võ sư, huấn luyện viên, có nhiệm vụ đứng lớp hoặc lãnh đạo phát triển tại một nơi mới phát triển, không hoặc chưa có đẳng cấp tương xứng với nhiệm vụ của mình.
6.2. Các Đẳng cấp Nhu Cầu Phát Triển này chỉ có giá trị tạm thời. Các đương sự phải đeo lại đẳng cấp thực sự của mình trong các sinh hoạt của Vovinam-Việt Võ Đạo, trong lúc chờ đợi sự hợp thức hoá qua các kỳ thi chính thức.
6.3. Các quốc gia được quyền cấp phát từ Huyền (Hoàng) đai đệ nhất cấp đến trình độ Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn cao đẳng).
6.4. Các đẳng cấp từ trình độ Huyền đai đệ ngũ cấp (Hồng đai đệ nhất cấp) trở lên, phải do HĐVS/TG cấp phát, nhưng Hội Đồng Võ Sư Quốc gia có quyền đề nghị lên HĐVS/TG.
Điều 7. Tôn trọng qui ước quốc tế
Tất cả các quốc gia thành viên ký kết Qui Ước, phải tuyệt đối tuân hành và áp dụng tất cả các Chương, Điều, Khoản trong Qui Ước này. Tất cả mọi vi phạm sẽ do Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế phân sử. (UBGSQT do HĐVS/TG bổ nhiệm)
Điều 8. Hợp thức hoá đẳng cấp tương đương
Dành cho các võ sư chưa sinh hoạt trong hệ thống HĐVS/TG và Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới. Sẽ do HĐVS/TG quyết định và theo thể thức sau đây :
8.1. Đệ trình hồ sơ của từng cá nhân để hợp thức hoá.
8.2. Các đẳng cấp từ trình độ hồng đai đệ nhất cấp trở lên (huyền đai đệ ngũ cấp) phải có bằng cớ hoặc bằng đẳng cấp hoặc nhân chứng với ít nhất của hai người.
Chương II : Hệ thống đẳng cấp
Điều 9. Đẳng cấp và danh xưng
9.1. Hệ thống đẳng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo quốc tế đã được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới kỳ hai biểu quyết thông qua vào tháng 5-1998 tại Houston-Texas/USA. Tu chỉnh lần thứ nhất nhân đại hội thế giới kỳ 6 tại Paris- Pháp, tháng 5-2008, và tu chỉnh lần thứ hai nhân đại hội thế giới kỳ 7 tại Paris – Pháp, tháng 05-2012, như sau :
9.2. Hai hệ thống đẳng cấp : "Hệ thống truyền thống" và "Hệ thống quốc tế ", đều được công nhận. Các Quốc Gia được quyền tùy nghi áp dụng tùy theo tổ chức của mỗi quốc gia.
Chương III : Thời hạn thi
Điều 10. Thời hạn thi dành cho các trình độ trung đẳng
10.1. Thời gian tiêu chuẩn : là thời gian tập huấn tối thiểu phải có.
10.2. Thời gian dành cho các Huấn luyện viên trách nhiệm lớp : thời gian này được rút ngắn lại 1 năm dành cho tất cả các Huấn luyện viên vừa có trách nhiệm giảng huấn và vừa tập huấn cho chính mình.
10.3. Thời gian dành cho các trường hợp đặc biệt : dành cho các Huấn luyện viên trách nhiệm giảng huấn, có năng khiếu võ thuật cao.
10.4. Tuổi tối thiểu để xin thi huyền đai nhất cấp : Được ấn định là 16 tuổi ngày tổ chức khoá thi.
10.5. Các trường hợp tấn thăng : được phân chia như sau :
- Các môn sinh đến từ các môn phái khác và đã tập huấn chương trình kỹ thuật Vovinam-Việt Võ Đạo tương đương.
- Các môn sinh kỳ cựu vẫn còn sinh hoạt, nhưng không có dịp hoặc không có điều kiện để thi lên đẳng cấp.
- Các môn sinh có một quá trình phát huy Vovinam-Việt Võ Đạo cao độ.
Điều 11. Thời hạn thi dành cho các trình độ cao đẳng
11.1. Thời gian tối thiểu để trình luận án : được ấn định là 4 năm.
11.2. Thời gian đặc biệt : thời gian được rút ngắn lại từ một đến hai năm, dành cho các võ sư lãnh đạo tại các tiểu bang (Cục trưởng cục huấn luyện) hoặc các võ sư lãnh đạo tại các quốc gia (Chủ tịch HĐVS/Quốc Gia, Chủ tịch Liên đoàn) hoặc có trách nhiệm quan trọng trong các cơ quan Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc tế.
