Dự án chương trình huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế

Chiếu theo quyết định của đại hội Vs Thế Giới năm 2002 tại Paris, bản dự án này được soạn thảo với mục đích đề nghị một sườn dự án để toàn thể quý vị võ sư thành viên Hội Đồng Võ Sư Thế Giới (HĐVS/TG), thảo luận, nghiên cứu, đóng góp ý kiến và biểu quyết nhân đại hội Vs Thế Giới tại Houston-USA năm 2004.

Sau khi dự án được thông qua, cùng với những bổ túc của các Vs. Chương trình huấn luyện quốc tế sẽ được HĐVS/TG ấn bản và sẽ trở thành chương trình chính thức cho toàn thể các quốc gia thành viên trên toàn thế giới.

Ngoài ra chương trình huấn luyện tương lai này, sẽ được xem như là chương trình căn bản để soạn thảo các chương trình phụ thuộc như :

    • Chương trình võ đạo.
    • Chương trình kiến thức tổng quát.
    • Chương trình thi.
    • Chương trình huấn luyện dành cho thiếu nhi.

Sydney-Paris ngày 01-05-2004.
Ban Soạn Thảo

Vs Lê Công Danh
Vs Trần Nguyên Đạo


titre vovinam vvd1 officiel  350x35 

hdvstg vovinam

Le Conseil Mondial des Maîtres Vovinam-VietVoDao
The World Council of Masters Vovinam-VietVoDao

tldtg vovinam

La Fédération Mondiale de Vovinam-VietVoDao
The Vovinam-VietVoDao World Federation
http://vovinamworldfederation.com

ỦY BAN KỸ THUẬT QUỐC TẾ
La Commission Technique Internationale
The International Technical Board

 

DỰ ÁN CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN VOVINAM-VIỆT VÕ ĐẠO QUỐC TẾ

Chương I

DẪN NHẬP



I.1.  KINH NGHIỆM GIẢNG HUẤN

Thực hiện một chương trình huấn luyện, đối với đa số quí vị võ sư trên thế giới, không phải là một trở ngại khó khăn. Bởi quí vị đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng huấn và đã áp dụng ít nhất một hoặc nhiều chương trình huấn luyện trong suốt quá trình sinh hoạt của quí vị.

Chính vì thế, chương trình huấn luyện, rất gắn bó và tiềm ẩn trong tâm thức của quí vị như bóng với hình. Quí vị chỉ cần một thời gian ngắn để ghi chép lại, đồng thời ghi thêm một số những kinh nghiệm bản thân, là chúng ta đã có một chương trình huấn luyện đầy đủ và có thể áp dụng một cách dễ dàng.

I.2.  DỊ BIỆT !

Nhưng khi chúng ta bàn luận vấn đề thống nhất với những Vs khác trong cùng một địa phận sinh hoạt - cấp tỉnh hoặc tiểu bang – thì những vấn đề dị biệt bắt đầu được đặt ra. Và khi chúng ta bước qua biên giới của một quốc gia, thì những điểm dị biệt lại được nhân lên gấp 10 lần !  Chính vì thế cho đến ngày nay môn phái Vovinam-VVĐ của chúng ta trên thế giới vẫn chưa có một chương trình huấn luyện chính thức.

I.3.  ĐỘC TÀI CẦN THIẾT ?

Trước thực tế bực bội này, đã có rất nhiều quí vị đã giận dữ lên tiếng đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng và giản dị. Một trong những giải pháp được đa số đồng ý là : Yêu cầu một (Vs Chưởng Môn chẳng hạn) hoặc một số quí vị Vs cao cấp (Vs Trần Văn Bé, Vs Lê Công Danh, Vs Ngô Kim Tuyền . . . . ), soạn thảo và "ký vào", là mọi người phải tuân theo. Một hình thức sử dụng uy tín của những Vs kỳ cựu để áp đặt trên mọi người. Một giải pháp "độc tài cần thiết" để giải quyết một vấn đề phức tạp.

Giải pháp giản dị này, quả thật rất dễ thực hiện, nhưng khi áp dụng thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược với mục đích mà chúng ta muốn đạt đến ! Nghĩa là, chia rẽ sâu đậm hơn, thay vì thống nhất ! Chính vì thế chúng ta lại nhận được các ý kiến từ khắp nơi đổ về đòi hỏi một giải pháp mới !

I.4.  CHƯƠNG TRÌNH LẠM PHÁT !

Để trả lời các nguyện vọng này, một số những biện pháp đã được đáp ứng rất hợp lý cùng với các khẩu hiệu như : Cải tiến ! Đổi mới ! Cập nhật hoá  ! Hòa đồng quốc tế . . . Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phương pháp giản dị và vẫn tiếp tục đơn phương áp đặt. Rốt cuộc mục đích thống nhất vẫn không thành công !  Và cứ như thế theo thời gian, chúng ta lại có thêm chương trình thứ 2, 3, 4 . . . Nếu theo tỉ lệ trung bình từ năm 1990 đến nay, cứ 2 năm chúng ta lại có một chương trình mới !

I.5.  YẾU TỐ CHIA RẼ MỚI ?

