Dự án cập nhật hoá 10 điều tâm niệm Vovinam-Việt Võ Đạo
Dẫn nhập
10 điều tâm niệm của Vovinam-VVĐ được soạn thảo từ năm 1964 (1) đến nay đã tròn 48 tuổi. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ « tư tưởng cột trụ » và đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều thế hệ, không những tại Việt Nam mà đã lan tràn đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Cá nhân tôi, với hơn 37 năm sinh hoạt tại hải ngoại, đã cọ sát và giao thiệp với nhiều võ phái lớn trên thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một võ phái nào có 10 điều tâm niệm phong phú và hội tụ nhiều giá trị phổ cập như Vovinam-VVĐ của chúng ta. Đây là điều hãnh diện lớn trong làng võ ! Nhưng lại rất khiêm nhường và nhỏ bé so với các trường phái triết học trên thế giới.
Chính vì thế, 10 điều tâm niệm phải tiếp tục vai trò tư tưởng rường cột của mình, phải biết sánh vai với đà tiến bộ trí tuệ của nhân loại, phải vượt lên trên mọi quan điểm cục bộ của một nhóm hay của một quốc gia, để trở thành những giá trị phổ cập, hầu hoà nhịp với kiến thức hiện đại của thế kỷ thứ 21.
Năm 1964, các thầy Niên Trưởng (2) đã động não trong nhiều tháng, đã so-đo từng chữ và đã đàm-luận không biết bao nhiêu lần, để đưa ra một hệ thống tư tưởng, tạo cho môn phái có được một nền tảng vững mạnh cho đến ngày nay.
Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, năm 1964, các thầy vốn là những con dân Việt Nam, là những võ sư đang sống và đang nhào lộn trong văn hoá Lạc Việt. Vào thời điểm Việt Nam mới thoát khỏi ách đô hộ ngoại bang và đang lặn hụp trong một cuộc nội chiến tương tàn.
Chính vì thế, tư tưởng và chủ đích của 10 điều tâm niệm đã ảnh hưởng nặng nề xuyên qua thân phận đau buồn của con dân Việt Nam, cùng với những luồng tư tưởng : Lão Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… đang được cọ sát với những luồng triết lý Tây Phương như : Socrate, Platon, Diogène, Aristote … Spinoza, Descartes, Rousseau… và những ánh sáng mới lạ của tổ sư Nguyễn Lộc.
Ngày nay, sau gần 75 năm hiện hữu (1938-2012), Vovinam-Việt Võ Đạo không còn là một bộ môn Võ thuật-Võ đạo của riêng người Việt Nam nữa ! Bởi chúng ta đã đóng góp và cống hiến cho nhân loại. Nó đã trở thành một nền văn hoá võ thuật chung của nhiều dân tộc và nhiều văn hoá trên khắp năm châu.
Kỳ vọng của sư tổ Nguyễn Lộc
Chính vì thế 10 điều tâm niệm cũng phải bước lên địa vị Vovinam-Việt Võ Đạo toàn cầu hoá, thoát ra khỏi khung trời « Việt Nam 1964 » để trở thành những tư tưởng tiền phong và hiện đại theo đúng kỳ vọng của sư tổ Nguyễn Lộc :
«... Chúng ta không bao giờ nên có ý-định đặt ra những sáng-kiến của chúng ta, những sản phẩm của chúng ta thành qui-tắc bất-di bất-dịch, để người đồng-thới và hậu-thế phải tuân theo. Vì làm như thế là ghìm đà tiến-bộ của hậu-sinh lại. Trên dưới hai mươi nhăm thế-kỷ, nhân loại – nói cho chính xác hơn, bọn «Tống Nho», Tây cũng như Đông – đã đặt những sáng kiến của Khổng Tử và Aristote thành "khuôn vàng, thước ngọc" , bắt hậu thế phải qui theo. Nếu tất cả người Đông-Phương đều thành Khổng Tử, tất cả người Tây-Phương thành Aristote, thì nhân-loại mới đạt đến mức mà Khổng Tử và Aristote đã đạt được cách đây 2.500 năm. Vậy tiến-bộ ở chỗ nào ? ». (Trích đặc san Vovinam-VVĐ 1965, qua nhân chứng của bác sĩ Đàm Quang Thiện, vốn là bạn của võ sư Nguyễn Lộc).
Thiếu sáng kiến là tụt hậu
Qua những suy tư đặc sắc trên, các môn sinh hậu thế có thể khẳng định rằng quan điểm của Vovinam-Việt Võ Đạo là : không tiến là lùi. Chúng ta không chấp nhận tinh thần Giáo-Phái, hoặc bắt chước các sinh hoạt tôn giáo một cách ngớ ngẩn, đưa bút tích của các thầy lớn lên bàn thờ, biến thành một loại Kinh-Điển cho các môn sinh hậu thế. Một hành động đẩy môn phái ra khỏi lãnh vực của một bộ môn võ thuật quần chúng và nhảy vào vào lãnh vực Thần-Linh, Huyền-Bí.