11.3. Thời gian tối thiểu để được tấn thăng : thời gian được ấn định là 6 năm, dành cho các võ sư có một quá trình và có công lao phát huy Vovinam-Việt Võ Đạo cao, nhưng không có điều kiện để trình luận án. Các trường hợp tân thăng phải theo các thủ tục sau đây :
- Do Hội Đồng Khảo Thí Quốc Tế lập hồ sơ đề nghị tân thăng lên HĐVS/TG.
- Hoặc do HĐVS/Quốc Gia lập hồ sơ đề nghị vinh thăng lên HĐVS/TG.
Chương IV : Cơ quan tổ chức thi và quyền hạn tổ chức thi
Điều 12. Hội Đồng Khảo Thí Quốc Tế
12.1. Ủy Ban Khảo Thí Quốc Tế là cơ quan có thẩm quyền quản lý việc thi đẳng cấp quốc tế, tổ chức cuộc trình luận án quốc tế dành cho các trình độ Huyền đai đệ ngũ cấp trở lên (Hồng đai nhất cấp).
12.2. Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế, là cơ quan có thẩm quyền quản lý, tổ chức các khoá thi quốc tế dành cho các trình độ từ trình độ huyền đai đệ nhất cấp đến Huyền đai đệ tứ cấp.
12.3. Tất cả các thí sinh trên thế giới đều có quyền ghi danh xin thi trong các khoá thi quốc tế, nhưng với điều kiện phải được thông qua bởi Hội Đồng Võ Sư Quốc Gia.
12.4. Các hệ thống quốc gia phải mặc nhiên công nhận và cấp phát bằng đẳng cấp quốc gia tương đương sau khi HĐVS/TG tuyên bố kết quả.
Điều 13. Quyền hạn tổ chức thi của hệ thống quốc gia
13.1. Hội Đồng Võ Sư Thế Giới ủy quyền cho Hội Đồng Võ Sư Quốc Gia, được quyền tổ chức các kỳ thi thăng đẳng cấp trong quốc gia với các điều kiện như sau :
- Tôn trọng tất cả các điều luật trong qui ước này.
- Thành lập Hội Đồng Khảo Thí Quốc Gia với tối thiểu ba thành viên và tất cả các thành viên đều phải có đẳng cấp quốc tế.
- Trong trường hợp các quốc gia không đủ điều kiện để tổ chức, thì HĐVS/QG và/hoặc Liên đoàn quốc gia có quyền lập đơn xin phép lên HĐVS/TG để tổ chức một khoá thi đẳng cấp quốc tế tại quốc gia của mình.
13.2. Từ trình độ Huyền Đai đệ I cấp đến huyền đai đệ III cấp :
- Tối đa một năm hai lần.
- Chủ tịch Hội Đồng Khảo Thí Quốc Gia phải có trình độ tối thiểu là Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn hồng đai) và phải cao hơn các thí sinh 3 (ba) cấp. Các giám khảo phải có trình độ tối thiểu cao hơn 2 (hai) cấp, theo bảng liệt kê dưới đây.
-
Trình độ thí sinh Trình độ xin thi Trình độ tối thiểu của chánh chủ khảo Trình độ tối thiểu
của Giám khảoLam đai 3 cấp Huyền đai 1 Cấp Huyền đai 4 Cấp (Chuẩn hồng đai)
Huyền đai 2 Cấp Huyền đai 1 Cấp Huyền đai 2 Cấp Huyền đai 4 Cấp Huyền đai 3 Cấp Huyền đai 2 Cấp Huyền đai 3 Cấp Huyền đai 5 Cấp Huyền đai 4 Cấp
-
- Biên bản kết quả thi cùng với hồ sơ của các thí sinh phải được đệ trình về HĐVS/TG để được công nhận.
13.3. Từ trình độ Huyền Đai đệ IV cấp (Chuẩn Hồng Đai) trở lên.
- Tối đa một năm một lần.
- Chủ tịch Hội Đồng Khảo Thí Quốc Gia phải có trình độ tối thiểu cao hơn các thí sinh 2 (hai) cấp và các giám khảo phải có trình độ tối thiểu cao hơn 1 (một) cấp, theo bảng liệt kê dưới đây.