Qua phương pháp giản dị trên, vô tình chúng ta lại gây ra những yếu tố chia rẽ và khủng hoảng mới. Chia rẽ, bởi nơi nào theo kịp thì được gọi là "Chính Thống", còn nơi nào theo chậm thì bị liệt vào hàng "Ngoại Đồ". Vs hoặc HLV nào nhanh chân chạy theo " mốt mới ", thì được đánh giá là cao đồ, còn các Vs khác thì bị loại vào hàng phế thải, và bị yêu cầu phải đi tập huấn với những kẻ nhanh chân ! Một tình trạng hỗn độn, kẻ dưới kênh kiệu khinh người trên, người trên bất mãn từ chối thay đổi . . . . Gây ra những sự tranh chấp, trên dưới lẫn lộn, đẳng cấp hỗn loạn . . .

I.6.  ĐOẢN KỲ ÁP DỤNG CHO TRƯỜNG KỲ !

Nếu chúng ta cố gắng đầu tư trí não, thì sẽ khám phá ra rằng : Chương Trình Huấn Luyện, vốn có tính dài hạn, là một tiến trình được kéo dài tối thiểu từ 10 đến 15 năm (từ trình độ TVNM cho đến Chuẩn Cao Đẳng). Thì làm sao có thể hoà nhập với những sự thay đổi hàng năm ? 

Những gì chúng ta đã tập huấn năm trước, thì năm nay không còn giá trị ? Đó là một trong những khủng hoảng lớn do phương pháp giản dị tạo ra. Không những cho tập thể mà còn rất tai hại cho tâm lý giáo dục của các môn sinh và HLV. Kết quả sĩ số môn sinh xuống thấp vì chán nản và mất tin tưởng nơi nền võ học VN.

Chính vì thế, một Chương trình Huấn Luyện thống nhất trên phương diện quốc tế, không phải là một vấn đề giản dị như chúng ta thường nghĩ. Nó tiềm ẩn một mức độ phức tạp theo cấp số nhân, tùy theo Thời gian, Văn hoá, Quạn niệm giáo dục, Cạnh tranh, Nhân số Vs trên thế giới và sĩ số các quốc gia đang tập huấn Vovinam-VVĐ.

I.7.  YẾU TỐ VĂN HOÁ VÀ QUAN NIỆM GIÁO DỤC

(Âu Châu : Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ . . . Đông Âu : Liên Xô, Bạch Nga, Ukraina . . . Bắc Mỹ : Hoa Kỳ, Gia Nã Đại . . . Bắc Phi : Maroc, Algeria, Tunisie . . . Nam Phi : Senegal, Guinea, Burkina Faso . . .)

Các nền văn hoá và những quan niệm giáo dục của các quốc gia trên thế giới, là những yếu tố mà chúng ta phải chạm trán và không thể quên được khi thiết lập chương trình huấn luyện quốc tế.  Sau đây là một vài thí dụ nhỏ về vấn đề văn hoá và quan niệm giáo dục.

Tại VN, Bắc Phi và Nam Phi, thì các bài bản như : Búa, Mã Tấu, được quần chúng ưa chuộng và không có vấn đề đối với giới chính quyền thể dục thể thao. Nhưng tại Âu Châu và Đông Âu thì bị đánh giá là man rợ, thiếu văn minh và bị giới chính quyền đặt vấn đề. Ngược lại những bài bản như Kiếm, Đại Đao, Côn . . . Thì lại được đánh giá là bảo tồn văn hoá, được tôn trọng và được ưa chuộng !

Các thế tay không bắt súng, phản súng lưỡi lê, trói tay đánh đông . . . Bị kết án là những đòn thế dành cho trộm-cướp, du đãng để chống lại cảnh sát tại các quốc gia Âu Châu, Bắc Phi và Nam Phi. Nhưng lại được ưa chuộng tại các quốc gia Đông Âu, VN, Úc Đại Lợi hoặc những quốc gia được quyền sử vũ khí như Hoa Kỳ.

I.8.  YẾU TỐ CẠNH TRANH !

Một trong những vấn đề quan trọng mà hầu hết các Vs trên thế giới không quan tâm, đó là vấn đề Cạnh Tranh. Cạnh tranh đối với các trường phái bề thế đã đi trước chúng ta rất xa, kể cả về phương diện tổ chức, kỹ thuật cho đến sĩ số, đó là : Judo, Karaté, Tea-Kowondo, Aikido, Kungfu, Tai Chi Chuan . . . .

Đối với các quốc gia như : Bắc Mỹ và Úc Đại lợi, thì vấn đề cạnh tranh thường được xếp vào hàng thứ yếu. Vì tuyệt đại đa số các môn sinh vốn là những thanh thiếu niên gốc người VN, thoát thai từ phương pháp tổ chức sống theo cộng đồng của các quốc gia này. Các con em VN, thường được các bậc phụ huynh khuyến khích theo học Vovinam-VVĐ. Một phản ứng tự nhiên để bảo tồn văn hoá, nhớ nguồn và học tiếng việt. Chính vì thế vấn đề cạnh tranh đối với các võ phái khác chỉ được lưu ý rất ít và xếp vào hàng thứ yếu.

Ngược lại, tại các quốc gia như : Âu Châu, Đông Âu, Bắc Phi, Nam Phi, thì yếu tố cạnh tranh lại được xếp vào hàng quan trọng bậc nhất. Bởi tại các quốc gia này không tổ chức sống theo cộng đồng và sĩ số người VN rất thấp so với người bản xứ. Nên tuyệt đại đa số các môn sinh là người bản xứ, họ có quyền lựa chọn theo sở thích. Chính vì thế vấn đề cạnh tranh là vấn đề thường trực và tối quan trọng. Nó là sự sống còn của các võ đường và các trung tâm huấn luyện Vovinam-VVĐ..