Tư thế và thời điểm tu chỉnh
Ý tưởng cập nhật hoá 10 điều tâm niệm đã được nung nấu bởi nhiều võ sư quốc tế, ngay từ thập niên 1980, khi bắt đầu có sự cọ sát sâu đậm với các nền văn hoá tiền tiến tại các quốc gia Âu Châu.
Cụ thể nhất là luận án võ học của võ sư Hà Kim Khánh (3) với đề tài « Việt Võ Đạo Tradition ou Adaptation » (Việt Võ Đạo, Truyền Thống hoặc Thích Nghi). Qua luận án này võ sư Khánh đã đệ trình 10 điều tâm niệm hiện đại hoá (bằng tiếng Pháp) với kỳ vọng tiếp tục bảo trì truyền thống Vovinam-VVĐ, nhưng đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, tôi thiết nghĩ, tổ chức của chúng ta chưa đủ tư thế, khả năng và thời điểm để cập nhật hoá, nên tạm thời đưa vào "viện bảo tàng" hẹn một ngày thuận lợi sẽ đặt lại ý tưởng tiền tiến này.
Kính thưa quí thầy, ngày hứa hẹn đó đã đến một cách bất ngờ qua đề nghị đột ngột của một vị võ sư Niên Trưởng đến Tổng Thư Ký Hội Đồng Võ Sư Thế Giới ngày 05 tháng 9–2007, và chính thức yêu cầu cập nhật hoá 10 điều tâm niệm. Và điều thú vị thứ hai là vị võ sư này, lại là một trong những võ sư Niên Trưởng (4) đã đóng góp hoàn thành 10 điều tâm niệm của môn phái năm 1964 !
Kính thưa quí thầy, thiết nghĩ rằng, thời điểm chúng ta chờ đợi đã đến !
- Hiện nay Vovinam-VVĐ ta đã có một hệ thống tổ chức quốc tế với hơn 16 năm sinh hoạt. Đã có đầy đủ tư cách chính danh để tổ chức một cuộc hiện đại hoá qui mô trên bình diện thế giới cùng với sự đóng góp của mọi người, trong hoặc ngoài tổ chức, để đạt sự đồng thuận tối ưu.
- Ngày nay, tuyệt đại đa số các võ sư kỳ cựu trên thế giới đã có trên 30, 40 năm kinh nghiệm sinh hoạt hải ngoại, đồng thời các võ sư tại Việt Nam cũng đã cọ sát nhiều lần qua nhiều cuộc giao lưu quốc tế và hiện đang sinh hoạt trực diện với các biến chuyển văn hóa xã hội trong nước.
- Một may mắn lớn của Vovinam-VVĐ hiện nay, đó là đa số các võ sư Niên Trưởng, vốn là những người đã khai sáng 10 điều tâm niệm, hiện vẫn còn tại thế và vẫn hăng say sẵn sàng đóng góp.
Ý thức được trách nhiệm của mình trong vai trò lãnh đạo môn phái trên bình diện quốc tế. Một trách nhiệm do chính các thầy tin tưởng và ủy nhiệm (nhiệm kỳ 2004-2008), nên tôi mạnh dạn viết dự án này vào năm 2007 và đã được nhiều võ sư trên thế giới tham gia tích cực.
Sau đó dự án đã được thảo luận nhân Đại Hội Vovinam-VVĐ Thế giới kỳ 6, tháng 05-2008 tại Paris. Nhưng vì thời giờ giới hạn nên chưa được biểu quyết chính thức.
Chính vì thế, năm nay, nhân đại hội Vovinam-VVĐ Thế giới kỳ 7, Hội Đồng Võ Sư Thế Giới, hân hạnh mời các thầy Niên Trưởng cùng các võ sư trên thế giới tham dự một lần nữa, ra công xây dựng nền tảng võ đạo Vovinam-VVĐ đang trong tư thế chuyển mình bước vào cộng đồng thể dục thể thao thế giới.
Ngoài ra với quyền hạn cho phép của Tổng Thư Ký, tôi kính mời võ sư Niên Trưởng Nguyễn Văn Cường, võ sư Ngô Hữu Liễn, trong cương vị thành viên Thượng Hội Đồng Võ Sư Thế Giới cùng võ sư Hà Kim Khánh, phụ tá thầy Cường trong công việc tiến hành tu chỉnh 10 điều tâm niệm.