-
Trình độ thí sinh Trình độ xin thi Trình độ tối thiểu của chánh chủ khảo Trình độ tối thiểu
của Giám khảoHuyền đai 3 Cấp Huyền đai 4 Cấp Huyền đai 5 Cấp
(Hồng đai I Cấp)Huyền đai 4 Cấp Huyền đai 4 Cấp
(CHÐ)Huyền đai 5 Cấp
(Hồng đai I Cấp)Huyền đai 6 Cấp
(Hồng đai II Cấp)Huyền đai 5 Cấp
(Hồng đai I Cấp)Huyền đai 5 Cấp
(Hồng đai I Cấp)Huyền đai 6 Cấp
(Hồng đai II Cấp)Huyền đai 7 Cấp
(Hồng đai III Cấp)Huyền đai 6 Cấp
(Hồng đai II Cấp)Huyền đai 6 Cấp
(Hồng đai II Cấp)Huyền đai 7 Cấp
(Hồng đai III Cấp)Huyền đai 8 Cấp
(Hồng đai IV Cấp)Huyền đai 7 Cấp
(Hồng đai III Cấp)Huyền đai 7 Cấp
(Hồng đai III Cấp)Huyền đai 8 Cấp
(Hồng đai IV Cấp)Huyền đai 9 Cấp
(Hồng đai V Cấp)Huyền đai 8 Cấp
(Hồng đai IV Cấp)Huyền đai 8 Cấp
(Hồng đai IV Cấp)Huyền đai 9 Cấp
(Hồng đai V Cấp)Huyền đai 10 Cấp
(Hồng đai VI Cấp)Huyền đai 9 Cấp
(Hồng đai V Cấp)Huyền đai 9 Cấp
(Hồng đai V Cấp)Huyền đai 10 Cấp
(Hồng đai VI Cấp)HĐVS/TG HĐVS/TG
-
- HĐVS/QG và Liên đoàn Quốc gia phải lập đơn xin phép tổ chức lên HĐVS/TG trước ba tháng. Biên bản kết quả thi, luận án (5 bản) và hồ sơ của các thí sinh phải được đệ trình về HĐVS/TG để được công nhận.
- HĐVS/TG có quyền cử một hoặc nhiều võ sư quốc tế đến tham dự và kiểm soát các khoá thi tại quốc gia.
Chương V : Chương trình thi
Điều 14. Thi kỹ thuật - Trình luận án
Chương trình thi được chia thành hai thể thức sau đây :
14.1. Thi kỹ thuật : dành cho các trình độ thi từ huyền đai đệ nhất cấp đến huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn hồng đai).
14.2. Trình tiểu luận hoặc luận án hoặc trình bầy kỹ thuật : dành cho các trình độ từ hồng đai đệ I cấp trở lên (Huyền đai đệ ngũ cấp).
Điều 15. Chương trình thi kỹ thuật
15.1. Chương trình thi của các quốc gia thành viên phải dựa trên chương trình Huấn Luyện Quốc Tế do HĐVS/TG ban hành.
15.2. Trong trường hợp các quốc gia thành viên có chương trình huấn luyện riêng, thì chương trình này phải được đệ trình lên HĐVS/TG để được công nhận.
15.3. Ngoài ra sự khác biệt giữa chương trình Huấn Luyện Quốc Gia và Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế không được vượt quá 20%.
15.4. Trong trường hợp Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế chưa được ban hành hoặc đang trong thời kỳ sửa đổi. Các quốc gia thành viên phải gửi về HĐVS/TG chương trình Huấn Luyện Quốc Gia trước khi tổ chức thi ba Tháng.
Điều 16. Tiểu luận - Luận án - Trình bầy kỹ thuật, dành cho các trình độ cao đẳng
Các trình độ thi lên Hồng đai đệ nhất cấp (Huyền đai đệ ngũ cấp) trở lên có thể thi bằng cách đệ trình tiểu luận hoặc luận án hoặc trình bầy kỹ thuật và phải tôn trọng các khoản sau đây :
16.1. Các đề tài của tiểu luận hoặc luận án, tuyệt đối không được liên quan đến các lãnh vực : Chính trị, tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, kêu gọi bạo lực hoặc nhằm phê bình đến bất cứ một cá nhân nào hoặc một tập thể nào.