I.9.  YẾU TỐ TẦM VÓC CỦA TỔ CHỨC

Tại các quốc gia hoặc những địa phương, có một sĩ số môn sinh khiêm nhường - dưới 10 võ đường hoặc dưới 400 môn sinh, có khoảng 15 Vs hoặc HLV đang giảng huấn - Những tổ chức này thường không có vấn đề mỗi khi có sự thay đổi chương trình huấn luyện, do bởi sự gắn bó và sự gần gũi giữa những người có trách nhiệm huấn luyện, nên vấn đề điều chỉnh, tập huấn và thống nhất kỹ thuật, chỉ là một trở ngại nhỏ trong một thời gian ngắn.

Ngược lại, những quốc gia đã phát triển với một sĩ số đáng kể - khoảng từ 500/2000 môn sinh, với một hàng ngũ VS, HLV, trên dưới 200 người – Họ là một tổ chức cấp Liên Đoàn Quốc Gia, nên nhu cầu phát triển đòi hỏi rất lớn. Các tổ chức này phải in-ấn chương trình huấn luyện, phát hành các tài liệu giáo khoa, phổ biến các tài liệu kỹ thuật, in các bằng đẳng cấp, phải đệ trình chương trình huấn luyện lên Bộ Thể Dục Thể Thao nơi họ đang phát triển . . .  Chính vì thế vấn đề thay đổi chương trình huấn luyện, sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng, không những về phương diện tài chánh, mà còn phải huy động rất nhiều nhân lực và thời gian để tổ chức các khoá đặc huấn. Các tổ chức này thường phải có ít nhất 5 năm để hoàn chỉnh, mới có thể đáp ứng toàn vẹn sự thay đổi chương trình huấn luyện.

Trên khía cạnh tầm vóc này, chúng ta phải thận trọng và phải đo lường đúng mức hậu quả của sự thay đổi, và phải đầu tư trí não để tìm kiếm những giải pháp uyển chuyển phù hợp với tầm vóc của từng quốc gia.


Chương II

TIẾN TRÌNH SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN QUỐC TẾ



II.1.  THỐNG NHẤT HỆ THỐNG ĐẲNG CẤP (Đại Hội VSTG 1998-Houston)

Chúng ta không thể soạn thảo và đại Hội Vs Thế Giới cũng không thể thảo luận và biểu quyết một Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế, nếu chúng ta chưa đồng ý trên một hệ thống đẳng cấp thống nhất. Bởi hệ thống đẳng cấp là các mấu điểm thời gian, là tiến trình cơ bản tập huấn của các môn sinh trên thế giới.

Chính vì thế Đại Hội VS Thế Giới năm 1998 (Houston-Texas/USA) đã biểu quyết thống nhất một hệ thống đẳng cấp như sau :

Hệ thống đẳng cấp này là một hệ thống phối hợp theo hệ thống đẳng cấp Việt Nam trước năm 1975 và hệ thống Quốc tế sau năm 1975.

Sự phối hợp này nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu thiết thực của Vovinam-VVĐ trên thế giới trong tiến trình hòa đồng với cộng đồng Võ Thuật Quốc Tế nói chung và bảo tồn truyền thống Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo nói riêng. Ngoài ra nó cũng có mục đích giúp chúng ta tránh được những sự bàn cãi, hoặc những xung đột vô bổ giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến.

Chính vì thế, cả hai hệ thống : Huyền Đai và Hoàng Đai đã được kê khai tương ứng và cả hai đều được công nhận. Các quốc gia trên thế giới đều được quyền tự do áp dụng tùy theo sự liên đới tình cảm hoặc sở thích của mỗi quốc gia.

II.2.  THỐNG NHẤT QUAN ĐIỂM VỀ CÁC BÀI BẢN MỚI VÀ CŨ (Đại Hội VSTG 1998- Houston)

Tuy rằng chúng ta đã thống nhất hệ thống đẳng cấp, một điều kiện tiên quyết để soạn thảo Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế, nhưng chúng ta cũng chưa thể soạn thảo nếu chúng ta chưa giải quyết xong vấn đề chia rẽ và mâu thuẫn trầm trọng qua sự xuất hiện các bài bản mới từ năm 1990 đến nay.

Vấn đề mâu thuẫn ở đây không phải vì các bài bản mới này đúng hay sai hoặc cần thiết hay không cần thiết, mà vấn đề ở đây là : Có rất nhiều quốc gia đã và đang cho tập huấn. Nhưng ngược lại cũng có rất nhiều quốc gia hoàn toàn không hề có trong chương trình huấn luyện.

Ngoài ra các bài bản mới này cũng không thống nhất giữa những nơi đã và đang áp dụng. Thí dụ, bài Ngũ Môn Quyền. Người ta thường đặt câu hỏi : Ngũ Môn Quyền năm nào ? 1990 hay 1992 hay 1995 . . . . Ngũ Môn Quyền 1, hay Ngũ Môn Quyền 2, hoặc Ngũ Môn Quyền nguyên bài ?

Để giải quyết vấn đề phức tạp này, và để tránh mọi vấn đề xung đột giữa hai huynh hướng, đại hội Vs năm 1998 đã quyết định một giải pháp hòa đồng ổn thoả cho cả hai khuynh hướng, theo một khía cạnh thuần lý như sau :

1 - Điểm đồng thuận thứ nhất : Tuyệt đại đa số các Vs trên thế giới ai cũng đều biết và nắm vững các bài bản trước năm 1975. Nhờ đó các bài bản này rất dễ thống nhất và hoàn chỉnh dễ dàng. Chính vì thế các bài bản này sẽ phải là các bài bản căn bản để soạn thảo chương trình huấn luyện quốc tế.