Đóng góp cập nhật hoá 10 điều tâm niệm
Vì lợi ích chung, vì tương lai tư tưởng của Vovinam-VVĐ, các đóng góp sẽ không giới hạn về : Chủng tộc, tuổi tác, đẳng cấp, môn sinh hoặc hệ thống tổ chức. Tất cả các ý kiến đóng góp, phân tích, luận trình … đều sẽ được ghi nhận và ghi chép vào biên bản. (xem mẫu thư đóng góp cập nhật hoá 10 điều tâm niệm).
Tất cả các võ sư có trình độ Chuẩn Hồng Đai trở lên trong môn phái, là thành viên hay không trong Hội Đồng Võ Sư Thế Giới, đều có quyền đóng góp nhân đại hội võ sư thế giới kỳ 7 sẽ được tổ chức tại Paris vào tháng 5-2012.
Kết luận
Kính thưa quí thầy, trong công cuộc đóng góp và xây dựng tư tưởng khó khăn này, tôi tin rằng với tinh thần cao độ cùng những kinh nghiệm có bề dầy của quí thầy, chúng ta sẽ đặt một viên đá mới, đánh dấu 74 năm (1938-2012) ngày thành lập môn phái, đạt được kỳ vọng của sư tổ Nguyễn Lộc và thoả mãn nhu cầu tư tưởng của toàn thể các môn sinh trên thế giới.
Riêng đối với các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh vốn không là thành viên trong Hội Đồng Võ Sư và Tổng Liên Đoàn Thế Giới. Tôi thiết nghĩ, đây là dịp để chúng ta chứng tỏ tinh thần cao độ Vovinam-VVĐ đối với các môn sinh người bản xứ và đồng thời nêu cao danh dự môn phái đối với cộng đồng thế giới, tạm bỏ qua những dị biệt hoặc những chính kiến về tổ chức hoặc hiềm khích cá nhân để cùng nhau xây dựng một hệ thống tư tưởng hiện đại cho Vovinam-Việt Võ Đạo mà mọi người sẽ được thừa hưởng trong bình đẳng, đồng thời vinh danh nền văn hoá võ thuật Việt Nam.
Paris ngày 30/03/2012
Tổng thư ký Hội Đồng/Vs Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới
Võ sư Trần Nguyên Đạo
Chú Thích
(1) : Nguyên văn mười điều tâm niệm đầu tiên được soạn thảo và ghi trong Qui Lệ môn phái Vovinam 1964 : Điều thứ 74 – Chương 8.
Toàn thể môn sinh phải thuộc lòng, thấu triệt ý nghĩa và tuân hành 10 điều tâm niệm dưới đây:
- Võ sinh Vovinam nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
- Võ sinh Vovinam nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo.
- Võ sinh Vovinam đồng tâm nhất chí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo.
- Võ sinh Vovinam tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ.
- Võ sinh Vovinam tôn trọng các võ phái khác, chỉ dụng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
- Võ sinh Vovinam chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh.
- Võ sinh Vovinam sống trong sạch, giản dị, trung thực, và cao thượng.
- Võ sinh Vovinam kiện toàn ý chí đanh thép để thắng phục cường quyền và bạo lực.
- Võ sinh Vovinam sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.
- Võ sinh Vovinam tự tín, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.
(2) : Các võ sư Niên Trưởng, thành viên Ban chấp hành Môn phái năm 1964 :
- Mạnh Hoàng (*)
- Trần Huy Phong (*)
- Trịnh Ngọc Minh (*)
- Nguyễn Văn Thư (*)
- Lê Sáng (*)
- Nguyễn Văn Thông
- Trần Đức Hợp
- Ngô Hữu Liễn
- Trần Bản Quế
- Nguyễn Văn Cường
- Phan Quỳnh
- Trần Thế Phượng
(*) : Các võ sư đã qua đời
(3) : Luận án võ học “Việt Võ Đạo Truyền Thống hoặc Thích Nghi”, được võ sư Hà Kim Khánh đệ trình thi lên trình độ chuẩn hồng đai nhân ngày lễ giỗ tổ 1983 tại Paris (tháng 04-1983). Võ sư Hà Kim Khánh năm nay 60 tuổi (1952), hồng đai đệ nhị cấp (2010), tốt nghiệp đại học cao đẳng kinh tế (DESE Marketing – Limoges) và đại học tin học (DESS), đại học Sorbonne Paris VIII. Hiện đang nhiệm lãnh chức vụ Chủ tịch Hội đồng võ sư Liên đoàn Vovinam-VVĐ Pháp.
(4) : Vị võ sư Niên Trưởng này vì kiêm tốn nên xin không lộ danh tính.