16.2. Các thí sinh có quyền thực hiện theo ngôn ngữ của quốc gia mình.
16.3. Trong trường hợp bất đồng ngôn ngữ, các thí sinh phải chuẩn bị các thông dịch viên trước khi đệ trình.
16.4. Phải thực hiện tối thiểu năm bản để gửi về HĐVS/TG.
Điều 17. Tiểu luận
17.1. Được đánh giá là tiểu luận dành cho các công trình được thực hiện dưới 50 trang đánh máy hoặc do chính các thí sinh tự ý đệ trình dưới hình thức Tiểu Luận.
17.2. Các điều kiện tổ chức trình tiểu luận được phân định như sau :
- Các tiểu luận phải được gửi đến hội đồng khảo thí trước hai tháng.
- Các thí sinh có thể vắng mặt nếu có lý do chính đáng, việc trình bầy tiểu luận có thể ủy quyền cho một võ sư khác thay cho mình.
- Hội đồng khảo thí phải tôn trọng theo Chương IV : Cơ quan tổ chức thi và quyền hạn tổ chức thi.
Điều 18. Luận án
18.1. Được đánh giá là Luận Án, dành cho các công trình có trình độ tương đương như các luận án đại học, phải được thực hiện trên 50 trang đánh máy (khổ A4 bộ chữ số 10), hoặc do chính các thí sinh tự ý đệ trình dưới hình thức Luận Án.
18.2. Các điều kiện trình Luận Án được phân định như sau :
- Các luận án phải được gửi đến hội đồng khảo thí trước 3 tháng.
- Các thí sinh bắt buộc phải có mặt để trình bầy Luận án.
- Các thí sinh bắt buộc phải có một võ sư đỡ đầu (directeur de thèse) hoặc một nhân sĩ ngoài Vovinam-Việt Võ Đạo đỡ đầu, tùy theo đề tài của thí sinh.
- Hội đồng khảo thí phải có tối thiểu 03 giám khảo. Hội đồng có quyền mời thêm các nhân sĩ chuyên môn để cố vấn trong trường hợp đề tài ngoài lãnh vực của Vovinam-Việt Võ Đạo.
18.3. Các thứ hạng được chia ra như sau : Thứ - Bình - Ưu - hoặc Ưu hạng với lời khen của Hội Đồng Khảo Thí.
Điều 19. Trình bầy kỹ thuật
19.1. Các thí sinh có quyền đệ trình qua hai hình thức sau đây :
- Trực tiếp : Trình bầy trước hội đồng khảo thí với một dàn bài.
- Gián tiếp : Trình bầy qua trung gian qua các phương tiện phim ảnh hoặc thu hình (vidéo).
19.2. Các điều kiện trình trình bầy kỹ thuật được phân định như sau :
- Phải đệ trình một dàn bài với các tiết mục sẽ trình bầy kỹ thuật lên Hội Đồng Khảo Thí trước 03 tháng.
- Các thí sinh bắt buộc phải có mặt để trình bầy.
- Các trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng và được coi là những trường hợp thật đặc biệt.
Chương VI : Biện pháp kỷ luật và quyền khiếu nại
Điều 20. Các biện pháp kỷ luật
Các biện pháp kỷ luật trong chương VI này chỉ áp dụng trên vấn đề đẳng cấp.
20.1. Đối với các cá nhân :
- Cảnh cáo.
- Cấm thi trong vòng từ 1 đến 10 năm.
- Hạ đẳng cấp.
- Loại trừ khỏi Vovinam-Việt Võ Đạo.
20.2. Đối với các quốc gia hoặc các cục huấn luyện
- Cảnh cáo
- Tạm ngưng quyền tổ chức thi trong vòng nhiều năm.
- Truất quyền tổ chức thi cho đến khi có quyết định mới.
- Truất quyền thành viên trong HĐVS/TG và TLĐ/Vovinam-Việt Võ Đạo/TG.
Điều 21. Cơ quan kỷ luật quốc tế
21.1. Tất cả các võ sư quốc tế, quốc gia và các cơ quan quốc tế đều có quyền khởi tố lên Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế đến bất cứ một võ sư nào hoặc một cơ quan nào trong hệ thống quốc tế.
21.2. Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế phải có bổn phận thực hiện các thủ tục sau đây :
- Cứu xét hồ sơ khởi tố, quyết định miễn tố hoặc khởi tố.
- Thành Lập Hội Đồng Kỷ Luật.