2 - Điểm đồng thuận thứ hai : Các bài bản mới, nhất là các bài bản dành cho các trình độ sơ cấp (Thí dụ : Khai Môn Quyền), là những bài bản đã được phổ biến rộng rãi và rất dễ tập luyện cho những nơi chưa tập huấn. Ngoài ra nếu có sự khác biệt giữa các quốc gia, thì cũng không phải là một trở ngại to lớn. Chính vì thế các bài bản này phải được xếp vào trong chương trình huấn luyện Quốc Tế.

3 - Điểm đồng thuận thứ ba : Các bài bản mới có tính cách phức tạp và chưa thống nhất giữa những nơi đã cho áp dụng (thí dụ : Viên Phương Quyền, Thập Thế Bát Thức, Xà Quyền, Nhu Khí Công Quyền, Tứ Tượng Côn Pháp mới . . .). Những bài bản này phải được đưa lên trình độ Vs để tập huấn và nghiên cứu với mục đích thống nhất giữa các Vs trước khi cho vào chương trình huấn luyện. (Xem tóm lược 5 : Các bài bản mới).

II.3.  QUI ƯỚC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ (Đại Hội VSTG 2000 -California)

Thống nhất hệ thống đẳng cấp. Giải quyết được các vấn đề tranh chấp giữa các bài bản mới và cũ là một bước tiến rất lớn cho môn phái, dọn đường cho sự thành hình chương trình huấn luyện quốc tế.

Nhưng trên phương diện quốc tế, vấn đề cấp bách đáng quan tâm nhất không phải là Chương Trình Huấn Luyện mà là hệ thống tổ chức thi, hệ thống cấp phát đẳng cấp, các tiêu chuẩn thi, trình độ các giám khảo, hệ thống hành chánh giữa đẳng cấp quốc gia-quốc tế . . . . Đây là những vấn đề nhức nhối, mà các quốc gia đang phải tranh thủ vì họ đang sinh hoạt và phải chạm trán hàng năm.

Ngoài ra những vấn đề trên là những vấn đề tối cần thiết cho một tổ chức quốc tế như chúng ta. Chúng ta không thể mệnh danh là một tổ chức quốc tế nếu các quốc gia hội viên không có những điều luật hoặc những tiêu chuẩn sinh hoạt thống nhất cho toàn thế giới.

Chính vì thế đại hội Vs thế giới năm 2000 đã thống nhất biểu quyết một Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế, gồm 7 Chương và 25 điều. Qui Ước này có mục đích chỉ định và điều hòa các điều luật về đẳng cấp, các cách thức thi, chấm thi cho toàn thể các quốc gia hội viên. Qui ước đã được đại hội biểu quyết ngày 19-08-2000 và sau đó đã được Ủy Ban Kỹ Thuật Quốc Tế cùng Ban Thường Trực HĐVS/LĐ thế giới hoàn chỉnh và phát hành vào ngày 01-06-2001.

II.4.  CHỈ ĐỊNH BAN SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH HLQT (Đại Hội VSTG 2002- Paris)

Tất cả mọi tiêu chuẩn cần thiết để soạn thảo chương trình huấn luyện quốc tế đã được hoàn tất. Mọi trở ngại nay đã trở thành thứ yếu. Chính vì thế, nhân đại hội Vs Thế Giới năm 2002 tại Paris, Hội Đồng VSTG đã chỉ định một tiểu ban soạn thảo Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế cùng với một tiến trình và các nhân sự sau đây :

→ Ban soạn thảo gồm : Vs Lê Công Danh và Vs Trần Nguyên Đạo.

→ Tiến trình : Đề nghị một dự án và gửi đến toàn thể các thành viên HĐVS/TG khoảng tháng 5-2004, trước ngày khai mạc đại hội năm 2004 (cuối tháng 7-2004) để tham khảo ý kiến và sẽ là sườn dự án thảo luận để biểu quyết chính thức nhân đại hội năm 2004.

II.5.  TIẾN TRÌNH BIỂU QUYẾT

Bản dự án này được soạn thảo với mục đích đề nghị một sườn dự án để toàn thể quý vị võ sư thành viên HĐVS/TG, thảo luận, nghiên cứu, đóng góp ý kiến và biểu quyết nhân đại hội Vs Thế Giới tại Houston-USA năm 2004.

Sau khi dự án được thông qua, cùng với những bổ túc của các Vs. Chương trình huấn luyện quốc tế sẽ được HĐVS/TG ấn bản và sẽ trở thành chương trình chính thức cho toàn thể các quốc gia thành viên trên toàn thế giới.

Ngoài ra chương trình huấn luyện tương lai này, sẽ được xem như là chương trình căn bản để soạn thảo các chương trình phụ thuộc như :

      • Chương trình võ đạo.
      • Chương trình kiến thức tổng quát.
      • Chương trình thi.
      • Chương trình huấn luyện dành cho thiếu nhi.

Chương III

TIÊU CHUẨN SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN QUỐC TẾ


Các tiêu chuẩn về Hình thức và Sắc thái

III.1.  VỀ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC

Võ phục, hệ thống đẳng cấp, danh xưng, phải có tính chất giản dị, hầu đạt sự thông hiểu một cách tự nhiên của quần chúng. Một phương pháp gián tiếp, tiết kiệm thời gian và nỗ lực giải thích. Cho phép chúng ta tập trung trí lực để đầu tư vào những chương trình phát triển hữu ích khác.