- Thông báo đến bị cáo và ấn định ngày xử.
21.3. Trong trường hợp bị kỷ luật, bị cáo có quyền lập đơn khiếu nại lên HĐVS/TG.
21.4. Kết quả kỷ luật sẽ do HĐVS/TG thông báo và các Quốc Gia thành viên phải nghiêm chỉnh thi hành.
Điều 22. Biện pháp kỷ luật quốc gia
22.1. Các biện pháp kỷ luật đối với các cá nhân từ trình độ Huyền đai đệ nhất cấp đến Huyền đai đệ tứ cấp (Chuẩn hồng đai), các hệ thống quốc gia phải thành lập Hội Đồng Kỷ Luật và lập biên bản kết quả trình lên HĐVS/TG.
22.2. Trong một thời hạn hai tháng, nếu bị cáo không khiếu nại đến Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế, HĐVS/TG, sẽ căn cứ theo quyết định kỷ luật của quốc gia, thông báo đến các quốc gia thành viên để áp dụng trên toàn thế giới.
22.3. Trong trường hợp bị cáo khiếu nại, Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế sẽ thiết lập Hội Đồng Kỷ Luật Quốc Tế để tái cứu xét và phán quyết.
22.4. Trong trường hợp đối với các võ sư có trình độ Hồng đai đệ nhất cấp trở lên (Huyền đai đệ ngũ cấp), hệ thống quốc gia phải đệ trình lên Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế, và chỉ được quyền thành lập Hội Đồng Kỷ Luật Quốc Gia sau khi được Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế cứu xét đơn khởi tố và chấp nhận.
22.5. Trong trường hợp Ủy Ban Giám Sát QuốcTế xét rằng đơn khởi tố không có cơ sở và không đầy đủ bằng cớ, hệ thống quốc gia phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế, và hủy bỏ mọi biện pháp kỷ luật
Chương VII : Hành chánh - sửa đổi qui ước quốc tế
Điều 23. Hành chánh - Mẫu đơn - Văn bản - Hồ sơ
Tất cả các Chương, Điều, Khoản trong qui ước Quốc Tế này, sẽ được chi tiết hoá và giải thích bằng các văn kiện do Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế ban hành.
Điều 24. Sửa đổi Qui Ước Quốc Tế
24.1. Tất cả các võ sư, các cơ quan quốc tế, các quốc gia thành viên đều có quyền đề nghị thay đổi các Chương, Điều, Khoản trong qui ước này.
24.2. Các đề nghị sửa đổi phải được gửi về HĐVS/TG, hai tháng trước ngày khai mạc đại hội của Hội Đồng.
24.3. Thể thức biểu quyết được ấn định theo hình thức :
- Bỏ phiếu kín.
- Các biểu quyết sửa đổi Qui Ước phải có 2/3 tổng số phiếu tại đại hội.
- Mỗi võ sư một phiếu.
- Phiếu ủy quyền được chấp nhận.
Điều 25. Hiệu lực
25.1. Các Chương, Điều, Khoản của bản Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế Vovinam-Việt Võ Đạo gồm 7 Chương và 25 Điều.
- Được Đại Hội Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới kỳ 3 biểu quyết thông qua tại California-USA ngày 19-08-2000.
- Tu chỉnh và cập nhật hoá, nhân Đại Hội Võ Sư Thế Giới kỳ 6 được tổ chức tại Paris- Pháp, ngày 04-05-2008.
- Tu chỉnh lần thứ hai, nhân Đại Hội Võ Sư Thế Giới kỳ 7 được tổ chức tại Paris- Pháp, ngày 28-05-2012.
25.2. Các ký kết và đẳng cấp trước qui ước này đều được công nhận và liên tục hoá với Qui Ước mới.
25.3. Tất cả các qui ước trước bản qui ước này đều trở thành vô giá trị.
Bản quyền © Tổng liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới
Các chữ viết tắt :
Đại Hội VSTG : Đại Hội Võ Sư Vovinam-Viêt Võ Đạo Thế Giới
HĐVS/TG : Hội Đồng Võ Sư Thế Giới
HĐVS/QG : Hội Đồng Võ Sư Quốc Gia
UBGS/QT : Ủy Ban Giám Sát Quốc Tế
UBKT/QT : Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế
Tải văn bản "Quy Ước Đẳng Cấp Quốc Tế " bằng ngôn ngữ khác :