Ngoài ra, hệ thống đẳng cấp Vovinam-VVĐ Quốc Tế đã được HĐVS/TG quyết định nhân đại hội VSTG Houston–1998 và khẳng định lại lần thứ hai qua việc biểu quyết thông qua Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế tại California năm 2000.

  • Võ phục chính thức Vovinam-VVĐ Thế Giới : Võ phục mầu xanh da trời.
  • Phù hiệu chính thức Vovinam-VVĐ Thế Giới : Phù hiệu phải được thêu trên ngực trái võ phục, và theo các kích thước sau đây :

details ecusson vovinam

  • Đai và đẳng-cấp chính thức Vovinam-VVĐ Thế Giới : Phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau đây :

1. Đai : loại vải dầy, cứng. Chiều rộng khoảng từ 4cm đến 7cm. Chiều dài tối đa không quá đầu gối (sau khi thắt đai).

2. Đẳng-Cấp :  Thêu theo mầu sắc ấn định và chỉ được quyền thêu trên một bên đai. Chiều rộng khoảng từ 5 đến 10mm. Khoảng cách giữa đẳng-cấp được ấn định khoảng 8mm.

dimension regelementee barrette vovinam nb

III.2.  CÁC TRÌNH ĐỘ HUẤN LUYỆN VIÊN

Phải có hình thức và chất lượng Quốc Tế, để hoà đồng với những căn bản giá trị của giới Võ Thuật Quốc Tế hiện nay như :  Trình độ võ thuật, trình độ kiến thức, tư thế pháp lý, tư thế Huấn luyện viên v.v.v. Ngoài ra sự hoà đồng này cũng là cách để hợp thức hóa với các hệ thống hành chánh của các chính quyền Quốc Gia.

III.3.  CÁ TÍNH ĐẶC SẮC CỦA VOVINAM-VVĐ

Phải được đảm bảo, một mặt để phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa Vovinam-VVĐ đối với các võ phái khác. Thứ đến là để bảo đảm tư thế cạnh tranh không nhân nhượng, trên mọi lãnh vực, từ sự phong phú cho đến sự hiệu nghiệm của đòn thế. Một cách gián tiếp liên tục bảo trì nền tinh hoa võ học VN..

III.4.  DANH XƯNG – VÀ ĐẲNG CẤP

Biểu đồ danh xưng, tương ứng với đẳng cấp và trách nhiệm giảng huấn.

Đẳng cấp


Danh Xưng


Trách nhiệm giảng huấn


  TVNM
  Lam Đai I --> III Cấp

 Võ sinh Lam Đai
 VoSinh Ceinture Bleue
 VoSinh Blue Belt

 
  Huyền (Hoàng) Đai I Cấp

 Võ sinh Huyền Đai
 VoSinh Ceinture Noire
 VoSinh Black Belt

 Phụ Tá Huấn Luyện Viên
 Enseignant Assistance
 Assistance Teacher

  Huyền (Hoàng) Đai
  II --> III Cấp

 Võ sinh Huyền Đai
 VoSinh Ceinture Noire
 VoSinh Black Belt

 Huấn Luyện Viên
 Enseignant
 Teacher

  Huyền Đai IV Cấp
  Chuẩn Hồng Đai

 Vs Chuẩn Hồng Đai
 Maître Assistance
 Assistance Master

 

  Huyền Đai  : V-->X Cấp
  Hồng Đai : I --> VI Cấp

 Võ Sư
 Maître
 Master

 
  Bạch Đai - 1996

 Võ Sư Bạch Đai
 Maître Ceinture Blanche
 White Belt Master

 
  Bạch Đai - Chưởng Môn

 Võ Sư Chưởng Môn
 Maître Patriarche
 Master Patriarch

 

Biểu đồ danh xưng trên có mục đích giản dị hoá và giới hạn tối đa những danh xưng không cần thiết. Tính chất giản dị trên sẽ giúp các môn sinh và quần chúng thông hiểu một cách tự nhiên, tránh cho chúng ta mọi phiền toái trên phương diện quốc tế. Thí dụ : Sự phân biệt giữa võ sinh và môn sinh, giữa võ sư, Vs Trợ Huấn, Vs Chuẩn Cao Đẳng, Vs Cao Cấp, Vs Kỳ Cựu, Vs Niên Trưởng, HLV Cao Cấp . . . . . . .

Vả lại các danh xưng, chẳng qua chỉ để phân biệt tùy theo thứ bậc, chứ hoàn toàn không có một giá trị căn bản nào trong hệ thống đẳng cấp. Chính vì thế, biểu đồ trên sẽ được chính thức áp dụng trong các văn kiện của các cơ quan Vovinam-VVĐ Quốc Tế. Ngoài ra các quốc gia thành viên đều được quyền thay đổi danh xưng trong nội bộ của quốc gia mình tùy theo nhu cầu của mỗi địa phương.

III.5.  SỰ PHÂN CHIA TRÌNH ĐỘ THEO KHUYNH HƯỚNG QUỐC TẾ HIỆN NAY

Sự phân chia này, phải đáp ứng được một số những mốc điểm thời gian luyện tập tối thiểu mà các võ phái Nhật Bản đã thực hiện trong cộng đồng quốc tế trước chúng ta. Và nay đã trở thành những mốc điểm cơ bản đối với các chính quyền thể dục thể thao và đối với quần chúng.

Thí dụ : Sau 3 năm luyện tập liên tục thì có thể trở thành Huyền Đai. Sau 12 năm thì trở thành võ sư  v.v.v. Một hình thức thiết lập lộ trình luyện tập lý tưởng cho các Môn Sinh vốn có bản tính thuần lý (Logique) của xã hội tây phương.

  • Biểu đồ thời hạn thi dành cho các trình độ trung cấp. (Trích Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế, Chương III, Điều 10)

vovinam thoihanthi trungdang vn

  • Biểu đồ thời hạn thi dành cho các trình độ cao cấp.(Trích Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế, Chương III, Điều 11)

vovinam thoihanthi caodang vn

  • Biểu đồ thời hạn thi dành cho các trình độ Sơ Cấp.

Trình độ này không qui định trong Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế, bởi được nhìn nhận như là đẳng cấp địa phương. Tức có nghiã các trung tâm, các cục huấn luyện (cấp tỉnh) đều được ủy quyền tổ chức thi và cấp phát đẳng cấp. Tuy nhiên Dự Án Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế cũng kê khai thời gian luyện tập để làm các mấu điểm thực hiện Chương trình huấn luyện như sau :

  Trình độ
 Đai - Đẳng

Thời gian luyện tập

  Tự vệ nhập môn

Xanh lam 6 / 8 tháng
  Sơ đẳng I cấp Xanh lam 1 gạch vàng 6 / 8 tháng
  Sơ đẳng II cấp Xanh lam 2 gạch vàng 6 / 8 tháng
  Sơ đẳng III cấp Xanh lam 3 gạch vàng 1 năm


Chương IV

MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN XUYÊN QUA CÁC TRÌNH ĐỘ



IV.1.  TRÌNH ĐỘ SƠ ĐẲNG : GIẢN DỊ, ĐỒNG BỘ

Trình độ này đã được chọn lựa theo hệ thống Vovinam-VVĐ Việt Nam trước năm 1975, từ đẳng cấp đến mầu sắc, danh xưng và thời gian luyện tập (trừ đai xanh lam của trình độ TVNM). Các yếu tố đưa đến sự chọn lựa này do bởi hệ thống trên hàm chứa các đặc tính rất thích hợp với cộng đồng thế giới như  : Giản dị, dễ hiểu và tương đồng nội bộ. 

Một trong những yếu tố chính do bởi các trình độ sơ đẳng đã được nhìn nhận như là đẳng cấp địa phương – Theo Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế - Tức có nghiã các trung tâm, các cục huấn luyện (cấp tỉnh) đều được ủy quyền tổ chức thi và cấp phát đẳng cấp. Chính vì thế trình độ này phải được giảm thiểu tối đa mọi phức tạp, về cả hai phương diện :  hình thức lẫn nội dung, nhằm mục đích phát triển rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội và nhất là bảo đảm sự đồng nhất kỹ thuật giữa các võ đường tại các quốc gia trên thế giới.

IV.2.  TRÌNH ĐỘ TRUNG ĐẲNG : KIẾN THỨC, TRÁCH NHIỆM

Trình độ này được chú trọng đặc biệt về phương diện kiến thức và tư cách Huấn Luyện Viên. Không những phải có một trình độ võ thuật vững chắc, đầy đủ mà còn phải có một trình độ kiến thức và tư cách khả dĩ để bảo đảm vai trò huấn luyện. Những đặc điểm này là một chặng đường bắt buộc với các lý do sau đây :

(a). Nâng cao giá trị kiến thức võ đạo và tư thế HLV, hầu có thể đối phó với trình độ kiến thức khá cao của các môn sinh tại các quốc gia tiền tiến.

(b). Tạo điều kiện và hỗ trợ các môn sinh hoàn tất những tiêu chuẩn để trở thành HLV chính thức. Thí dụ tại đa số các quốc gia Âu Châu, tiêu chuẩn để trở thành HLV do bộ thể dục thể thao ấn định là  :

  • Trên 18 tuổi.
  • Phải có bằng cứu thương do hội Hồng Thập Tự cung cấp.
  • Lý lịch pháp lý hoàn toàn trắng (chưa bị kết án)
  • Phải được Liên Đoàn Quốc Gia chứng nhận và cấp phát bằng cấp.

IV.3.  TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG

Trình độ này về phương diện hình thức được linh động ứng dụng tùy theo nhu cầu và tùy theo quan điểm xã hội của từng Quốc gia. Riêng về phần danh xưng, trình độ và thời gian luyện tập, đã được qui định rõ ràng qua Qui Ước Đẳng Cấp Quốc Tế (biểu quyết ngày 19-08-2000).


Chương V

CÁC TIÊU CHUẨN VỀ PHƯƠNG DIỆN KỸ THUẬT



V.1.  SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA "QUYỀN" VÀ CÁC KỸ THUẬT CĂN BẢN

Các bài quyền là những bài đơn luyện, tổng hợp các  kỹ thuật căn bản như : Tấn, đấm, đá, chém, gạt v.v.v  Chính vì thế chương trình kỹ thuật căn bản của các trình độ phải có sự tương đồng hợp lý với các bài quyền.

Thí dụ trong chương trình kỹ thuật của trình độ sơ đẳng I cấp có bài Khai Môn Quyền. Qua bài quyền này nếu chúng ta phân tích thì có 5 thế tấn căn bản gồm : Lập, Liên, Đinh, Trung Bình, Chảo Mã. 4 thế đấm, 4 lối gạt, 4 lối chém, 4 lối chỏ v.v.v. Chính vì vậy các kỹ thuật căn bản này phải được xắp xếp vào trình độ tự vệ nhập môn, tức có nghiã các kỹ thuật căn bản phải được tập luyện thông thạo trước đó một trình độ (6 hoặc 8 tháng) trước khi tập luyện bài Khai Môn Quyền. Thí dụ :

 Tóm lược  Sự tương quan giữa "quyền" và các kỹ thuật căn bản

Sự Tương quan giữa quyền và các kỹ thuật căn bản

(Xem tóm lược 1 và 2 : Các kỹ thuật căn bản)

V.2.  SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA "QUYỀN" VÀ TIẾN TRÌNH VÕ THUẬT.

Sự tương quan giữa các bài quyền và các kỹ thuật căn bản như : Tấn, đấm, đá, chém, gạt v.v.v. hoặc giữa các đòn thế phức tạp như : chiến lược, phản đòn v.v.v. Là sự tương quan theo chiều ngang.

Riêng sự tương quan theo chiều dọc, được đặt trên căn bản tiến trình thăng tiến đi từ dễ đến khó, cùng tương ứng với từ thấp lên cao. Ngoài ra sự tương quan này còn có sự liên hệ mật thiết với nguyên lý Cương Nhu Phối Triển, vốn là nền tảng võ học của Môn Phái chúng ta.

      • Thí dụ qua trình độ II cấp chúng ta có bài Thập Tự Quyền, bao gồm các đòn thế đơn giản, vũ bão, tức thuộc thể tính Thái Dương  (thiên về phần cương).
      • Nhưng khi bước qua trình độ III cấp thì chúng ta lại có bài Long Hổ Quyền với các đòn thế biến động bất thường, có tính chất chớp nhoáng, vũ bão của thể tính thái dương (qua các thế của Hổ), hoà nhịp với các thế uyển chuyển, bay nhảy, của thể tính thái âm (qua các thế của Long). Tức trình độ này đã tiến cao hơn một bực, từ thể tính Thái Dương bước qua thể tính Lưỡng Cực (cương nhu phối triển).
      • Qua đến trình độ trung đẳng, thì chúng ta lại dọ dẫm bước qua thể tính Thái Âm (thiên về phần nhu tính) qua bài Lão Mai Quyền với các đặc tính: xoay chuyển, bay nhảy, nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, liên tục, chính xác v.v.v. Một trình độ cao hơn, đi đôi với tất cả những phức tạp của trình độ này.

    Biểu đồ tóm tắt sự tương quan giữa quyền và tiến trình võ thuật.

Tóm lại các bài quyền trong chương trình huấn luyện VVN-VVĐ phải được dùng làm điểm tựa (theo chiều ngang lẫn chiều dọc), để xắp xếp và ấn định các đòn thế, các kỹ thuật căn bản theo một hệ thống khoa học, giáo khoa và thần lý.(Xem tóm lược 3 : Quyền - Chiến Lược – Đòn Chân)

V.3.  SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA SONG LUYỆN VÀ CÁC KỸ THUẬT PHỨC TẠP

Tương tự như các bài quyền, các bài song luyện cũng có đặc tính tổng hợp các kỹ thuật căn bản như : Tấn, đấm, đá, chém, đòn chân ..... Và các đòn thế phức tạp như phản đòn, chiến lược, khoá gỡ v.v.v.  Nhưng sự khác biệt giữa Quyền và Song Luyện do từ tính đơn luyện đối với tính đối luyện và mục đích của hai bộ môn.

Nhìn qua bài song luyện 1 chúng ta nhận thấy sự hỗn hợp của 10 thế khoá gỡ và 20 thế phản đòn của trình độ một. Và các bài song luyện hai, ba, bốn, cũng được dựa trên nguyên tắc này. Chính vì thế chương trình huấn luyện phải được xắp xếp theo các nguyên tắc khoa học : Phải tập luyện thuần thục và kỹ lưỡng các thế phản đòn, các thế khoá gỡ, các đòn chân ......  Trước khi tập luyện các bài song luyện. Thí dụ :

V.3.    Sự tương quan giữa Song luyện và các kỹ thuật phức tạp

(Xem tóm lược 4 : Các kỹ thuật phức tạp và Song Luyện)

V.4.  CÁC BÀI BẢN KHÔNG BẮT BUỘC

Ngoài ra các bài bản có tính cách nguy hiểm như búa, mã tấu, súng lưỡi lê, trói tay đánh đông, tay không phản súng . . . Hoàn toàn không phù hợp với quan niệm thể thao của quần chúng Tây Phương, nên sẽ được xếp vào các loại bài bản Không Bắt Buộc. Các Liên Đoàn Quốc Gia được tùy tiện xắp đặt tùy theo sở thích hoặc nhu cầu đòi hỏi. (Xem tóm lược 6 : Các bài bản không bắt buộc)

V.5.  SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA : CĂN BẢN - BÀI BẢN - TINH LUYỆN

Sự tương quan giữa ba lãnh vực : căn bản, bài bản và tinh luyện, có thể nói, đây là một trong những sự khác biệt rất lớn giữa các phương pháp giảng huấn trên thế giới. Bởi lẽ bản chất của người Tây Phương hàm chứa tinh thần tuyệt kỹ và tâm tư nghệ thuật. Tức có nghiã mọi sinh hoạt phải có kết quả mỹ mãn tối đa ngay từ lúc khởi đầu và phải được đi đôi với các tính cách nghệ thuật như : Nghệ thuật trình bầy, hoặc nghệ thuật diễn tả. Tự nó sẽ hàm chứa những cái đẹp, cái hay, tiềm ẩn một cách dán tiếp, ý nghiã của đòn thế và mục đích muốn đạt đến.

Song song với quan điểm trên, đối với nền văn hoá Đông Nam Á, thì lại quan tâm đến sự Phong Phú và sự Hiệu Nghiệm hơn là các vấn đề nghệ thuật trình bầy và kỹ thuật căn bản. Chính vì thế bài bản của Môn Phái rất phong phú và vượt trội so với các võ phái Nhật Bản và Đại Hàn.

vovinam resume evol pratique vn

 

Tuy nhiên sự thái dụng (hoà đồng), giữa hai quan điểm Đông và Tây, không phải là một trở ngại to lớn như chúng ta thường nghĩ, do bởi biến giới giữa hai quan điểm trên không phải là hố sâu cách biệt, mà ngược lại rất gần gũi và tương ứng lẫn nhau như Âm và Dương. Sự thái dụng giữa Đông-Tây trong Chương Trình Huấn Luyện Quốc Tế, sẽ là một trong những đặc điểm của Môn Phái. Chứng tỏ khả năng đáp ứng của chúng ta đối với sự phát triển trên bình diện Quốc Tế. Ngoài ra đó cũng là cách chứng minh thực tiễn nhất sự thực hành triết lý Miên Sinh của môn phái.

Chính vì thế chương trình huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo Quốc Tế sẽ được đặt nền tảng trên sự thái dụng giữa Đông và Tây. Ở trình độ sơ đẳng, quan điểm Tây Phương sẽ được chú trọng đặc biệt đến các kỹ thuật căn bản. Các thế tấn, đấm, đá, chém, gạt v.v.v. Phải đạt được một trình độ vững chắc, vũ bão, chính xác. . .  và sẽ đặt nặng trên vấn đề nghệ thuật trình bầy và nghệ thuật diễn tả.

Để phù hợp với những đòi hỏi trên, trình độ sơ đẳng sẽ được giản dị và hạn chế tối đa các bài bản để tập trung thời giờ, chuyên tập các kỹ thuật căn bản và chỉ sau khi đã đạt được trình độ hoặc khả dĩ có thể so sánh hoặc vượt cao hơn các võ phái khác, thì các bài bản lại được luyện tập tối đa. Tức một khi các môn sinh bước qua trình độ trung cấp, thì quan điểm Đông Phương sẽ được đặt ưu tiên. Một phương pháp phong phú hóa, và chứng tỏ sự giầu có của Môn phái ta và đó cũng là phương pháp kích thích sự hăng hái luyện tập cho các môn sinh mà các võ phái khác hầu như rất nghèo nàn trên phương diện này.(ngoại trừ các võ phái Trung Quốc).


Chương VI

KẾT LUẬN


Chương trình huấn luyện là một mẫu mực, là những chặng đường tiến thân của tất cả các Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo. Tự nó thể hiện một tầm mức quan trọng then chốt, nó sẽ chi phối tất cả mọi sinh hoạt của Môn Phái ta trên thế giới.

Tất cả mọi thành quả, tương lai, mục đích và nhất là con đường lý tưởng của chúng ta ...... sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi chương trình này. Chính vì thế, chương trình huấn luyện quốc tế phải là một chương trình bất biến ít nhất trong vòng 5 năm hoặc 10 năm tới.

Kính thưa quí thầy.

Chúng tôi rất hân hạnh được quý thầy ủy thác trách nhiệm lớn lao này, và rất tin tưởng nơi sự đóng góp ý kiến của quý thầy, bởi đây là trọng trách chung của toàn thể HĐVS/TG mà các thầy là những người tiền phong trên công việc trọng đại này.

Sydney-Paris ngày 01-05-2004.

Vs.  Lê Công Danh
Vs. Trần Nguyên Đạo


TÓM LƯỢC CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN


Chương VII

Tóm lược 1 : Các kỹ thuật căn bản : Tấn, Đấm Đá

VII.    Tóm lược 1 : Các kỹ thuật căn bản : Tấn, Đấm Đá

Chương VIII

Tóm lược 2 : Các kỹ thuật căn bản

vovinam-vvd-program-resume-02 vn

Chương IX

Tóm lược 3 : Quyền - Chiến Lược – Đòn Chân

vovinam-vvd-program-resume-03 vn

Chương X

Tóm lược 4 : Các kỹ thuật phức tạp và Song Luyện

vovinam-vvd-program-resume-04 vn

Chương XI

Tóm lược 5 : Các bài bản mới / Kỹ thuật mới

vovinam-vvd-program-resume-05 vn

Chương XII

Tóm lược 6 : Các bài bản không bắt buộc

vovinam-vvd-program-resume-06 vn

Chương XIII

Tóm lược 7 : Chi tiết Khoá Gỡ và Phản Đòn

vovinam-vvd-program-resume-07 vn

Chương XIV

Tóm lược 8 : Tóm lược tổng quát chương trình huấn luyện

vovinam-vvd-program-resume-08 vn


© La Fédération Mondiale de Vovinam-VietVoDao
© The Vovinam-VietVoDao World Federation
http://vovinamworldfederation.com

Vs.  Lê Công Danh

Vs. Trần Nguyên Đạo